Đang tải...
Ngày đăng: 28/11/2024
Nước sạch và vệ sinh môi trường là một trong những tiêu chí quan trọng trong Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, góp phần quan trọng trong việc nâng cao chất lượng cuộc sống, ý thức bảo vệ môi trường và chăm sóc sức khỏe của người dân vùng nông thôn theo hướng văn minh, hiện đại và bền vững.
Thực hiện chức năng, nhiệm vụ được giao, Trung tâm Nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn Hà Tĩnh phối hợp với các địa phương triển khai kiểm tra, rà soát thực tế tình hình sử dụng nước sinh hoạt của người dân; đánh giá hiện trạng công trình và đề ra các giải pháp triển khai, chỉ đạo các xã thực hiện hoàn thành chỉ tiêu nước sạch trong xây dựng nông thôn mới; đôn đốc, chỉ đạo, tham mưu hướng dẫn các địa phương triển khai thực hiện chỉ tiêu nước sạch tại các xã nông thôn mới nâng cao; tổ chức tập huấn truyền thông nâng cao nhận thức cho cộng đồng dân cư về lĩnh vực nước sạch và vệ sinh nông thôn.
Năm 2024, Trung tâm đã triển khai thực hiện các nội dung về nguồn kinh phí sự nghiệp ngành và nguồn kinh phí sự nghiệp Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới: tổ chức tập huấn truyền thông cho 17 lớp tại 17 xã với gần 2.000 lượt người tham gia; phối hợp các báo, đài Phát thanh – Truyền hình xây dựng phóng sự, bài báo phản ánh các nội dung về lĩnh vực nước sạch nông thôn; in ấn gần 22.000 tờ rơi tuyên truyền về nước sạch nông thôn tại các xã xây dựng nông thôn mới nâng cao; xây dựng kế hoạch tổ chức đấu thầu xây dựng và phát sóng các phóng sự về lĩnh vực nước sạch trong xây dựng nông thôn mới trên sóng phát thanh, truyền hình.
Tại tỉnh Hà Tĩnh, nhiều địa phương thực hiện xây dựng nông thôn mới gặp không ít khó khăn, lúng túng trong việc hoàn thành các tiêu chí. Vì vậy, tỉnh đã ưu tiên triển khai các dự án đầu tư xây dựng, nâng cấp các dự án về nước sạch nông thôn, trong đó, Trung tâm Nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn được UBND tỉnh giao làm chủ đầu tư 7 dự án cấp nước sạch nông thôn từ nguồn vốn thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2022 – 2025. Trong đó, có 4 dự án chuyển tiếp thực hiện từ năm 2022, gồm: dự án mở rộng hệ thống cấp nước sinh hoạt xã Thiên Lộc cấp cho xã Vượng Lộc, huyện Can Lộc (giai đoạn 2), tổng mức đầu tư 14,4 tỷ đồng. Dự án đầu tư xây dựng mở rộng hệ thống cấp nước sinh hoạt Bắc Cẩm Xuyên cấp cho xã Cẩm Quang (giai đoạn 2), tổng vốn đầu tư 14 tỷ đồng; dự án mở rộng hệ thống cấp nước sinh hoạt Bắc Cẩm Xuyên cấp cho xã Cẩm Mỹ, huyện Cẩm Xuyên (giai đoạn 3) với tổng mức đầu tư 11 tỷ đồng; dự án thay thế nguồn cấp nước cho hệ thống cấp nước sinh hoạt xã Thạch Sơn, huyện Thạch Hà, tổng vốn đầu tư 14,5 tỷ đồng.
Năm 2023, có 3 dự án là dự án nâng cấp mở rộng công trình cấp nước Thiên Lộc cấp cho xã Vượng Lộc (giai đoạn 3), tổng mức đầu tư hơn 14,5 tỷ đồng; dự án sửa chữa, nâng cấp hệ thống mạng lưới công trình cấp nước Bắc Cẩm Xuyên cấp cho xã Cẩm Vịnh có tổng mức đầu tư 11 tỷ đồng và dự án sữa chữa, nâng cấp mở rộng công trình cấp nước xã Thạch Bằng để cấp cho xã Bình An và Tân Lộc, huyện Lộc Hà, tổng mức đầu tư 8,5 tỷ đồng. Các dự án này đang lập hồ sơ trình thẩm định, phê duyệt báo cáo kinh tế kỹ thuật. Đây là những dự án nhận được sự quan tâm rất lớn của lãnh đạo tỉnh, các địa phương, bởi những công trình này đi vào vận hành sẽ nâng cao chất lượng đời sống của người dân, là tiền đề góp phần giúp các xã sớm đạt chuẩn xã nông thôn mới nâng cao, nông thôn mới kiểu mẫu.
Ngoài ra, Trung tâm đang phối hợp với các địa phương, chủ đầu tư tổ chức triển khai kiểm tra, rà soát tiếp nhận 5 công trình cấp nước tập trung do các địa phương làm chủ đầu tư, như: công trình mở rộng, nâng cấp, sửa chữa hệ thống mạng lưới công trình cấp nước xã Khánh Vĩnh Yên, huyện Can Lộc; công trình mạng lưới cấp nước sinh hoạt xã Cẩm Duệ, huyện Cẩm Xuyên; công trình nước sạch nông thôn sử dụng nước từ hồ Cu Lây cấp cho một số xã thuộc huyện Lộc Hà, Can Lộc thuộc Dự án BIIG2; công trình cấp nước sinh hoạt Khe Xai, xã Thạch Xuân; công trình Hệ thống cấp nước sinh hoạt thuộc Dự án xây dựng khu dân cư thôn Trung Hải, xã Thiên Lộc, huyện Can Lộc.
Đối với các công trình: mở rộng mạng lưới cấp nước Thiên Lộc, huyện Can Lộc; mở rộng mạng lưới Nhà máy nước Thạch Bằng cấp cho xã Bình An, huyện Lộc Hà và xây dựng mạng lưới cấp nước sinh hoạt xã Tân Lộc, huyện Lộc Hà hiện đã tiến hành tiếp nhận và quản lý vận hành; sau khi có quyết định phê duyệt quyết toán dự án, chủ đầu tư sẽ chủ động thực hiện các bước tiếp theo để thực hiện bàn giao tài sản theo đúng quy định tại Nghị định số 43/2022/NĐ-CP ngày 24/6/2022 quy định việc quản lý, sử dụng tài sản kết cấu hạ tầng cấp nước sạch.
Tỉnh tập trung thực hiện tốt công tác quản lý, vận hành, kiểm tra rà soát khắc phục sửa chữa các hư hỏng và khai thác 7 công trình cấp nước tập trung (Bắc Thạch Hà, Thạch Sơn, Khánh Lộc, Thạch Bằng, Thiên Lộc, Bắc Cẩm Xuyên và Gia Phố), cấp nước thường xuyên, liên tục, bảo đảm chất lượng cho các hộ gia đình có nước sạch để sử dụng. Đến tháng 10/2024, đã tăng thêm 1.537 hộ khách hàng được sử dụng nước sạch, nâng tổng hộ dân nông thôn sử dụng nước sạch từ các công trình cấp nước tập trung do Trung tâm quản lý và vận hành lên hơn 27.700 hộ gia đình. Sản lượng nước tiêu thụ đạt 3.190.891 m3, tăng 10,02% so với cùng kỳ năm 2023 và đạt 90,48% kế hoạch năm 2024.
Cùng với việc mở rộng mạng lưới cấp nước sạch từ công trình hiện có và các dự án xây dựng nhà máy cấp nước tập trung được hoàn thành đưa vào sử dụng, tỷ lệ số hộ dân sử dụng nước sạch từ công trình cấp nước tập trung năm 2024 sẽ tăng lên 35%, đến cuối năm 2025 tăng lên 50%, sẽ góp phần tốt hơn nữa trong việc bảo vệ sức khỏe, nâng cao chất lượng đời sống cho người dân vùng nông thôn. hướng tới mục tiêu xây dựng nông thôn mới thực chất, bền vững.
Nguồn: Tạp chí Quản lý nhà nước