Đang tải...
Ngày đăng: 27/11/2024
Nước sạch nông thôn giữ vai trò hết sức quan trọng trong việc nâng cao sức khỏe và cải thiện chất lượng cuộc sống của người dân ở vùng nông thôn. Tuy nhiên, trên thực tế hiện nay tại một số địa phương khu vực nông thôn, vùng sâu vùng xa, miền núi… Nhiều công trình nước sạch không được duy tu, bảo dưỡng đã dẫn tới tình trạng khan hiếm nước sạch diễn ra khá phổ biến.
Trong Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021 – 2025, nước sạch sinh hoạt là 1 trong 6 dịch vụ xã hội đang bị thiếu hụt ở nhiều vùng khó khăn. Tại tỉnh Tuyên Quang, để giải quyết vấn đề này, tỉnh ưu tiên xây dựng các công trình cấp nước tập trung nhằm nâng cao tỷ lệ sử dụng nước hợp vệ sinh. Tuy nhiên, do khó khăn về nguồn kinh phí nên chỉ tiêu nước sạch đang chưa đáp ứng.
Hiện nay toàn tỉnh Tuyên Quang có 81 công trình cung cấp nước sinh hoạt hợp vệ sinh do đơn vị quản lý, hiện nay chỉ còn 35 công trình hoạt động hiệu quả, còn lại đang đặt ra nhiều thách thức trong công tác vận hành. Bởi người dân nơi đây chủ yếu là đồng bào dân tộc thiểu số ở vùng sâu, vùng xa, mức sống còn thấp, trình độ nhận thức còn hạn chế và khó khăn về kinh tế, do đó giải pháp nào để đảm bảo nước sạch vùng nông thôn cho người dân là vấn đề cần phải tháo gỡ trong thời điểm này.
Để bảo đảm các công trình cấp nước mang lại hiệu quả trong thời gian tới, mới đây tỉnh Tuyên Quang đã chỉ đạo ủy ban nhân dân cấp xã được giao quản lý, khai thác công trình cần chủ động bố trí nguồn lực để sửa chữa, khắc phục những hư hỏng nhỏ bảo đảm công trình hoạt động hiệu quả. Những công trình xuống cấp, bị hư hỏng lớn cần xác định rõ nhu cầu sử dụng nước của người dân, sự cần thiết phải đầu tư, xây dựng kế hoạch cải tạo, phục hồi, sửa chữa, nâng cấp báo cáo cơ quan chức năng để đề xuất đưa công trình vào danh mục đầu tư công trong giai đoạn 2021-2025".
Nguồn: baomoi.com