Đang tải...
Ngày đăng: 14/02/2020
Theo đó, qua ghi nhận thực tế, xâm nhập mặn đã xuất hiện ở mức cao đột biến từ tháng 12.2019, ranh mặn 4 gr/lít ở các cửa sông Cửu Long sâu nhất đến 57 km (sông Hàm Luông), sâu hơn trung bình nhiều năm là 24 km, sâu hơn năm 2015 là 17 km.
Theo dự báo, xâm nhập mặn lên cao từ 8 - 16.2 và là đợt xâm nhập mặn cao nhất từ đầu mùa khô đến nay với ranh mặn 4 gr/lít tại các cửa sông đạt cao nhất. Đến cuối tháng 3, xâm nhập mặn ở ĐBSCL sẽ giảm và ở vùng các sông Vàm Cỏ và sông Cái Lớn, xâm nhập mặn sẽ tiếp tục duy trì ở mức cao đến hết tháng 4.
Cũng theo Bộ NN-PTNT, do ảnh hưởng của hạn mặn thống kê ở các tỉnh Bến Tre, Sóc Trăng, Kiên Giang, Cà Mau, Bạc Liêu, Long An đang có 79.700 hộ dân thiếu nước sinh hoạt. Các địa phương đã huy động các đơn vị quân đội dùng tàu hải quân chở nước ngọt cung cấp cho người dân; hỗ trợ người dân các dụng cụ trữ nước; mở rộng, nối dài hệ thống đường ống cấp nước, nâng cao công suất của các trạm cấp nước có đủ nước sinh hoạt.
Đặc biệt, tại tỉnh Tiền Giang đã lắp đặt 50 vòi nước công cộng đảm bảo khắc phục tình trạng thiếu nước của 2.200 hộ dân trong các ngày xâm nhập mặn lên cao.
Trước tình hình xâm nhập mằn, tại các tỉnh Kiên Giang, Bến Tre, Long An, Cà Mau, Trà Vinh cũng đã chuẩn bị phương án huy động các xe bồn lưu động chở nước ngọt cho khoảng 40.000 hộ dân sống phân tán, vùng sâu, vùng xa, vùng ven biển, hải đảo.