Đang tải...

lang-vi
lang-en

Trung tâm quốc gia nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn

National center for rural water supply and environmental sanitation

Tp. Hồ Chí Minh truy xuất nguồn gốc 100% thịt lợn và mở rộng sang thịt, trứng gia cầm

Ngày đăng: 03/07/2017

(Mard-03/7/2017) - Ngày 1/7, tại hội nghị "Sơ kết 6 tháng Đề án Quản lý, nhận diện và truy xuất nguồn gốc thịt lợn và Triển khai Đề án Quản lý, nhận diện và truy xuất nguồn gốc thịt gia cầm, trứng gia cầm", ông Trần Vĩnh Tuyến, Phó Chủ tịch UBND Tp. Hồ Chí Minh cho biết, các Đề án này là một trong những giải pháp căn cơ, ứng dụng công nghệ thông tin vào quản lý, nhận diện và truy xuất nguồn gốc các mặt hàng nông sản, thực phẩm. Do đó, rất mong sở ngành các tỉnh, thành phố hỗ trợ phổ biến thông tin, tăng cường giải pháp khuyến khích người nông dân. 
Theo ông Trần Vĩnh Tuyến, nếu không có sự hợp tác từ gốc là khâu chăn nuôi, trồng trọt, các Đề án Quản lý, nhận diện và truy xuất nguồn gốc các mặt hàng nông sản, thực phẩm tại Tp. Hồ Chí Minh khó triển khai trong thực tế. Đồng thời, vai trò phối hợp của các sở, ngành trong quyết tâm vượt qua những thách thức để tuyên truyền, vận động và hỗ trợ người nông dân rất quan trọng. Vì vậy, cùng với sự nỗ lực của Tp. Hồ Chí Minh, kỳ vọng sở ngành các tỉnh, thành phố thúc đẩy những giải pháp hướng đến mục tiêu khuyến khích người nông dân chăn nuôi, trồng trọt tập trung vào chất lượng, gia tăng giá trị sản phẩm hơn là sản xuất tràn lan nhưng không đảm bảo nguồn gốc xuất xứ sản phẩm, an toàn vệ sinh thực phẩm. 
Trong thời gian qua, chất lượng sản phẩm không được thị trường chấp nhận và đáp ứng được yêu cầu về truy xuất nguồn gốc của người tiêu dùng là do một trong những nguyên nhân tình trạng các sản phẩm của bà con nông dân chăn nuôi, trồng trọt "được mùa mất giá" vẫn diễn ra phổ biến. Tp. Hồ Chí Minh là thị trường lớn và trọng điểm về tiêu thụ các sản phẩm chăn nuôi, trồng trọt, nên cần xây dựng nguồn cung ứng thực phẩm đảm bảo an toàn để cung ứng vào thành phố. Trong đó, mặt hàng thịt lợn là sản phẩm thiết yếu được người dân sử dụng hàng ngày, do đó Tp. Hồ Chí Minh đã chọn thịt lợn để khởi đầu cho các Đề án Quản lý, nhận diện và truy xuất nguồn gốc các mặt hàng nông sản, thực phẩm và từng bước tiến đến triển khai sang các sản phẩm khác. 
Ghi nhận thực tế, mặt hàng thịt lợn rất nhiều ngành quản lý, kiểm soát, nhưng trong thời gian qua sự phối hợp giữa các tỉnh, thành phố hay các Bộ, ngành vẫn chưa được hiệu quả. Trong khi đó, vấn đề an toàn vệ sinh thực phẩm không chỉ là kiên quyết xử lý các hành vi gian lận thương mại, kiểm tra thị trường, mà vấn đề căn bản phải xây dựng chuỗi sản xuất - cung ứng hàng hóa đáp ứng được các tiêu chuẩn an toàn. Thông qua Đề án Quản lý, nhận diện và truy xuất nguồn gốc thịt lợn đã kéo gần được khoảng cách phối hợp với các giải pháp cập nhật thông tin thị trường, tập huấn chuyên môn... 
Theo Sở Công Thương Tp. Hồ Chí Minh, qua 6 tháng thực hiện Đề án Quản lý, nhận diện và truy xuất nguồn gốc thịt lợn đã thu hút sự tham gia của 1.280 cơ sở chăn nuôi; 25 cơ sở giết mổ. Đồng thời, tổng số cơ sở kinh doanh thực hiện truy xuất nguồn gốc đạt 838 siêu thị, cửa hàng thực phẩm tại Tp. Hồ Chí Minh và các tỉnh Đông - Tây Nam bộ; 2 chợ đầu mối nông sản thực phẩm Hóc Môn, Bình Điền và 23 chợ truyền thống với 146 gian hàng kinh doanh thịt lợn Vissan. 
Tính đến thời điểm hiện tại, Đề án Quản lý, nhận diện và truy xuất nguồn gốc thịt lợn đã nghiên cứu ra phương pháp nhận diện và truy suất mới là "bấm lỗ tay" thay cho "đeo vòng". Phương pháp mới này giúp giảm chi phí cho Đề án và dự kiến sẽ được ứng dụng trong thời gian tới. Đồng thời, dự kiến đến ngày 31/7/2017, Tp. Hồ Chí Minh sẽ chính thức kiểm soát nguồn lợn và thịt lợn cung ứng cho thị trường thành phố, bắt buộc phải truy suất được nguồn gốc thịt lợn vào đầu mối nông sản thực phẩm, tất cả các chợ truyền thống và hệ thống bán lẻ hiện đại. 
Đánh giá về các Đề án Quản lý, nhận diện và truy xuất nguồn gốc các mặt hàng nông sản, thực phẩm, ông Trần Quốc Tuấn, Giám đốc Sở Công thương tỉnh Trà Vinh, cho rằng: Hiện tỉnh Trà Vinh đã bước đầu tham gia Đề án Quản lý, nhận diện và truy xuất nguồn gốc thịt lợn và các sở ngành của tỉnh cũng tích cực vận động bà con nông dân tích cực hưởng ứng. Tuy nhiên, để triển khai Đề án hiệu quả và bền vững, cần có sự phối hợp theo lộ trình cụ thể, trong đó có những cam kết đảm bảo đầu ra cho sản phẩm thì người nông dân mới mạnh dạn đầu tư sản xuất theo quy trình. Song song đó, người chăn nuôi, trồng trọt hiện đang rất thiếu thông tin thị trường, nên cần có giải pháp định hướng thị trường, không chỉ tại Tp. Hồ Chí Minh, mà còn thị trường cả nước và xuất khẩu. 
Bên cạnh đó, từ những thành công của Đề án Quản lý, nhận diện và truy xuất nguồn gốc thịt lợn, ông Nguyễn Ngọc Hòa, Phó Giám đốc Sở Công Thương Tp. Hồ Chí Minh, cho biết: Từ ngay 1/7/2017, Tp. Hồ Chí Minh chính thức triển khai Đề án Quản lý, nhận diện và truy xuất nguồn gốc thịt gia cầm, trứng gia cầm. Đề án này đã nhận được sự đăng ký tham gia của khoảng 1.750 điểm bán thịt gia cầm, trứng gia cầm; với 27 trang trại gà giống, 339 trang trại gà lấy thịt, 53 trang trại gà lấy trứng, 13 cơ sở giết mổ, đóng gói. 
Theo ông Nguyễn Ngọc Hòa, Đề án Quản lý, nhận diện và truy xuất nguồn gốc thịt gia cầm, trứng gia cầm, sẽ được triển khai dựa trên quy trình ứng dụng công nghệ thông tin, tem truy suất... cho phép người tiêu dùng trực tiếp kiểm tra, rà soát từng công đoạn sinh ra cho đến đóng gói và phân phối. Đặc biệt, điểm mới đối với truy suất thịt gia cầm, trứng gia cầm, là tem truy suất được gắn từ giai đoạn giết mổ và đóng gói. 
Để thực hiện hiệu quả Đề án Quản lý, nhận diện và truy xuất nguồn gốc các mặt hàng nông sản, thực phẩm tại Tp. Hồ Chí Minh, trong thời gian tới, Sở Công Thương thành phố đã chính thức ký kết hợp tác triển khai công tác truy xuất nguồn gốc thực phẩm với Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn các tỉnh, thành phố khu vực phía Nam./. 
message zalo