Đang tải...

lang-vi
lang-en

Trung tâm quốc gia nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn

National center for rural water supply and environmental sanitation

Xâm nhập mặn khiến một số nhà máy nước bị ảnh hưởng

Ngày đăng: 21/02/2024

Nước ngọt nhiều nơi vẫn đảm bảo đạt chuẩn

Dịp Tết Nguyên đán, triều cường kết hợp gió thổi mạnh đã làm nước mặn xâm nhập sâu vào các nhánh sông ở tỉnh Bến Tre. Để chủ động ứng phó với xâm nhập mặn, các ngành, các cấp, đoàn thể chính trị và nhân dân Bến Tre đã có kế hoạch, hành động cụ thể chủ động ứng phó, nhất là đối với cấp và dự trữ nước sạch nông thôn. Hiện tại, tỉnh Bến Tre có 60 nhà máy nước do Sở Xây dựng và Sở NN-PTNT quản lý.

​Theo Sở Xây dựng, từ đầu tháng 2/2024 đến nay, xâm nhập mặn đã tác động đến một số nhà máy nước. Nhà máy nước Lương Quới của Công ty Cổ phần Cấp thoát nước Bến Tre, độ mặn nước thô sông Lương Quới dao động từ 1‰ đến 1,5‰. Nhà máy nước Bình Hòa, độ mặn nước thô sông Bình Chánh dao động từ 1‰ đến 1,5‰. Nhà máy nước Khu công nghiệp Giao Long, độ mặn nước thô Ba Lai dao động từ 1‰ đến 3‰. Nhà máy nước An Hóa, độ mặn nước thô sông An Hóa cao nhất đạt 5,2‰. Nhà máy nước An Phước, độ mặn nước thô dao động từ 1‰ đến 2‰.

Thời gian qua, các đơn vị cấp nước do Sở Xây dựng quản lý đã chủ động triển khai các biện pháp ứng phó xâm nhập mặn, trong đó chủ yếu là vận hành hệ thống lọc R.O (nhà máy nước Bình Hòa, khu công nghiệp Giao Long và Lương Quới) và thực hiện chế độ khai thác nước phù hợp với diễn biến xâm nhập mặn trong ngày. Bên cạnh đó, các nhà máy nước tăng cường khai thác khi triều thấp (nhà máy nước An Hóa, An Phước và Lương Quới), đồng thời tăng cường công suất ở các nhà máy chưa bị xâm nhập mặn.

Đến 15/2/2024, tất cả các nhà máy của Công ty Cổ phần Cấp thoát nước Bến Tre, bao gồm 5 nhà máy nước ở thành phố Bến Tre và các huyện và 2 nhà máy tiếp nhận nước sạch dạng mua tổng đều có chất lượng nước sạch đạt yêu cầu về độ mặn theo quy chuẩn địa phương.

Riêng Trung tâm Nước sạch và Vệ sinh môi trường nông thôn (thuộc Sở NN-PTNT Bến Tre) hiện đang quản lý 32 nhà máy nước, trong đó có 10 nhà máy lấy nguồn nước thô từ hệ thống công trình thuỷ lợi nên có độ mặn tương đối ổn định theo vận hành của hệ thống công trình. Các nhà máy còn lại có độ mặn tăng giảm theo độ mặn trên sông, rạch.

Độ mặn tại các khu vực cấp nước tính đến ngày 15/2/2024 như sau: Bình Đại và Ba Tri dao động 0,1-3,1‰, Thạnh Phú dao động 0,3-2‰, Mỏ Cày Nam dao động 0,2-3‰, Giồng Trôm dao động 0,1-1,9‰, Mỏ Cày Bắc dao động 0,1-2,7‰, Châu Thành dao động 0,1-0,7‰.

Bên cạnh đó, một số đơn vị cấp nước tư nhân đã xây dựng phương án cấp nước sạch không nhiễm mặn mùa khô năm 2023-2024 (điển hình như Công ty Cổ phần Cấp Thoát Nước Mỏ Cày, Công ty TNHH Cấp thoát nước Hoàng Tâm, DNTN Tâm Ngân, Công ty TNHH MTV Thanh Loan, Công ty TNHH TM Đầu tư XD Trường Long).

Vừa qua, dù có nhiều nhà máy bị ảnh hưởng bởi độ mặn tại khu vực cấp nước trên sông, rạch và có độ mặn vượt ngưỡng cho phép (0,5‰), riêng các nhà máy nước Tân Thanh Tây, Tân Bình - huyện Mỏ Cày Bắc; Tiên Thủy, Phú Đức (huyện Châu Thành) có độ mặn dưới ngưỡng 0,5‰, nhưng nhìn chung công tác cấp nước sạch sinh hoạt tại nhiều địa phương tại Bến Tre vẫn đảm bảo an toàn.

Dự kiến chở nước ngọt bằng sà lan

Sở NN-PTNT cho biết đã tổ chức họp và có văn bản đề nghị các đơn vị cấp nước chủ động đo kiểm tra độ mặn ở nguồn nước trước khi lấy nước và có kế hoạch cấp nước an toàn đảm bảo không bị nhiễm mặn. Đến nay, đa số các nhà máy nước đều chủ động và có phương án ứng phó.

Cũng theo Sở NN-PTNT Bến Tre, nguồn cấp nước chủ yếu của các nhà máy nước do Trung tâm Nước sạch và Vệ sinh môi trường nông thôn quản lý nằm trong hệ thống công trình thủy lợi và từ sông, rạch tự nhiên. Tuy nhiên, do hệ thống thủy lợi trên địa bàn tỉnh chưa được khép kín nên gây ảnh hưởng đến khu vực lấy nước của các nhà máy nước dẫn đến độ mặn tăng cao theo diễn biến xâm nhập mặn. Ngoài ra, phạm vi cấp nước của các nhà máy rộng, dàn trãi tại các khu vực nông thôn, dân cư ít tập trung dẫn đến hạn chế trong việc đầu tư nâng cấp mạng lưới cấp nước.

Thông tin về giải pháp đảm bảo nguồn nước cho sinh hoạt cũng như ứng phó xâm nhập mặn trong thời gian tới, Sở NN-PTNT tỉnh Bến Tre cho biết, tiếp tục thực hiện đo, kiểm tra độ mặn và có kế hoạch lấy nước phù hợp với diễn biến xâm nhập mặn, cung cấp số liệu đo mặn cho các địa phương và người dân biết để có kế hoạch trữ, sử dụng nước ngọt hợp lý.

Cùng với đó có kế hoạch vận hành hệ thống R.O tại các nhà máy nước cũng như vận hành các mạng lưới cấp nước đã kết nối, chuyển nước từ các nhà máy nước có nước ngọt/độ mặn thấp đến mạng lưới cấp nước của nhà máy nước nơi có độ mặn cao.

Ngoài ra, triển khai vận hành các bơm nước thô từ nguồn nước dự phòng có độ mặn thấp để vận hành cấp nước trong thời gian xâm nhập mặn tại các sông chính tăng cao, cụ thể như nhà máy nước: Tân Mỹ, Châu Bình, Thới Lai.

Tiếp tục phối hợp với Công ty Cổ phần Sản xuất và Thương Mại N.I.D và Công ty Cổ phần Cấp thoát nước Bến Tre cung cấp nước qua đồng hồ tổng để phục vụ trong các thời điểm xâm nhập mặn tăng cao trên địa bàn huyện Ba Tri và Mỏ Cày Bắc.

Dự kiến thực hiện giải pháp “chuyên chở nước thô bằng sà lan về các nhà máy nước xử lý” tại một số nhà máy nước: Tân Hào, Lương Phú, Phước Long, Long Định, Bình Khánh Đông. Hiện tại, phương án đang trong giai đoạn lựa chọn nhà thầu vận chuyển nước.

​​Phát biểu tại cuộc họp ngày 16/2/2024, Chủ tịch UBND tỉnh Trần Ngọc Tam cho rằng các ngành, đơn vị, địa phương trong toàn tỉnh cần tăng cường tuyên truyền cho người dân về triều cường, xâm nhập mặn; thông tin thường xuyên độ mặn từng lúc để người dân chủ động ứng phó; các cơ quan chuyên môn, chức năng tiếp tục theo dõi, kịp thời báo cáo, đề xuất về tình hình, diễn biến xâm nhập mặn, triều cường, sạt lở. Công ty Cấp thoát nước của tỉnh và các nhà máy nước tư nhân ở địa phương phải có kế hoạch cấp nước sao cho đảm bảo đúng quy chuẩn nhằm phục vụ cho sinh hoạt của người dân và duy trì sản xuất cho doanh nghiệp, bằng các giải pháp như vận hành lại các hệ thống lọc R.O, tuyên truyền vận động người dân sử dụng nước tiết kiệm.

 

message zalo