Được biết, những năm qua các doanh nghiệp nước sạch đã tập trung đầu tư kinh phí lắp đặt, bổ sung trang thiết bị tiên tiến, nâng cấp hệ thống đường ống nước đồng bộ trong khu vực cấp nước. Tại Nhà máy nước sạch Khu A Kim Bảng (Công ty cổ phần Xây dựng và phát triển hạ tầng kỹ thuật Hà Nam) đang cấp nước sạch cho 7 xã của huyện Kim Bảng và TP Phủ Lý.
Bảo đảm chất lượng và cung cấp đầy đủ nước phục vụ sinh hoạt của khách hàng, nhất là trong mùa nắng nóng, công ty đã đầu tư hơn một tỷ đồng hoàn thiện hệ thống bể lắng, thường xuyên duy tu, bảo dưỡng hệ thống máy bơm nhằm chủ động cấp nước sạch liên tục. Công ty xây dựng kế hoạch dự phòng, nếu trường hợp chất lượng nước sông Đáy không bảo đảm thì sử dụng nguồn nước dự trữ tại hồ với trữ lượng khoảng 48 nghìn m3 nước thô để sản xuất nước sạch bảo đảm phục vụ khách hàng trong thời gian một tuần.
Tại Công ty TNHH Xây dựng Mỹ Đà (TP Phủ Lý) có 9 nhà máy cấp nước phục vụ cho hơn 51 nghìn khách hàng của 27 xã ở TP Phủ Lý và các huyện: Lý Nhân, Bình Lục, Thanh Liêm. Vào thời điểm này, sản lượng nước tiêu thụ hằng ngày tăng trên 10%, do đó bên cạnh việc nâng cao chất lượng, công ty đặc biệt quan tâm đến việc tu sửa, thay thế trang thiết bị, lắp đặt đường ống để tăng công suất đáp ứng yêu cầu sử dụng nước của khách hàng. Hiện công ty đang nâng cấp hệ thống đường ống ở các xã An Đổ, Đồng Du (Bình Lục)...
Còn tại Nhà máy nước sạch sông Hồng ở xã Mộc Nam (Duy Tiên) được đầu tư xây dựng từ tháng 9/2017 với công suất 200.000 m3/ngày đêm và thực hiện 2 giai đoạn. Trong đó, giai đoạn I công suất 100.000 m3/ngày đêm, kế hoạch hết quý III/2022 hoàn thành đưa vào vận hành. Đến thời điểm này, dự án đã xây dựng các tuyến cống hộp, trạm bơm nước thô, tuyến ống nước thô và một số hạng mục như bể trộn cơ khí, bể phản ứng cơ khí, bể lắng lamella, bể lọc nhanh, trạm bơm nước sạch. Hoàn thành các tuyến ống nước sạch (DN1000, DN600), cổng tường rào, san nền, nhà máy quản lý, nhà vận hành, khu hạ tầng kỹ thuật và khu rửa xe, trạm điện, nhà để xe, đường nội bộ, cây xanh.
Ông Phạm Văn Nam, Phó Giám đốc Công ty TNHH Xây dựng Mỹ Đà cho biết: Công ty phấn đấu đến ngày 30/6/2022 Nhà máy hoàn thành giai đoạn I để cung cấp nước sạch cho khách hàng ở KCN Đồng Văn, một số xã, phường của thị xã Duy Tiên, TP Phủ Lý và các huyện Thanh Liêm, Kim Bảng.
Không chỉ quan tâm đầu tư kinh phí nâng cấp hệ thống trang thiết bị, lắp đặt đường ống bảo đảm cung cấp đủ nước phục vụ khách hàng 24/24 giờ, các doanh nghiệp luôn coi trọng đến việc nâng cao chất lượng nguồn nước. Tại Nhà máy nước sạch Đọi Sơn (Công ty cổ phần Xây dựng Vietcom Hà Nam) có công suất 12 nghìn m3/ngày đêm, cấp nước cho các xã, phường: Tiên Sơn, Yên Nam, Tiên Ngoại, Tiên Nội (thị xã Duy Tiên) và Tiên Hiệp (TP Phủ Lý).
Để nâng cao chất lượng nước sạch cung cấp, nhà máy đã được UBND tỉnh phê duyệt thiết kế cơ sở để nhà máy thay thế nguồn nước sông Châu bằng nguồn nước sông Hồng. Theo đó, đến nay công ty đã hoàn thành việc lắp đặt hệ thống ống thu từ khu vực Nhà máy nước sạch Chuyên Ngoại (Duy Tiên) cấp về cho Nhà máy nước sạch Đọi Sơn. Từ đây, nhà máy cấp nước về cho các xã theo mạng lưới và hệ thống cấp nước sạch trong khu vực.
Ông Vũ Kim Hà, Giám đốc Công ty TNHH Đồng Tiến Thành Hà Nam cho biết: Ba nhà máy nước sạch với tổng công suất đạt trên 6.700 m3/ngày đêm phục vụ cho 26 nghìn hộ dân ở 11 xã của huyện Lý Nhân được lắp đặt hệ thống máy, trang thiết bị ngoại nhập và qua kiểm tra của ngành chức năng đều đánh giá chất lượng nước đạt tiêu chuẩn quy định. Tại nhà máy luôn duy trì hoạt động nội kiểm 3 ngày một lần lấy mẫu kiểm nghiệm có ghi nhật ký theo dõi và mỗi tháng một lần ngoại kiểm do Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Hà Nam (Sở Y tế) đảm nhiệm. Công ty đã cam kết luôn phục vụ nước sạch cho khách hàng đầy đủ, liên tục và kịp thời.
Thời gian qua, các doanh nghiệp sản xuất nước sạch đã luôn chủ động tích cực đầu tư, nâng cấp trang thiết bị, nâng cao chất lượng hoạt động nhằm hướng đến việc hình thành mạng lưới cấp nước sạch kết nối liên vùng và bảo đảm nguồn nước sạch ổn định, an toàn, chất lượng cho khách hàng ở mọi thời điểm. Bên cạnh nỗ lực từ phía doanh nghiệp, các cơ quan chuyên môn của tỉnh tăng cường hoạt động kiểm tra, giám sát, tập huấn nghiệp vụ xử lý, quy trình kỹ thuật vận hành để nâng cao hiệu quả cấp nước sạch. Từ đó nâng tỷ lệ bao phủ nước sạch trên địa bàn tỉnh cấp cho khu đô thị đạt 100% và ở nông thôn chiếm hơn 95%, đồng thời đáp ứng đầy đủ nguồn nước sinh hoạt phục vụ tại hộ gia đình và sản xuất của doanh nghiệp.