Đang tải...
Ngày đăng: 13/09/2022
Xin gạo dễ hơn xin nước
Nhắc đến nước sinh hoạt, chị em phụ nữ ở thôn Chợ Nga, xã Thanh Xuân, huyện Sóc Sơn nhăn mặt: “Không có cái khổ nào như khổ thiếu nước”. Bà Chiểu nhẩm tính số nhà chung nhau khoan giếng ở cánh đồng phía đông. Còn bà Hến nói: “Con dâu tôi nói đùa rằng, nếu biết Chợ Nga không có nước thì nó không về làm dâu tôi. Nước thiếu, tắm gội cũng phải hà tiện”.
Nhà bà Hến ở giữa làng, giếng chỉ đủ nước sinh hoạt cho sáu tháng mưa, còn sáu tháng nắng dù có dè sẻn cũng vẫn thiếu. Khi có trào lưu khoan giếng, ông Hưởng - chồng bà - thuê thợ về khoan suốt tuần vẫn không thấy nước. Nghe thầy địa lý chỉ, ông Hưởng tiếp tục khoan thêm giếng khác ở góc vườn, nhưng vẫn không có nước. Những tháng mùa khô, phải qua nhà hàng xóm xin nước, nhưng dây gàu họ chỉ thả đến một khoảng cố định, cố múc thêm gàu nữa cũng không được. “Không phải người ta keo kiệt, mà là cả làng thiếu nước, họ phải giữ lại để dùng. Họ sẵn sàng cho mình yến gạo chứ xin mươi lít nước là cả vấn đề” - bà Hến phân trần.
Bà Nhã bán hoa quả giữa thôn Phú Hạ, xã Minh Phú. Sạp hoa quả của bà nằm đối diện nhà em gái, nhưng mỗi khi cần nhà vệ sinh là bà phải chạy xe máy về nhà mình, vì nhà em ở trên gò cao, thiếu nước nghiêm trọng. Bà Chi, cũng ở thôn Phú Hạ, kể: “Gia đình tôi một ngày dùng hai bình nước, chỉ để ăn uống. Nửa năm không sử dụng máy giặt vì không có nước. Giếng cạn, tôi thuê người nạo vét, nhưng càng vét càng khô. Tắm giặt vợ chồng con cái cứ thay nhau về nhà ông anh trai tôi ở xã Tân Dân…”.
Gian nan tìm nước
Cơ sở 2 của Trường mầm non xã Minh Phú nằm ở thôn Thanh Trí, là nơi thiếu nước trầm trọng. Hai giếng đào trong khuôn viên trường không có nước nên từ lâu cả 250 trẻ đều ăn uống, rửa ráy bằng nước đóng bình. Nước vệ sinh được bơm về từ kênh tưới. Đến giữa tháng Tám vừa rồi, trường mới xin được nước giếng của một hộ dân cách trường hơn cây số.
Cơ sở chính của trường mầm non và Trường THCS Minh Phú cũng thiếu nước từ nhiều năm nay. Cả hai nơi này đều phải kéo nước từ UBND xã mới tạm đủ dùng. Tại thôn Phú Hạ, nhiều hộ đã bỏ ra 50-60 triệu đồng thuê đào những cái giếng sâu hun hút kiêm chức năng chứa nước mưa, nhưng khát nước vẫn hoàn khát nước.
Nhà bà Hến cùng rất nhiều hộ gia đình ở thôn Chợ Nga đã khắc phục chuyện thiếu nước bằng cách bơm nước từ ao trước nhà văn hóa thôn về xả ra vườn để nước thấm qua đất chảy vào giếng. Nhưng vào năm ngoái, mưa lớn, cống dẫn nước thải bị vỡ tràn nước bẩn vào ao, khiến dân thôn Chợ Nga càng thêm “khát” nước.
Ở thôn Thanh Nhàn, nhà anh Nguyễn Văn Bình may mắn khoan được cái giếng có nước, nhưng cũng chỉ dùng cho tắm giặt chứ không đạt tiêu chuẩn để ăn uống. Do vậy, anh cùng mấy hộ lân cận rủ nhau ra sân bóng của thôn cách nhà 2km khoan giếng rồi dẫn nước về, nhưng cũng phải lọc qua 2-3 lần mới ăn uống được. Ở thôn Chợ Nga, các gia đình đều phải sắm máy lọc nước.
Cả thôn Chợ Nga và thôn Thanh Nhàn đều có những khu vực giếng đào kiệt nước, giếng khoan sâu hơn trăm mét chỉ thấy bụi bay lên, nếu có nước thì nước chứa nhiều tạp chất. Do vậy, bà con, cứ 4-5 hộ cùng nhau khoan chung một cái giếng ngoài sân bóng thôn rồi kéo nước về. Ven sân bóng thôn Thanh Nhàn dày đặc những hộc bảo vệ giếng khoan, máy bơm, dây điện…
Mỏi mòn chờ mấy chục năm
Cụ Quách Thị Tĩnh về làm dâu thôn Phú Hạ từ năm 18 tuổi, nay đã ngấp nghé 90. 70 năm về ở thôn Phú Hạ cũng là 70 năm cụ sống trong cảnh thiếu nước. Hiện cụ sống với con trai cả, gia đình có năm người thì bốn người phải ra giếng khoan ngoài cánh đồng tắm giặt, chỉ một mình cụ được tắm ở nhà. “Nghe các cháu khoe “sắp có nước sạch” từ mấy năm nay mà đến giờ đã thấy đâu. Lại sắp đến những ngày cả làng kìn kìn đi xin nước, mua nước rồi đấy” - cụ nói.
Không chỉ Minh Phú, Thanh Xuân mà nhiều xã của huyện Sóc Sơn cũng thiếu nước vào mùa khô và khát nước sạch ngay giữa mùa mưa. Để giải quyết nguồn nước cho huyện bán sơn địa này, từ năm 2017, Hà Nội đã triển khai dự án cấp nước sạch cho Sóc Sơn và theo kế hoạch thì vào năm 2020 sẽ hoàn thành. Nghe có nước sạch về, nhiều gia đình đã lắp đặt sẵn ống và đồng hồ chờ kết nối. Anh Bình bảo: “Tôi đã lắp cả hai cái đồng hồ nước sạch, tính sẽ dùng cho bõ bao nhiêu năm khổ sở, nào ngờ tới giờ vẫn cứ ngồi chờ mãi”. Bà Hến thì nhắc: “Năm nào cũng thấy có người về lấy mẫu nước, họ nói mang đi kiểm nghiệm rồi sẽ đưa nước sạch về thôn”.
Được biết, huyện Sóc Sơn đã nhiều lần làm việc và có văn bản đôn đốc nhà đầu tư đồng thời báo cáo UBND thành phố cùng các sở, ngành về việc chậm trễ việc cấp nước sạch cho hơn 70% dân cư. Huyện cũng đã kiến nghị thành phố điều chỉnh phạm vi, quy mô thực hiện dự án, kêu gọi các nhà đầu tư khác, nhưng đến nay vẫn chưa thể khẳng định khi nào Sóc Sơn mới hết khát.