Đang tải...

lang-vi
lang-en

Trung tâm quốc gia nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn

National center for rural water supply and environmental sanitation

Đồng nai: Chuyển phương án hoạt động 54 công trình nước sạch nông thôn

Ngày đăng: 29/06/2022

 

Nếu được HĐND tỉnh thông qua, 54 công trình nước sạch nông thôn (NSNT) đang khai thác nước ngầm sẽ chuyển sang phân phối nước sạch.

* Chuyển từ khai thác sang phân phối

Tại buổi làm việc với lãnh đạo UBND tỉnh vào chiều 14-6, Phó giám đốc Sở NN-PTNT Trần Đình Minh cho biết, hiện các công trình cấp nước nông thôn trên địa bàn Đồng Nai chỉ hoạt động hơn 50% công suất. Để đảm bảo các công trình này hoạt động liên tục, cung cấp đủ nước sạch theo quy chuẩn cho người dân, góp phần thực hiện mục tiêu 85% dân số dùng nước sạch, đồng thời hạn chế khai thác nước ngầm, cần ban hành kế hoạch đầu tư đấu nối, nâng cấp các công trình cấp nước nông thôn đã được đầu tư trên địa bàn tỉnh đến năm 2025.

Sở NN-PTNT xây dựng dự thảo kế hoạch trình UBND tỉnh trên cơ sở thống kê, rà soát hiệu quả hoạt động của các công trình hiện hữu và lấy ý kiến các sở, ngành. Kế hoạch đưa ra 2 phương án; trong đó, phương án ưu tiên là đấu nối nguồn nước sạch từ các công trình cấp nước mặt có quy mô công suất lớn vào hệ thống đường ống của các công trình cấp nước nông thôn để phân phối nước sạch cho người dân.

Kế hoạch đầu tư đấu nối, nâng cấp các công trình cấp NSNT đã được đầu tư trên địa bàn tỉnh đến năm 2025 đề ra phương án: đấu nối 54 công trình cấp nước nông thôn với công trình cấp nước mặt công suất lớn. Số lượng cụ thể tại các huyện: Định Quán 23, Tân Phú 8, Cẩm Mỹ 7, Thống Nhất 4, Vĩnh Cửu 3, Long Thành 2, Nhơn Trạch 2, Xuân Lộc 2, Trảng Bom 1 và TP.Long Khánh 2 công trình.

Tổng số công trình cấp NSNT được đề xuất đấu nối với công trình nước sạch sử dụng nguồn nước mặt là 54 công trình, tại 9 huyện và TP.Long Khánh. Nguồn vốn thực hiện khoảng 54 tỷ đồng, trong đó vốn sự nghiệp tỉnh khoảng 11 tỷ đồng, ngân sách địa phương khoảng 20 tỷ đồng, còn lại là nguồn khác. Các huyện có số lượng công trình đề xuất đấu nối nhiều là: Định Quán, Tân Phú, Cẩm Mỹ…

Cho ý kiến về dự thảo kế hoạch của Sở NN-PTNT, Chủ tịch UBND tỉnh Cao Tiến Dũng phân tích, trên địa bàn Đồng Nai hiện có 3 mô hình quản lý công trình cấp NSNT là: đơn vị sự nghiệp công lập; doanh nghiệp tư nhân; UBND các xã. Các công trình này được đầu tư bằng nguồn vốn ngân sách, việc quản lý và khai thác theo quy định của pháp luật. Năm 2020, Bộ Tài chính ban hành văn bản hướng dẫn, theo đó việc quản lý, sử dụng và khai thác tài sản, kết cấu hạ tầng cấp nước sạch tập trung nông thôn phải giữ nguyên cho đến khi có quy định mới nhằm hạn chế thất thoát tài sản công.

Do đó, Sở NN-PTNT cần nghiên cứu, khi nào có quy định mới thì phối hợp với các sở, ban, ngành tham mưu UBND tỉnh xây dựng quy định quản lý, sử dụng và khai thác các công trình cấp nước nông thôn đã đầu tư.

Một số ý kiến tại buổi làm việc cho rằng, các công trình NSNT chủ yếu quy mô nhỏ, giải quyết vấn đề cấp thiết ở các khu vực thiếu nước, nguồn nước bị ô nhiễm. Để không bị lãng phí các công trình đã đầu tư đồng thời đảm bảo nguồn nước ổn định, lâu dài cho người dân thì giải pháp đấu nối là phù hợp. Khi đó, người dân sử dụng nước sạch tập trung qua hạ tầng NSNT mà không phải lắp đặt thêm đường ống, đồng hồ nước.

* Đa dạng nguồn vốn và phương thức đầu tư nước sạch

Huyện Định Quán có tổng cộng 23 công trình cấp NSNT được đề xuất đấu nối với công trình cấp nước mặt công suất lớn và 6 công trình đề xuất nâng cấp thiết bị xử lý nước.

Đại diện lãnh đạo H.Định Quán chia sẻ, trên địa bàn huyện có nhiều công trình cấp nước nông thôn đang hoạt động và một số đang triển khai xây dựng. Tuy nhiên, do nhiều công trình đã xuống cấp, khai thác nguồn nước ngầm là chủ yếu nên địa phương thống nhất cao phương án đấu nối các công trình này vào hệ thống cấp nước sạch của Công ty CP Cấp nước Gia Tân (H.Thống Nhất) và một số công trình cấp nước liên xã đang đầu tư. Đối với các công trình NSNT chưa thể đấu nối, kiến nghị ngành chức năng nâng cấp thiết bị lọc, hệ thống đường ống để đảm bảo chất lượng nguồn nước cấp cho người dân.

Phó giám đốc Sở NN-PTNT Trần Đình Minh cho rằng, để kế hoạch phát huy hiệu quả cần tiếp tục huy động nguồn đóng góp nhân dân và hỗ trợ từ ngân sách cho đầu tư các công trình hạ tầng nông thôn. Các địa phương đẩy mạnh truyền thông để người dân tham gia dùng nước sạch nhằm cải thiện công suất hoạt động cho các công trình. Cùng với đó là cải tạo nâng công suất các nhà máy nước hiện hữu, đẩy nhanh tiến độ đầu tư hệ thống đường ống nước sạch về khu dân cư. Thường xuyên kiểm tra, giám sát, đảm bảo nước sạch cấp cho người dân đạt quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về chất lượng nước sạch sử dụng cho mục đích sinh hoạt.

Phó chủ tịch UBND tỉnh Võ Văn Phi cho rằng, nước sạch là nội dung lãnh đạo Tỉnh ủy, UBND tỉnh rất quan tâm và đưa chỉ tiêu vào nghị quyết thực hiện. Năm 2022, UBND tỉnh đã ban hành Đề án Cấp nước sạch tỉnh Đồng Nai giai đoạn 2021-2025 và đang xây dựng Kế hoạch đầu tư đấu nối, nâng cấp các công trình cấp NSNT đã được đầu tư trên địa bàn tỉnh đến năm 2025, dự kiến trình HĐND tỉnh vào kỳ họp cuối năm.

Kế hoạch này ưu tiên phương án đấu nối nước sạch vào công trình cấp nước nông thôn nhằm tiết kiệm chi phí đầu tư, giảm khai thác nước ngầm. Ngoài nguồn vốn hỗ trợ từ ngân sách theo mức phê duyệt, cần đa dạng các nguồn vốn và phương thức đầu tư. Tới đây, tỉnh sẽ làm việc với các công ty cấp nước, đơn vị cung cấp nguồn nước phục vụ cho việc đấu nối về: công suất hiện tại, khả năng cải tạo công suất, đơn giá nước sạch đảm bảo hài hòa lợi ích giữa đơn vị cấp nước và người dân.

 

message zalo