Đang tải...
Ngày đăng: 12/09/2022
Theo báo cáo của Sở Nông nghiệp và PTNT, trên địa bàn hiện có 137 công trình cấp nước sạch nông thôn tập trung hoàn thành, đưa vào sử dụng (được đầu tư từ năm 1994 đến nay) với tổng vốn đầu tư gần 1,1 nghìn tỷ đồng; trong đó có 133 công trình đầu tư từ nguồn vốn nhà nước với tổng vốn đầu tư hơn 442 tỷ đồng, còn lại là công trình được đầu tư từ 100% vốn của doanh nghiệp (DN).
Về hiện trạng hoạt động, hiện có 44 công trình hoạt động bền vững (đạt hơn 50% công suất thiết kế), 33 công trình hoạt động trung bình, còn lại hoạt động kém hiệu quả và không hoạt động...
Tại buổi làm việc, thành viên đoàn giám sát cho rằng, qua thực tế tại các địa phương, nhiều công trình quy mô đầu tư xây dựng nhỏ, công nghệ xử lý chưa phù hợp, chủ yếu giao cho UBND xã, thôn, bản quản lý nên việc vận hành chưa tốt.
Có ý kiến nêu, do khảo sát chưa đầy đủ, chưa thực sự quan tâm đến phong tục, tập quán, nhu cầu sử dụng nước sạch của người dân nên nhiều công trình không phát huy hiệu quả, hộ dân không sử dụng nước sạch tập trung hoặc tỷ lệ sử dụng thấp. Hầu hết các công trình do UBND xã quản lý chưa phê duyệt giá nước mà tạm thu theo quy định của xã; đa số các đơn vị quản lý, khai thác công trình không thực hiện công tác báo cáo theo quy định và không hoàn thành nghĩa vụ tài chính trích khấu hao tài sản cố định để nộp ngân sách...
Trao đổi tại buổi làm việc, đại diện Sở Nông nghiệp và PTNT thừa nhận, việc lựa chọn đơn vị quản lý vận hành còn chưa chặt chẽ dẫn đến một DN xin quản lý nhiều công trình, không bảo đảm nguồn lực tài chính để đầu tư, vận hành. Công tác theo dõi, kiểm tra, đôn đốc của các sở, ngành và UBND cấp huyện còn chưa thường xuyên, chưa kịp thời tham mưu cho UBND tỉnh các giải pháp để xử lý dẫn đến tình trạng còn có DN chậm đầu tư, không đáp ứng được nhu cầu sử dụng nước của nhân dân.
UBND các huyện chưa quan tâm đúng mức đến lĩnh vực nước sạch nông thôn, một số công trình chưa phê duyệt giá bán nước, phê duyệt giá bán nước chưa tính đúng, tính đủ chi phí, công tác tuyên truyền vận động người dân sử dụng nước sạch còn hạn chế gây khó khăn cho đơn vị quản lý, vận hành công trình...
Để khai thác hiệu quả các công trình, tránh lãng phí nguồn lực đầu tư, đồng chí Dương Thanh Tùng, Giám đốc Sở Nông nghiệp và PTNT cho biết, tới đây ngành sẽ phối hợp với các đơn vị, địa phương tổ chức kiểm tra, rà soát liên ngành để đánh giá lại thực trạng hoạt động của các công trình, xác định rõ nguyên nhân tồn tại của từng công trình; thực trạng tình hình quản lý, vận hành của đơn vị quản lý.
Đối với các công trình do DN quản lý sẽ yêu cầu lập kế hoạch sửa chữa, nâng cấp cụ thể đối với từng công trình, xác định rõ thời gian hoàn thành. Trong trường hợp không có khả năng đầu tư, quản lý vận hành, tham mưu cho UBND tỉnh thu hồi để lựa chọn giao DN đủ năng lực để đầu tư, quản lý. Tiếp tục kêu gọi các DN nhận đầu tư và quản lý, vận hành công trình do UBND cấp xã quản lý. Trường hợp không có DN nhận quản lý sẽ đề xuất danh mục cần đầu tư, cải tạo, sửa chữa và bố trí kinh phí để sửa chữa, nâng cấp các công trình hoạt động kém hiệu quả, không hoạt động (còn khả năng khai thác) để khôi phục cấp nước cho nhân dân. Đối với những công trình không còn khả năng sửa chữa, sử dụng đề xuất thanh lý.
Kết luận buổi giám sát, đồng chí Nguyễn Thế Toản, Trưởng Ban Kinh tế - Ngân sách, Trưởng đoàn giám sát đề nghị Sở Nông nghiệp và PTNT tiếp thu ý kiến đóng góp của đoàn giám sát, phối hợp với UBND các huyện rà soát lại số liệu thống kê để hoàn thiện báo cáo gửi về tổ giúp việc đoàn giám sát.
Với trách nhiệm của mình, đoàn giám sát sẽ tổng hợp để có bức tranh về tình hình đầu tư, vận hành, quản lý, khai thác các công trình cấp nước sạch nông thôn tập trung để báo cáo, tham mưu Thường trực HĐND làm việc với UBND tỉnh cũng như các ngành, địa phương liên quan để làm rõ, đưa ra cơ chế, chính sách phù hợp nhằm khai thác hiệu quả các công trình, tránh lãng phí nguồn lực đầu tư.
Trước đó, qua giám sát thực tế tại một số công trình cấp nước sạch tập trung tại các xã: Lục Sơn, Cương Sơn và Khám Lạng (cùng huyện Lục Nam), đồng chí Lâm Thị Hương Thành yêu cầu cơ quan chuyên môn, chính quyền địa phương cần rà soát lại toàn bộ các công trình, từ đó có phương án duy tu, sửa chữa, khai thác hiệu quả nguồn lực đầu tư. Đánh giá nhu cầu thực tế tại các xã, thôn, bản đặc biệt khó khăn để có phương án hỗ trợ các nhóm hộ dẫn nước từ khe suối về. Đối với các công trình chưa hoạt động hết công suất, địa phương cần đa dạng hình thức tuyên truyền, vận động người dân sử dụng.