Đang tải...
Ngày đăng: 19/02/2020
Trước tình hình đó, các tỉnh trong khu vực thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp nhằm thích ứng với biến đổi khí hậu, hạn chế hạn mặn xâm nhập.
* Chủ động ứng phó, giảm thiệt hại
Để hạn chế thiệt hại do hạn mặn, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã chỉ đạo các ngành chức năng, địa phương theo dõi, cập nhật diễn biến thời tiết, nguồn nước; vận hành hợp lý công trình thủy lợi, tranh thủ lấy nước khi độ mặn ở mức cho phép để tăng cường tích trữ nước vào nội đồng, hệ thống kênh; tiếp tục đẩy nhanh tiến độ hoàn thiện các công trình phòng, chống hạn hán, xâm nhập mặn đang được bàn giao tạm thời để vận hành trong mùa khô 2019 - 2020…
Ông Lê Thanh Tùng, Phó Cục trưởng Cục Trồng trọt (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) cho biết, tình hình hạn, mặn trong mùa khô 2019 - 2020 đã được các cơ quan chuyên môn của Bộ, Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn quốc gia dự báo từ tháng 7/2019.
Những tín hiệu khi đó cho thấy, hạn, mặn sẽ diễn ra, mức độ có thể tương đương với năm 2015 - 2016 và ngành chức năng đã chuẩn bị từ thời điểm đó.
Ngành đã có sự cẩn trọng trong bố trí sản xuất lúa Thu Đông, chủ động giảm bớt các diện tích không có đủ thời gian để cho vụ Đông Xuân. Đối với vụ Đông Xuân, trong điều kiện bình thường, diện tích lúa hàng năm ở Đồng bằng sông Cửu Long khoảng 1,6 triệu ha.
Tuy nhiên, vụ Đông Xuân 2019-2020, diện tích canh tác còn khoảng 1,55 triệu ha, giảm 50.000 ha để chủ động thích ứng và giảm thiểu thiệt hại nếu xâm nhập mặn diễn ra như dự báo.
Cùng với đó, những địa phương vùng ven biển có nguy cơ hạn cuối vụ như: Bến Tre, Tiền Giang, Trà Vinh, Bạc Liêu, Sóc Trăng… khung thời vụ đã được đẩy sớm ngay từ đầu tháng 10/2019. Việc bố trí lại thời vụ và chủ động xuống giống sớm, linh hoạt cho những vùng bị ảnh hưởng của xâm nhập mặn sẽ giúp hạn chế thấp nhất thiệt hại do hạn, mặn gây ra.
Do làm sớm công tác phòng, chống hạn xâm nhập mặn ngày từ đầu mùa khô, tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến rộng rãi thông tin về tình hình xâm nhập mặn để các tổ chức, cá nhân biết, chủ động nguồn nước sản xuất, vận hành tốt các cống, công trình thủy lợi để ngăn mặn, giữ ngọt... đến nay, dù mùa khô, hạn mặn đến sớm trước gần cả tháng so với năm 2016 nhưng thiệt hại về cây trồng, sản xuất của người dân các tỉnh trong khu vực Đồng bằng sông Cửu Long được cho là chưa lớn.
Trong chuyến công tác khảo sát tình hình hạn mặn tại Sóc Trăng mới đây, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Nguyễn Xuân Cường đánh giá cao công tác chuẩn bị của các địa phương, trong đó có Sóc Trăng.
Theo Bộ trưởng, Sóc Trăng đã rút kinh nghiệm sâu sắc từ đợt hạn mặn kỷ lục năm 2016, có sự triển khai bài bản, ứng phó tốt, cụ thể là đã tuyên truyền, chỉ đạo nông dân xuống giống vụ Đông xuân chính vụ sớm gần 1 tháng so với lịch thời vụ hàng năm, nhờ đó đến nay đã thu hoạch cơ bản, lúa được mùa, trúng giá, tuy nhiên chỉ có khoảng 600 ha lúa vụ 3 bị ảnh hưởng, có thể thiệt hại trắng là do bà con không nghe theo khuyến cáo của ngành chuyên môn.
* Nước sinh hoạt được ưu tiên hàng đầu
Để tăng cường công tác phòng chống hạn hán, thiếu nước, xâm nhập mặn khu vực Đồng bằng sông Cửu Long, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã đề nghị Thủ tướng Chính phủ tiếp tục chỉ đạo các Bộ, ngành liên quan phối hợp với Bộ trong việc hỗ trợ các địa phương tiếp tục tăng cường công tác phòng, chống hạn hán, thiếu nước, xâm nhập mặn, bảo đảm hạn chế thấp nhất thiệt hại cho sản xuất nông nghiệp và không để người dân thiếu nước sinh hoạt.
Giải pháp được Bộ đưa ra là khoan giếng bổ sung nguồn nước ngọt; kéo dài các đường ống từ các nhà máy nước tập trung ở vùng nước ngọt cấp cho các vùng dân cư bị ảnh hưởng, lắp thêm các vòi nước công cộng để cấp cho các hộ dân bị ảnh hưởng xâm nhập mặn sử dụng.
Đơn vị chức năng chuẩn bị phương án huy động các xe bồn lưu động chở nước ngọt cho khoảng 40.000 hộ dân sống phân tán tại các tỉnh trong khu vực; kêu gọi các tổ chức quốc tế, doanh nghiệp tư nhân hỗ trợ bồn nhựa trữ nước, thiết bị xử lý nước hộ gia đình cho người dân bị ảnh hưởng, đặc biệt ưu tiên các hộ dân nghèo, sống phân tán, ven sông, ven biển chưa được tiếp cận nguồn nước sạch….
Về lâu dài, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho rằng cần khuyến khích chuyển đổi mạnh cơ cấu cây trồng, đặc biệt vùng không chủ động nguồn nước, thường xuyên xảy ra hạn hán, thiếu nước, xâm nhập mặn sang phát triến nông nghiệp đa dạng, đáp ứng nhu cầu của thị trường, chuyển từ phát triển theo số lượng sang chất lượng...
Bộ sẽ đề xuất Ngân hàng Thế giới hỗ trợ dự án cấp nước và vệ sinh nông thôn cho các tỉnh thường xuyên chịu ảnh hưởng của hạn hán, xâm nhập mặn, trong đó có các tỉnh khu vực Đồng bằng sông Cửu Long; phối hợp với Bộ Xây dựng thực hiện dự án cấp nước cho các đô thị khu vực Đồng bằng sông Cửu Long (có mở rộng cho khu vực nông thôn).
Số liệu của ngành Nông nghiệp cho thấy, những ngày gần đây, các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long đã hỗ trợ hơn 20.000 bồn trữ nước cho người dân với các dung tích khác nhau.
Tại Sóc Trăng, tỉnh đã kéo dài 719.688 m đường ống cấp nước tập trung, đối với công trình còn dư công suất. Tỉnh Kiên Giang tiến hành thau rửa hơn 1.200 giếng khoan nhằm tăng khả năng cấp nước...
Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã yêu cầu các địa phương chủ động xây dựng kế hoạch tổng thể cấp nước sinh hoạt trong suốt mùa khô với phương châm không để người dân thiếu nước sinh hoạt; chủ động bố trí ngân sách thực hiện các giải pháp cấp bách phòng chống hạn mặn và cấp nước sinh hoạt nông thôn.
Bộ kêu gọi các tổ chức quốc tế, tư nhân hỗ trợ bồn nhựa trữ nước, thiết bị xử lý nước cho người dân bị ảnh hưởng, ưu tiên hộ nghèo, hộ sống phân tán, ven sông, ven biển chưa được tiếp cận nguồn nước sạch; tính toán đầu tư bồn nhựa loại 10 m3, túi nhựa dẻo từ 15-30 m3 đặt tại địa điểm tập trung để cung cấp nước cho người dân.
* Từ bài học kinh nghiệm của năm 2016
Ông Nguyễn Trường Sơn, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Phòng chống thiên tai (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) cho biết, để ứng phó với tình trạng hạn hán và xâm nhập mặn năm 2019-2020, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã có những chỉ đạo kịp thời; tổ chức các hội nghị về việc tổ chức xuống giống sớm vụ Đông Xuân để né hạn, mặn ở khu vực này; có những chỉ đạo cụ thể cho các vụ mùa tiếp theo, đặc biệt là tích trữ nước trong hệ thống kênh rạch, ở các hộ gia đình.
Cùng với đó, Bộ đã chỉ đạo các đơn vị quản lý công trình thủy lợi chủ động vận hành những công trình này để giảm thiểu thiệt hại do hạn hán và xâm nhập mặn gây ra.
Lãnh đạo Tổng cục Phòng chống thiên tai khuyến cáo các địa phương cần thường xuyên cập nhật diễn biến tình hình thiếu nước, xâm nhập mặn và người dân cần được biết những thông tin này.
Trên cơ sở đó, các cấp chính quyền đến người dân sẽ có các giải pháp để chủ động ứng phó ngay trong mùa khô đầu năm 2020.
Trong dài hạn, ông Nguyễn Trường Sơn cho rằng, vai trò của chính quyền là vô cùng quan trọng. Theo đó, chính quyền địa phương sẽ hỗ trợ người dân chuyển đổi sinh kế, lựa chọn các giải pháp chủ động thích ứng.
"Hiện, Bộ và các địa phương đang hành động quyết liệt để thực hiện có hiệu quả Nghị quyết 120 của Chính phủ trong ứng phó với hạn hán và xâm nhập mặn ở Đồng bằng sông Cửu Long", Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Phòng chống thiên tai nhấn mạnh.
Trao đổi với phóng viên TTXVN, ông Nguyễn Hữu Thiện, chuyên gia nghiên cứu độc lập về sinh thái Đồng bằng sông Cửu Long phân tích, ranh giới mặn - ngọt ở Đồng bằng sông Cửu Long là sự "tranh chấp" ngày đêm giữa sông và biển. Khi nào nước sông yếu thì biển mạnh, mặn lấn vào sâu.
Năm nào nước lũ trên sông Mê Công thấp, mùa khô năm sau sẽ gay gắt. Điều này đã từng diễn ra trong đợt hạn, mặn lịch sử hồi năm 2016 và tiếp tục lặp lại trong năm 2020.
Cũng theo ông Nguyễn Hữu Thiện, năm 2016, tuy đã có dự báo trước nhưng dù sao đó cũng là lần đầu tiên nên cả hệ thống nông nghiệp và người nông dân đã bị bất ngờ. Vì vậy thiệt hại lớn.
"Đối với năm 2020, dự báo hạn, mặn gay gắt bằng hoặc hơn cách đây 4 năm nhưng do đã có kinh nghiệm, ngành chức năng đã chủ động, nông dân được thông báo sớm. Việc dịch chuyển thời vụ được tiến hành. Do vậy, chúng ta có thể kỳ vọng là hạn, mặn có thể gay gắt hơn nhưng thiệt hại sẽ thấp hơn 2016", ông nói.
Giải pháp để ứng phó với hạn, mặn về lâu dài, ông Nguyễn Hữu Thiện cho rằng cần dựa vào tình hình của các năm bình thường. Không nên thấy tình hình năm 2016 và 2020 rồi vội vàng kết luận rằng đây là tình hình chung, đồng bằng càng ngày càng thiếu nước.
"Nếu lấy hai năm này làm chuẩn để xây dựng một chiến lược ứng phó chung, chúng ta sẽ đi quá đà. Chiến lược lâu dài phải dựa trên nhiều năm, trong đó có những năm phi cực đoan và có kế hoạch dự phòng cho những năm cực đoan", ông Thiện nói.
Tính đến giữa tháng 2/2020, mức độ xâm nhập mặn ở Đồng bằng sông Cửu Long đã vượt mốc kỷ lục 100 năm từng xảy ra năm 2016. Tuy nhiên, thiệt hại gây ra cho lĩnh vực nông nghiệp ở khu vực này đang ở mức khá thấp nếu so với kỳ hạn mặn lịch sử vừa qua.
Phó Cục trưởng Cục trồng trọt Lê Thanh Tùng cho biết, đến nay, tổng thiệt hại đối với sản xuất lúa trong vụ mùa 2019 và Đông Xuân 2019-2020 là trên 32.000 ha, bằng 7,3% so với thiệt hại năm 2015-2016.
Có được kết quả thuận lợi trên, ngoài việc đưa các dự án phòng chống xâm nhập mặn vào sử dụng, theo ông Tùng, việc tổ chức xuống giống sớm sẽ góp phần giúp kéo giảm thiệt hại về sản xuất lúa do hạn và xâm nhập mặn.