Theo nhiều nông dân ở Hải Dương, thời tiết năm nay thuận lợi, trời ít mưa, hứa hẹn sẽ cho một mùa vải nhãn bội thu.
Theo nông dân Văn Mừng, xã Hoàng Hoa Thám (Thị xã Chí Linh, Hải Dương), diện tích trồng vải chín sớm của gia đình ông khoảng 2ha, cho thu hoạch 20 tấn quả. Vải của nhà ông được trồng theo tiêu chuẩn VietGap, có thể xuất khẩu được.
Ông Mừng cho biết, kể cả khi được mùa, nông dân vẫn lo. Vì năm nào nông dân cũng lo ngại về đầu ra cho quả vải.
“Đầu ra có thể không khó nhưng việc được giá hay không được giá lại là vấn đề khác. Năm ngoái, chúng tôi chỉ bán được 10.000 đồng/kg vải chính sớm. Có siêu thị ở Hà Nội về hỏi mua nhưng sau đó họ lại không mua”, ông Mừng nói.
Ông Mừng cho biết, nông dân trồng vải chủ yếu bán cho thương lái ở Hải Dương, thương lái Hải Phòng, Quảng Ninh và khu vực miền Trung tới mua.
“Công ty Rồng Đỏ có gọi điện tới mua nhưng lúc đó đã cuối vụ. Nên hầu như không còn vải để bán cho họ. Hơn nữa, số lượng họ mua cũng không nhiều”, ông Mứng nói thêm.
Đối với người nông dân trồng vải chín sớm như ông Mừng, mong mỏi duy nhất là được các siêu thị, các đơn vị lớn về thu mua cho bà con nông dân hoặc có những điểm bán hàng ở trên các thành phố để người dân đưa vải lên tiêu thụ.
Còn theo ông Nguyễn Văn Đệnh, Chủ tịch Hội nông dân xã Thanh Bính, huyện Thanh Hà, Hải Dương, năm ngoái, công ty Rồng Đỏ về ký hợp đồng mua 40 tấn vải, nhưng sản lượng của bà con quá nhiều, nên việc phân chia gặp nhiều khó khăn.
Thực tế, xã Thanh Bính có 277 ha trồng vải chín sớm, trong đó có khoảng 20ha trồng theo tiêu chuẩn VietGap. Sản lượng của cả xã là 2.500 tấn.
Do vậy, “Số lượng Công ty Rồng Đỏ mua không đáng kể so với sản lượng của bà con. Vì thế, chúng tôi chủ yếu bán cho thương lái. Có cả thương lái Trung Quốc tìm tới mua. Thương lái Việt Nam chở vào miền Nam”, ông Đệnh cho biết thêm.
Theo ông Đệnh, năm nào nông dân cũng lo đầu ra. Vì đầu ra hiện nay vẫn do thương lái bao tiêu là chính. Không có siêu thị nào từ Hà Nội xuống thu mua. Nhà nước cũng tạo điều kiện nhưng nông dân rất khó liên lạc với các siêu thị lớn để ký hợp đồng, giảm bớt khâu trung gian. Năm 2017, vải được giá, được mùa. Bà con cũng chỉ mong năm nay được như năm ngoái.
Mở rộng thị trường
Về phía cơ quan chức năng, ông Trần Văn Công, Phó Cục trưởng Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho biết, trong thời gian qua, về góc độ sản xuất, nhiều vùng đã tăng cường mở rộng quy mô sản xuất theo tiêu chuẩn VietGap và Global Gap nên chất lượng được đảm bảo, thúc đẩy tiêu thụ sản phẩm.
Tập kết, vận chuyển vải đi tiêu thụ ở huyện Thanh Hà (Hải Dương). Ảnh: TTXVN
|
Về phần tiêu thụ, ông Trần Văn Công cho biết, Bộ đã làm việc với Trung tâm xúc tiến thương mại nông nghiệp và một số tỉnh có vùng sản xuất trọng điểm ở khu vực phía Bắc. Trong đó chú trọng tới việc tăng cường kết nối kinh doanh giữa các hợp tác xã với doanh nghiệp thu mua, tiêu thụ.
Với xuất khẩu, vải, nhãn có thị trường rất lớn là Trung Quốc, hai sản phẩm này đều đã được cấp phép nhập khẩu chính ngạch, rất thuận lợi. Cơ quan kỹ thuật hai bên đang tiếp tục trao đổi ,thúc đẩy mở cửa thị trường với vải nhãn.
Theo ông Trần Văn Công, Bộ NN&PTNT cũng đang tăng cường đàm phán, để mở rộng thêm thị trường mới, thúc đẩy thị trường tiềm năng cho hai loại quả này. Ngoài Trung Quốc, vải đã được xuất khẩu đi Hà Lan, Thái Lan, Mỹ. Cục đang đàm phán mở rộng thêm thị trường xuất khẩu nhãn sang Australia.