Đang tải...
Ngày đăng: 27/07/2022
Sống chung với ô nhiễm
Theo ghi nhận của chúng tôi, những hộ dân đang sống ở đầu và cuối ngọn rạch Cả Kè (thuộc phường Tân Hưng) đã có nước máy sử dụng. Thế nhưng, còn lại 10 hộ dân sống ở đoạn giữa con rạch, với chiều dài khoảng 500m, chưa có đường ống nước sạch kéo tới.
Những hộ dân sống tại đây cho biết, nhà nào khá giả thì khoan nước cây để xài, còn lại lấy nước từ dưới rạch lên để phục vụ sinh hoạt. Dù biết, nguồn nước gia đình mình đang dùng để tắm giặt, rửa đồ ăn hàng ngày đã chuyển dần sang màu xanh do thuốc bảo vệ thực vật trên những cánh đồng lúa gần đó xả xuống và nước thải từ những hộ chăn nuôi dội chuồng thải ra hàng ngày. Chưa kể đủ loại rác sinh hoạt trong túi nylon, có cả xác động vật nổi lềnh bềnh trên mặt nước… Dù muốn, dù không, họ vẫn phải phụ thuộc vào nguồn nước ô nhiễm này, do chưa có nước sạch để sinh hoạt hàng ngày.
Chị Nguyễn Thị Ngân (khu vực Tân Phước, phường Tân Hưng) cho biết: Bà con ở đây đã phản ánh việc thiếu nước sạch và UBND phường có mời gia đình chị cùng những hộ trong xóm đến họp. Theo đó, địa phương vận động gia đình chị Ngân cùng 9 hộ còn lại chịu phí mua 500m đường ống dẫn nước và bỏ công đào đất lắp đường ống hoặc tự thuê mướn nhưng gia đình chị Ngân chưa đồng ý.
“Xài tiết kiệm lắm nhưng cách 2 ngày, tôi phải mua một bình nước lọc để uống và nấu ăn. Không chỉ riêng tôi, mà bà con ở đây mong muốn sớm có nước máy, để tiết kiệm được một phần chi phí sinh hoạt” - chị Ngân nói.
Chờ đợi mòn mỏi 10 năm nay cũng chưa có nước sạch, ông Bùi Thành Ổn (khu vực Tân Phước, phường Tân Hưng) đành phải thuê người khoan cây nước cho gia đình sử dụng. Thế nhưng lâu ngày, nguồn nước lấy từ mạch nước ngầm nhà ông bị nhiễm phèn, hôi bùn. Ông Ổn lo lắng khi những đứa cháu nhỏ nhà mình ăn uống, tắm gội hàng ngày không đảm bảo sức khỏe.
Ông Ổn cho hay, chỉ sau một đêm đáy xô chứa nước nhà ông đã bị ngả màu vàng do đựng nước lấy từ cây nước lên. Ông cảm thấy nguồn nước này cũng không an toàn, việc có nguồn nước sạch là cấp thiết. Thế nhưng 2 năm nay, chính quyền địa phương đã tổ chức họp dân nhiều lần, cũng chưa giải quyết được do một số hộ chưa đồng thuận chịu phí đấu nối đường ống.
“Phường vận động chúng tôi chịu tiền đầu tư đường ống dẫn nước, sau đó trả luôn tiền thuê người đào lắp đường ống. Vậy vai trò của Trung tâm Nước sạch và Vệ sinh môi trường nông thôn ở đâu?" - ông Ổn nói.
Bất cập trong vận động
Ông Nguyễn Văn Hiếu - Phó Chủ tịch phường Tân Hưng - cho biết, trên địa bàn phường có tổng cộng khoảng 50 hộ chưa có nước sạch để sử dụng. Nguyên nhân do mỗi điểm phân tán từ 10 đến 20 hộ cách đường ống chính từ khoảng 1-2km nên Trung tâm Nước sạch và Vệ sinh môi trường nông thôn Cần Thơ báo chưa đủ điều kiện theo tiêu chí để đấu nối.
"Hiện còn bất cập trong việc vận động 10 hộ dân tại khu vực Tân Phước chịu phí mua đường ống và bỏ công ra đào lắp do chưa nhận được sự đồng tình của những hộ kinh tế khó khăn" - ông Hiếu xác nhận.
“Mới đây, UBND phường và Phòng Kinh tế hạ tầng quận kết hợp với Trung tâm Nước sạch và Vệ sinh môi trường nông thôn Cần Thơ đã khảo sát khu vực 10 hộ thiếu nước sạch sử dụng tại khu vực Tân Phước. Trung tâm Nước sạch và Vệ sinh môi trường nông thôn Cần Thơ đã hứa đang xin kinh phí của UBND thành phố để đấu nối cho 10 hộ tại đây sử dụng mà không phải chịu chi phí đấu nối. Khi có kết quả, phường sẽ kết hợp Trung tâm Nước sạch và Vệ sinh môi trường nông thôn Cần Thơ cố gắng hoàn thành sớm nhất" - ông Hiếu thông tin.