Đang tải...
Ngày đăng: 04/12/2019
Chiều 3/12, do Tổng cục Thủy Lợi và Tổ chức Đông Tây hội ngộ (East Meets West Foundation) đã tổ chức hội thảo quốc tế “Huy động sự tham gia của khối tư nhân vì sự bền vững cho cấp nước nông thôn”. Ông Nguyễn Sơn Tùng – Phó Giám đốc Trung tâm Quốc gia nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn (Tổng cục Thủy lợi) cho biết, tính đến cuối năm 2018, 88,5% người dân nông thôn được sử dụng nguồn nước hợp vệ sinh.
Tuy nhiên, tỷ lệ người dân nông thôn được dùng nước sạch đạt Quy chuẩn Việt Nam thì chỉ chiếm 51%. Khu vực người dân được dùng nước sạch cao nhất là Đồng bằng sông Hồng (53,7%), thấp nhất là Tây Nguyên (33,7%).
Cả nước cũng có tới 16.573 công trình cung cấp nước tập trung nông thôn, trongd đó có 1.579 công trình do khu vực tư nhân (mô hình do doanh nghiệp và tư nhân) quản lý vận hành (chiếm 9,53%).
Dù Việt Nam đã gia tăng đáng kể việc tiếp cận với nước sạch cho người dân từ công trình cấp nước tập trung ở nông thôn, tuy nhiên hơn 30% công trình do cộng đồng quản lý hoặc các công trình công ích đã dừng hoạt động, hoặc không vận hành ở mức yêu cầu. Thậm chí nhiều công trình đã xuống cấp. Trong khi đó, nguồn hỗ trợ của nhà tài trợ và nguồn vốn công cho cấp nước nông thôn ở Việt Nam đang giảm dần.
Đồng thời, các công trình do tư nhân quản lý cho thấy kết quả đầy triển vọng ở khía cạnh vận hành và bảo dưỡng tốt hơn, bền vững hơn. Hiện cả nước ước tính có 500 doanh nghiệp tư nhân đang cung cấp dịch vụ nước tập trung trực tiếp đến các hộ gia đình khắp Việt Nam.
Ông Tùng cho biết, để việc quản lý các công trình cấp nước tập trung được tốt hơn, từ năm 2013, nhiều địa phương đã chủ động ban hành chính sách của tỉnh để thu hút sự tham gia của khu vực tư nhân đầu tư công trình cấp nước sạch nông thôn.
Cụ thể như Thái Bình hỗ trợ theo phương thức kết đầu ra (hỗ trợ 3 triệu đồng/m3 công suất của nhà máy, hầu hết các công trình trên địa bàn tỉnh Thái Bình đã giao cho doanh nghiệp quản lý. Tỉnh Hà Nam từ 2 doanh nghiệp đầu tư vào cấp nước nông tôn thì hiện nay đã có 11 doanh nghiệp cấp nước cho 18 xã với hơn 150.000 dân. Tỉnh Tiền Giang đã có 545 trạm cấp nước do doanh nghiệp tư nhân đầu tư xây dựng và quản lý vận hành,cấp nước cho hơn 114.000 dân.
“Việc huy động động sự tham gia của khối tư nhân vì sự bền vững cho cấp nước nông thôn là cần thiết. Thị trường nước sạch khu vực nông thôn cũng đã rộng mở. Tuy nhiên, thách thức hiện nay cho thị trường nước sạch nông thôn là dân cư thưa, địa bàn rộng nên bước đầu chi phí đầu tư cao, hiệu quả thấp... Nhiều tỉnh hiện nay đã có chính sách hỗ trợ nhưng không đủ nguồn liuwcj để hỗ trợ khu vực tư nhân. Giá nước sạch ở nông thôn cũng quy định thấp (1.500-2.500 đồng/m3, có nơi quy định 500 đồng/người/tháng)...” – ông Sơn phân tích.
Bà Belinda Abraham, Giám đốc quốc gia Tổ chức Đông Tây Hội Ngộ - tổ chức phi chính phủ quốc tế hoạt động trong lĩnh vự nước sạch và vệ sinh ở Việt Nam trong hơn 30 năm qua, cho biết: “Kết quả mà dự án của chúng tôi cho thấy là khu vực tư nhân có tiềm năng chưa được khai thác trong việc hỗ trợ Chính phủ thực hiện các mục tiêu Phát triển bền vững về nước sạch và vệ sinh. Để làm được điều này đòi hỏi phải có một khuôn khổ cẩn trọng gồm các biện pháp khuyến khích, tập huấn, hướng dẫn và chính sách nhằm đảm bảo dịch vụ cấp nước nông thôn an toàn và đáng tin cậy”.