Đang tải...
Ngày đăng: 15/03/2022
Ở đô thị nhưng dùng nước… bẩn
Phát biểu đề dẫn tại tọa đàm trực tuyến “Giải pháp đảm bảo chất lượng nước cho đô thị” của ông Nguyễn Đức Quang - Phó Chủ tịch Tổng hội NN&PTNT, Tổng Biên tập Tạp chí Nông thôn Việt, cho rằng cấp nước đô thị đang gặp phải 2 vấn đề chính: bất cập trong cung cấp nước sạch do tốc độ đô thị hóa quá nhanh dẫn đến nhà máy nước không đủ công suất; chất lượng nước chưa đồng nhất, không đảm bảo an toàn cho người sử dụng.
Thực tế trên cả nước hiện nay vẫn tồn tại nhiều khu vực đô thị “khát” nước sạch. Nguyên nhân chính xuất phát từ việc nhiều doanh nghiệp chưa dám mạnh dạn đầu tư mở rộng quy mô cấp nước do quan ngại đầu tư kém hiệu quả, khả năng thu hồi vốn thấp. Đơn cử là hai thị trấn La Hà và Sông Vệ thuộc huyện Tư Nghĩa, trung tâm tỉnh Quảng Ngãi. Dù là đô thị loại V nhưng tỷ lệ người dân sử dụng nước máy chỉ đạt khoảng 50%. Nhiều năm qua, hàng trăm hộ gia đình phải sử dụng nước giếng nhiễm phèn nặng để sinh hoạt, còn ăn uống phải mua từng bình nước sạch. Tình trạng thiếu hụt này là do công ty cấp nước tại địa phương chưa lắp đặt đường ống đến nhà dân vì tỷ lệ dân số thấp trong khi chi phí đầu tư cao. Và cư dân ở La Hà, Sông Vệ không phải là những cư dân đô thị duy nhất phải sử dụng nước bẩn.
Ở nhiều khu vực đô thị khác, dù sử dụng nước máy nhưng tình trạng nước tại vòi có mùi, có cặn bám hoặc thậm chí lơ lửng tạp chất không phải là chuyện hiếm. Tại TP.HCM, kết quả chương trình giám sát chất lượng nước của Trung tâm Y tế Dự phòng TP năm 2019 cho thấy 42% mẫu nước sinh hoạt thu thập từ các quận huyện không đạt chỉ tiêu hóa lý, có hàm lượng clo, sắt và amonic vượt quá chỉ số an toàn. Ngay tại Thủ đô Hà Nội, nhiều gia đình hiện vẫn đang sử dụng nước đục, nhiễm sắt, phải tự đầu tư các thiết bị lọc với chi phí cao. Đây là hệ quả trực tiếp từ những đường ống xuống cấp gây rò rỉ và ô nhiễm. Mặt khác, nhiều nhà máy nước được đầu tư hàng chục năm trước với công nghệ lỗi thời chưa đủ khả năng lọc và xử lý mọi tạp chất.
Nguồn nước thô bị “uy hiếp”
Chất lượng nguồn nước thô kém cũng ảnh hưởng không nhỏ đến quá trình xử lý nước tại các nhà máy, gia tăng chi phí cho nhà đầu tư. Ông Trần Kim Thạch - Trưởng phòng Quản lý chất lượng nước, Tổng Công ty cấp nước Sài Gòn cho biết nước sinh hoạt tại TP.HCM hiện nay được khai thác chủ yếu từ nguồn nước mặt sông Đồng Nai, sông Sài Gòn và kênh Đông. Tuy nhiên, nguồn nước thô này qua quá trình sản xuất công nghiệp, đô thị hóa hiện đang ô nhiễm nặng, hạn mặn vào mùa khô và có hàm lượng mangan và amonic cao vào mùa mưa. Mạng lưới cấp nước phụ thuộc nhiều vào giao thông đô thị, trong khi tại những khu vực đông dân cư, hạ tầng đường sá chật hẹp, lưu lượng giao thông cao như trung tâm TP.HCM, việc bảo trì và bảo vệ tuyến đường ống khó khăn làm ảnh hưởng đến chất lượng nước tại vòi.
Ông Phạm Mạnh Hùng, Phó Tổng Giám đốc Kỹ thuật Công ty CP Nước Aquaone - một nhà đầu tư hoạt động 5 năm trong ngành cấp nước cũng cho biết, khi triển khai dự án, quan trọng nhất là phải kiểm tra nguồn nước thô. Công ty phải đánh giá nguy cơ an toàn nguồn nước thô bằng số liệu và mô hình giả lập nhằm đảm bảo chất lượng nước sau xử lý an toàn, đạt chuẩn. Các thông số nước thô COD, nhiệt độ, độ pH, độ đục… đều được giám sát trực tiếp bởi Sở Tài nguyên & Môi trường nhằm đảm bảo nước sạch và sạch đến tận vòi.
1 vấn đề, 4 Bộ quản lý
Với thực trạng chất lượng nước đô thị đáng báo động như hiện nay, cơ quan Nhà nước nào có trách nhiệm quản lý và giám sát chất lượng nước? Ông Nguyễn Hồng Tiến, Nguyên Cục trưởng Cục Hạ tầng kỹ thuật Bộ Xây dựng cho biết trên thực tế, chất lượng nước đang được 4 Bộ gồm Bộ NN&PTNT, Bộ Xây dựng, Bộ Y tế và Bộ Tài nguyên & Môi trường giám sát. Trách nhiệm chồng chéo ngoài làm phức tạp hóa quy trình còn gây khó khăn trong việc giám sát triệt để chất lượng nước thô, nước đã qua xử lý và nước tại vòi.
Riêng hoạt động cấp nước, từ sau Nghị định 117 ban hành năm 2007, cũng do 2 Bộ đồng quản lý. Trong đó, cấp nước khu vực đô thị do Bộ Xây dựng quản lý, còn chương trình cấp nước sạch nông thôn được chuyển về Bộ NN&PTNT tiếp quản. Việc phân định rạch ròi cơ quan quản lý cấp nước đã dẫn đến sự thiếu nhất quán trong bộ quy chuẩn chất lượng nước khi ở nông thôn là bộ quy chuẩn nước hợp vệ sinh nhưng ở đô thị lại là quy chuẩn nước sạch đô thị. Ngoài ra, với những địa phương vốn “nghèo” nước sạch, việc cát cứ ranh giới hành chính tạo ra nhiều thách thức trong hành trình đưa nước sạch đến người dân.
Ông Hồ Xuân Hùng, Chủ tịch Tổng hội NN&PTNT Việt Nam, nguyên Thứ trưởng Bộ NN&PTNT, đồng tình với kiến nghị cần đồng bộ hóa bộ quy chuẩn nước sạch để người dân dù sống ở đâu cũng được hưởng nước sạch với tiêu chuẩn như nhau; đồng thời đưa công tác quản lý về 1 cơ quan đầu mối để tránh phân tán, chồng chéo trách nhiệm. Ông đề xuất kiến nghị đến các ban ngành và Chính phủ xây dựng chính sách quản lý nước thô, nước tại nguồn chặt chẽ, sát sao hơn; hỗ trợ doanh nghiệp trong đổi mới thiết bị công nghệ.
Ngoài ra, ông cũng đề nghị các doanh nghiệp ngành cấp nước minh bạch trong quá trình cung cấp dịch vụ cho người dân, công khai thông tin và các chỉ số kỹ thuật về chất lượng nước và kỳ vọng một tương lai nước uống được tại vòi như các nước tiên tiến trên thế giới.
Số liệu cấp nước đô thị
• Tỷ lệ cư dân được cung cấp nước sạch qua hệ thống cấp nước tập trung: 92%
• Tỷ lệ thất thoát, thất thu nước sạch: 17,2%
• Tỷ lệ tổng lượng nước thải được thu gom xử lý: 15%
• Tổng công suất thiết kế mạng lưới nhà máy nước đô thị: 10,6 triệu m3/ngày đêm