Đang tải...
Ngày đăng: 17/03/2017
(Mard-17/03/2017) - Cung ứng sản phẩm theo chuỗi từ “trang trại đến bàn ăn” đang được cả doanh nghiệp nội và ngoại quan tâm. Đặc biệt trong thời điểm Việt Nam đang bước vào thời kỳ hội nhập sâu rộng với hàng loạt Hiệp định Thương mại song phương và đa phương được ký kết. Việc nhiều doanh nghiệp nội chủ động trong sân chơi này sẽ giúp họ giữ được “thị phần” ngay trên sân nhà. Làm cách nào để doanh nghiệp Việt cạnh tranh với doanh nghiệp ngoại là bài toán đang được quan tâm.
Chủ động tham gia sâu vào chuỗi sản xuất sạch
Trước nhu cầu cấp thiết của thị trường và người tiêu dùng về thực phẩm an toàn, nhiều nhà bán lẻ, đặc biệt là doanh nghiệp nội đang chủ động tham gia sâu vào chuỗi sản xuất sạch. Từ đó tạo nên một hướng đi mới góp phần nâng sức cạnh tranh cho doanh nghiệp và xây dựng thương hiệu uy tín cho hàng Việt.
Tìm hướng đi mới
Những năm gần đây, Liên hiệp Hợp tác xã Thương mại Tp. Hồ Chí Minh (Saigon Co.op) được xem là một trong những nhà bán lẻ tiên phong trong việc gắn kết các nhà sản xuất, hướng đến đa dạng sản phẩm đạt tiêu chuẩn VietGAP, GlobalGAP.... Mặt khác, Saigon Co.op đang tích cực mở rộng mô hình liên kết sản xuất tại Đồng bằng sông Cửu Long với nhiều dự án quy mô lớn; trong đó, có thể kể đến các tỉnh, thành phố như Cần Thơ, Bến Tre, Sóc Trăng, Đồng Tháp.... Đặc biệt, Saigon Co.op còn đầu tư trang trại hữu cơ được chứng nhận quốc tế, có quy mô hơn 300 ha tại tỉnh Cà Mau, để sản xuất gạo, rau, thủy hải sản mang thương hiệu Co.op Organic.
Điểm sáng trong việc tìm hướng gắn kết chuỗi giá trị giữa sản xuất, phân phối và người tiêu dùng là từ đầu năm 2016, Saigon Co.op đã phối hợp với các nông dân là thành viên của Hợp tác xã Nông nghiệp Tân Tiến, tỉnh Vĩnh Long để triển khai mô hình sản xuất nông nghiệp hữu cơ, đang là một hướng đi mới của nền nông nghiệp Việt Nam. Đây là mô hình ứng dụng cho sản xuất lúa Jasmine 100 đạt tiêu chuẩn VietGAP, có quy trình kiểm soát bởi 6 tiêu chí nghiêm ngặt về an toàn gồm: không thuốc bảo vệ thực vật, không phân bón hóa học, không chất bảo quản, không pha trộn, không chất tạo mùi, dễ dàng truy xuất nguồn gốc.
Theo ông Phạm Trung Kiên, Phó Tổng Giám đốc Saigon Co.op, những sản phẩm nông nghiệp chất lượng cao đang phải qua nhiều khâu trung gian trước khi đến tay người tiêu dùng nên giá thành cao dẫn đến sức cạnh tranh yếu và không đảm bảo chất lượng như ban đầu. Dựa vào quá trình kinh doanh lâu năm, am hiểu thị trường và sản phẩm nông nghiệp, Saigon Co.op có lợi thế nhất định và cơ sở để định hướng, đầu tư nông nghiệp như bao tiêu và tạo đầu ra cho sản phẩm.
Ông Phạm Trung Kiên cho biết, dự kiến trong năm 2017, Saigon Co.op sẽ có khu vực trưng bày, giới thiệu và kinh doanh riêng trong khu vực kinh doanh hàng tự chọn tại một số siêu thị Co.opmart, Co.opXtra, để phục vụ người dân. Giai đoạn từ nay đến năm 2020, Saigon Co.op tiếp tục đẩy mạnh liên kết hợp tác sản xuất với các nhà cung cấp, hợp tác xã, nông dân... để đầu tư và phát triển nông nghiệp bền vững. Đồng thời, từng bước sẽ tìm kiếm, mở rộng cơ hội đầu tư vào các mô hình sản xuất sạch, nông trại hữu cơ, sớm cung ứng các mặt hàng chất lượng ra thị trường và nhân rộng điểm bán. Từ đó, hình thành và phát triển những hợp tác xã nông nghiệp, nhằm tạo sự phong phú nguồn cung ứng hàng hóa cho Saigon Co.op cũng như nâng cao lợi thế cạnh tranh cho hàng Việt.
Nâng cao chất lượng sản phẩm
Trong vụ Đông Xuân 2016, mô hình sản xuất lúa hữu cơ sạch tại xã Mỹ Lộc, huyện Tam Bình, tỉnh Vĩnh Long, được thực hiện trên tổng diện tích 40,85ha, với 73 hộ nông dân tham gia. Ông Nguyễn Văn Phinh, thôn 11, xã Mỹ Lộc, huyện Tam Bình, tỉnh Vĩnh Long, cho rằng, toàn bộ hộ nông dân tuân thủ chặt chẽ phương pháp do cán bộ kỹ thuật đưa ra và thực hiện đúng các cam kết của dự án. Các hộ nông dân thống nhất tinh thần chấp nhận năng suất thấp ở giai đoạn đầu, để đạt được chất lượng cao.
Bởi theo ông Nguyễn Văn Phinh, việc tuân thủ các phương pháp canh tác hữu cơ không chỉ sản xuất ra sản phẩm an toàn đáp ứng nhu cầu thị trường, mà còn giúp đất trồng, nguồn nước và các loài thuỷ sản phục hồi dần. Đặc biệt, sức khoẻ người nông dân được bảo vệ và không nguy hại đến môi trường vì không sử dụng các hoá chất bảo vệ thực vật có hại.
Còn tại huyện Cần Giuộc, tỉnh Long An, hiện toàn huyện có khoảng 1.800 ha chuyên canh trồng rau màu, với 4.500 hộ; trong đó, số hộ nông dân trồng rau trong vùng dự án sản xuất rau công nghệ cao của huyện là 3.927 hộ. Sản phẩm chủ lực có 34 loại, gồm: rau ăn lá chiếm 65%, rau gia vị 25%, rau ăn quả 10%. Ngoài ra, toàn huyện có 140 ha trồng rau xà lách xoong. Năng suất trồng rau màu bình quân đạt 20 - 22 tấn/ha/vụ, sản lượng 130.000 tấn/năm, chủ yếu tiêu thụ tại thị trường Tp. Hồ Chí Minh. Bên cạnh đó, toàn huyện Cần Giuộc có 22 tổ sản xuất rau an toàn, 6 Hợp tác xã, 1 Liên hiệp Hợp tác xã sản xuất và dịch vụ rau an toàn.
Mặt khác, đơn cử về một trong những sản phẩm chủ lực của tỉnh Long An, các chủ nhiệm Hợp tác xã cho biết: Sản phẩm trái Thanh Long của tỉnh hầu hết được trồng theo quy trình và đạt tiêu chuẩn VietGap. Đồng thời, một số Hợp tác xã như Hợp tác xã Thanh Long đã đăng ký thương hiệu độc quyền, có mã số - mã vạch để truy suất nguồn gốc. Do đó, các Hợp tác xã rất mong muốn liên kết hợp tác với các nhà bán lẻ để hình thành chuỗi cung ứng sản xuất, tiêu thụ mặt hàng chủ lực của tỉnh Long An đã đạt được các chứng nhận về chất lượng.
Đánh giá về lợi ích môi trường của mô hình sản xuất sạch, nông nghiệp hữu cơ, GS. Phạm Văn Kim, cựu giảng viên Trường đại học Cần Thơ, cho hay: Khảo sát thực tế, các loài thuỷ sinh do lũ gây ra đã không thể sống sót trong ruộng lúa, có thể tìm thấy sau 2 - 3 vụ canh tác hữu cơ. Điều này cho thấy, mô hình sản xuất sạch, nông nghiệp hữu cơ, mang lại giá trị lâu dài và bền vững cho hệ sinh thái tại Khu vực đồng bằng sông Cửu Long, đặc biệt là lĩnh vực nông nghiệp. Do đó, thay vì canh tác 3 vụ lúa, chính quyền địa phương và hộ nông dân nên xem xét ứng dụng mô hình đan xen như hai vụ lúa và một vụ nuôi trồng thuỷ sản; hai vụ lúa và một vụ sản xuất nông sản như bắp, đậu nành, rau cải để làm đất màu mỡ hơn./.