Đang tải...
Ngày đăng: 29/04/2022
160 xã chưa có nguồn cấp nước sạch tập trung
Theo Sở Xây dựng Hà Nội, hiện khu vực đô thị của Hà Nội đã hoàn thành chỉ tiêu cấp nước sạch cho 100% hộ dân với chất lượng dịch vụ ngày một nâng cao. Trong khi đó, khu vực nông thôn có khoảng 80% hộ dân được sử dụng nước sạch từ nguồn cấp nước tập trung. Tuy nhiên, hiện trên địa bàn thành phố còn 160 xã chưa được đầu tư hệ thống cấp nước sạch tập trung, khiến người dân ở những khu vực này phải sử dụng nước từ những nguồn khác nhau, không bảo đảm chất lượng.
Trao đổi về thực trạng này, Chủ tịch UBND huyện Mỹ Đức Đặng Văn Triều cho biết, hiện tỷ lệ hộ dân sử dụng nước sạch từ các nguồn cấp nước tập trung trên địa bàn huyện mới đạt khoảng 10%. Ngay với thị trấn Đại Nghĩa, người dân vẫn chưa có nước sạch từ nguồn cấp tập trung để sử dụng... Đây là điều trăn trở của chính quyền địa phương. Nhiều hộ dân của huyện mong muốn sớm được sử dụng nước sạch từ nguồn cấp nước tập trung.
Điều đáng nói là theo Sở Xây dựng Hà Nội, hiện có 132/160 xã đã có dự án cấp nước tập trung giao cho nhà đầu tư nhưng chưa thực hiện; 28/160 xã chưa có nhà đầu tư đề xuất thực hiện dự án.
Cụ thể, trong số 132 xã đã có dự án giao nhà đầu tư nhưng chưa thực hiện thì 110 xã thuộc 2 dự án phát triển mạng cấp nước đã được UBND thành phố giao Liên danh Aqua One - sông Đuống thực hiện giai đoạn 2017-2020 chưa triển khai; 5 xã của huyện Phúc Thọ có 2 dự án cấp nước sạch giao cho Công ty cổ phần Kỹ thuật môi trường Việt và Công ty cổ phần Đầu tư và Tư vấn thiết kế công trình xây dựng Việt Nam thực hiện từ năm 2017, 2018 cũng chưa triển khai. Ngoài ra, còn 17 xã có dự án cấp nước tập trung tại các huyện Đan Phượng, Ba Vì, Phú Xuyên, Chương Mỹ đã giao cho nhà đầu tư là Công ty cổ phần Cấp nước Tây Hà Nội; Liên danh Công ty cổ phần Ao Vua - Công ty cổ phần Cấp thoát nước và môi trường Ba Vì; Công ty cổ phần Cấp nước Hà Nam; Công ty Môi trường đô thị Xuân Mai thực hiện nhưng tiến độ còn chậm.
“Việc chưa có nước sạch từ nguồn cấp nước tập trung để sử dụng đã ảnh hưởng không nhỏ đến đời sống người dân và kết quả xây dựng nông thôn mới trên địa bàn địa phương”, Phó Chánh Văn phòng Thường trực Văn phòng Điều phối Chương trình Xây dựng nông thôn mới Hà Nội Nguyễn Văn Chí cho biết.
Khẩn trương tháo gỡ khó khăn
Trên thực tế, trong khi các nhà đầu tư đã được UBND thành phố giao thực hiện dự án cấp nước sạch nông thôn, nhưng không triển khai hoặc chậm triển khai thì các nhà đầu tư mới có tiềm lực lại gặp khó khăn trong tiếp cận dự án.
Về vấn đề này, Giám đốc Sở Xây dựng Hà Nội Võ Nguyên Phong cho biết, một số dự án do UBND thành phố chưa thu hồi quyết định chủ trương đầu tư cho các nhà đầu tư cũ nên khi tiếp nhận hồ sơ của nhà đầu tư mới, Sở Kế hoạch và Đầu tư chưa có cơ sở xem xét do phạm vi đầu tư chồng lấn địa bàn cấp nước. Vì vậy, từ năm 2021 đến nay, chưa có dự án cấp nước mới được chấp thuận chủ trương đầu tư.
Là huyện có dự án phát triển mạng cấp nước đã được UBND thành phố giao Liên danh Aqua One - sông Đuống thực hiện giai đoạn 2017-2020 nhưng chưa triển khai, Chủ tịch UBND huyện Đông Anh Nguyễn Xuân Linh kiến nghị, thành phố cần có giải pháp “mạnh” đối với chủ đầu tư chậm tiến độ hoặc không triển khai dự án; đồng thời đề xuất thành phố lựa chọn chủ đầu tư có năng lực triển khai dự án cấp nước bảo đảm tiến độ, chất lượng.
Để đẩy nhanh tiến độ các dự án, hoàn thành chỉ tiêu cấp nước sạch đến năm 2025 cho khu vực nông thôn, mới đây, Sở Xây dựng Hà Nội đã rà soát những hạn chế, khó khăn, vướng mắc…, đồng thời đề xuất UBND thành phố giải pháp tháo gỡ. Cụ thể, với các dự án nước sạch nông thôn đã giao cho các nhà đầu tư nhưng chưa thực hiện hoặc chậm thực hiện, Sở Xây dựng kiến nghị thành phố sớm thu hồi quyết định chủ trương đầu tư và tổ chức lựa chọn nhà thầu mới theo quy định.
Với các xã chưa có nhà đầu tư thực hiện dự án nước sạch, Sở Xây dựng đề xuất thành phố giao Sở Kế hoạch và Đầu tư hướng dẫn và tiếp nhận hồ sơ; đồng thời đề xuất dự án của nhà đầu tư cần rà soát, bảo đảm nguồn tài chính để thực hiện như cam kết.
Với những giải pháp mạnh mẽ của thành phố, cùng sự vào cuộc tích cực của các cơ quan chức năng và địa phương, hy vọng tiến độ thực hiện các dự án nước sạch nông thôn sẽ được đẩy nhanh, bảo đảm 100% số hộ dân khu vực nông thôn được sử dụng nước sạch từ nguồn cấp nước tập trung.