Đang tải...
Ngày đăng: 06/06/2022
Dấu ấn từ các phong trào thi đua
Với mục tiêu đạt chuẩn huyện NTM trong năm 2022, huyện Bình Liêu đang tập trung mọi nguồn lực, huy động sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, các tầng lớp nhân dân và đẩy mạnh xã hội hóa để hoàn thành các tiêu chí, chỉ tiêu về đích NTM. Xác định tiêu chí môi trường là một trong những nhiệm vụ khó hàng đầu, huyện đã chủ động rà soát, lên kế hoạch thực hiện quyết liệt từng nội dung.
Bà Lê Thị Thu Hương, Trưởng Phòng NN&PTNT huyện Bình Liêu, cho biết: Tại một số thôn vùng sâu, vùng xa của huyện, hiện còn nhiều hộ dân vẫn giữ thói quen sinh hoạt lạc hậu cần phải thay đổi, như: Chưa có nhà tiêu hợp vệ sinh, chuồng trại chăn nuôi gần nhà ở, nếp sinh hoạt không gọn gàng, sạch sẽ... Vì vậy, huyện tiếp tục tăng cường vận động nhân dân thực hiện giữ gìn vệ sinh từ nhà ra ngõ. Đồng thời, huy động xã hội hóa vật liệu xây dựng và ngày công hỗ trợ người dân xây dựng công trình nhà tiêu, chuồng trại hợp vệ sinh, triển khai phương án thu gom, xử lý rác sinh hoạt phù hợp. Đặc biệt, chú trọng tuyên truyền, phát huy vai trò gương mẫu của cán bộ, đảng viên để người dân noi theo, duy trì ý thức giữ gìn vệ sinh môi trường hằng ngày.
Không riêng huyện Bình Liêu, thời gian qua, hưởng ứng phong trào “Quảng Ninh chung sức xây dựng NTM”; “Toàn dân đoàn kết xây dựng NTM, ĐTVM”, Ủy ban MTTQ và các đoàn thể các cấp chủ trì, phối hợp với các sở, ngành của tỉnh xây dựng chương trình hành động để tuyên truyền, vận động nhân dân tham gia. Trong đó, công tác bảo vệ môi trường, tập trung nâng cao chất lượng tiêu chí môi trường trong xây dựng NTM được triển khai với nhiều nội dung, mô hình cụ thể, thiết thực, tạo sức lan tỏa sâu rộng trong cộng đồng.
Phát huy tinh thần xung kích, tình nguyện của tuổi trẻ, trong 5 năm qua, các cấp bộ Đoàn trong toàn tỉnh đã đảm nhận xây dựng 91 vườn mẫu tại các thôn NTM kiểu mẫu; vận động, hỗ trợ người dân vùng sâu, vùng xa xây dựng các công trình cấp nước, chứa nước sạch, 555 nhà tiêu hợp vệ sinh, di chuyển 780 chuồng trại chăn nuôi.
Đồng thời, triển khai 162 tuyến phố văn minh, xây dựng 10.120 địa chỉ xanh, sạch, đẹp và vệ sinh môi trường, lắp đặt 2.093 thùng rác công cộng; tổ chức bóc xóa quảng cáo không đúng nơi quy định, vẽ tranh bốt điện, tranh bích họa... vừa tạo mỹ quan đô thị, vừa khơi dậy ý thức, trách nhiệm của cộng đồng với công tác bảo vệ môi trường.
Các mô hình về bảo vệ môi trường gắn với xây dựng NTM, ĐTVM cũng đã trở thành nét riêng tiêu biểu của tổ chức Hội phụ nữ các cấp. Ngoài kết quả thực hiện các tiêu chí gia đình “5 không, 3 sạch” góp phần tích cực hoàn thành 11/19 tiêu chí về đích NTM, đến nay, toàn tỉnh có 138 mô hình “Chi hội phụ nữ 5 không, 3 sạch”; 120 mô hình “Chi hội phụ nữ sống xanh”. Nổi bật, mô hình “Biến rác thành tiền” đã được thực hiện ở 16/16 địa phương, đơn vị với 100% cơ sở Hội, 1.368/1.609 (đạt 85%) chi hội thực hiện và trên 50.000 hộ thực hiện phân loại rác thải tại gia đình.
Cùng với đó, tại các khu dân cư, người dân vẫn duy trì hiệu quả phong trào “Ngày Chủ nhật xanh” định kỳ đồng loạt ra quân dọn vệ sinh đường làng, ngõ xóm, tạo cảnh quan xanh, sạch, đẹp cho địa phương.
Bảo vệ môi trường bền vững
Bên cạnh những kết quả tích cực đạt được, quá trình thực hiện hoàn thiện và nâng cao tiêu chí môi trường trong xây dựng NTM trên địa bàn tỉnh cũng còn gặp những vướng mắc. Đó là công tác vệ sinh môi trường chưa được duy trì liên tục, trở thành việc làm thường xuyên của mỗi cá nhân, gia đình; tỷ lệ phân loại rác thải tại hộ gia đình chưa cao; các địa phương miền núi, vùng sâu, vùng xa của tỉnh còn thiếu nhiều nguồn lực đầu tư đồng bộ cho công tác vệ sinh môi trường...
Vì vậy, trong kế hoạch xây dựng NTM năm 2022, tỉnh đã chỉ đạo các ngành, địa phương dành sự quan tâm đặc biệt, bố trí nguồn lực thỏa đáng cho công tác bảo vệ môi trường. Trong đó, tiếp tục đẩy mạnh thu hút nguồn lực xã hội đầu tư xây dựng các công trình nước sạch, công trình bảo vệ môi trường trên địa bàn xã, thôn theo quy hoạch nghiên cứu ban hành chính sách khuyến khích đầu tư trong lĩnh vực môi trường, nhất là các hoạt động thu gom, tái chế và xử lý chất thải.
Đồng thời, tăng cường quản lý, xây dựng và bảo vệ môi trường nông thôn thông qua xây dựng và triển khai tốt các hương ước về bảo vệ môi trường tại các thôn, bản, khu dân cư; tổ chức phát động các hoạt động hưởng ứng các ngày lễ môi trường ở từng xã, thôn để nâng cao ý thức cho người dân gắn với thực hiện phong trào “Ngày Chủ nhật xanh”, “Xây dựng gia đình 5 không, 3 sạch”, “Sản xuất xanh, tiêu dùng xanh”.
Thêm nữa, thực hiện thu gom và xử lý chất thải rắn, nước thải theo quy định, nghiên cứu mô hình phân loại, xử lý rác thải sinh hoạt dựa vào cộng đồng dân cư bằng công nghệ thân thiện với môi trường; đầu tư xây dựng mới các lò đốt rác sinh hoạt đảm bảo công suất tại một số địa phương theo kế hoạch của tỉnh gắn với việc quản lý, vận hành và sử dụng hiệu quả. Bên cạnh đó, tăng cường kiểm tra, xử lý nghiêm các tổ chức, cá nhân có hành vi vi phạm pháp luật về bảo vệ môi trường theo quy định.
Nâng cao chất lượng các tiêu chí môi trường trong xây dựng NTM, ĐTVM nói riêng, tiến tới giải quyết, nâng cao chất lượng công tác bảo vệ môi trường nói chung không phải là nhiệm vụ có thể thực hiện một lần, một đợt là xong mà phải được thực hiện thường xuyên và liên tục. Do đó, cùng với công tác chỉ đạo, hỗ trợ của tỉnh, các địa phương cần tập trung huy động sự tham gia đóng góp tích cực hơn nữa của các tầng lớp nhân dân, của cộng đồng doanh nghiệp để đầu tư thực hiện hiệu quả tiêu chí về môi trường. Qua đó, góp phần thực hiện thành công chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng NTM trên địa bàn tỉnh theo đúng kế hoạch đề ra.