Đang tải...
Ngày đăng: 14/11/2024
Tạo điều kiện thuận lợi nhất cho công tác triển khai cấp nước sạch nông thôn
Nội dung trên tại Thông báo số 197/TB-UBND ngày 4/11/2024 của UBND tỉnh Vĩnh Phúc do Phó Chủ tịch UBND tỉnh Vũ Việt Văn ký ban hành, sau cuộc họp nghe các cơ quan, đơn vị, địa phương liên quan báo cáo tiến độ cấp nước sạch nông thôn từ công trình cấp nước tập trung.
Các cấp, các ngành, các cơ quan, đơn vị chủ động rà soát, đẩy nhanh tiến độ xử lý các công việc thuộc thẩm quyền với tinh thần tạo điều kiện thuận lợi nhất cho công tác triển khai cấp nước sạch nông thôn từ công trình cấp nước tập trung.
Yêu cầu UBND các huyện tăng cường công tác tuyên truyền, vận động Nhân dân sử dụng nước sạch từ công trình cấp nước tập trung.
Sở Xây dựng, Sở Giao thông vận tải, Sở Tài nguyên và Môi trường, Sở Kế hoạch và Đầu tư theo chức năng, nhiệm vụ khi có nội dung kiến nghị, đề xuất liên quan đến cấp nước cho Nhân dân khu vực nông thôn của các công ty kinh doanh nước cần tập trung, ưu tiên giải quyết sớm các thủ tục liên quan (đầu tư, cấp phép...) theo quy định.
Đồng thời giao Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Sở Kế hoạch và Đầu tư thường xuyên nắm bắt, cập nhật, đôn đốc tiến độ cấp nước sạch nông thôn từ công trình cấp nước tập trung trên địa bàn toàn tỉnh (đặc biệt là đối với các huyện có tỷ lệ sử dụng thấp, chưa đảm bảo tiêu chí huyện nông thôn mới).
Lo ngại khả năng “trở tay không kịp”
Vĩnh Phúc hiện có 31 nhà máy cấp nước sạch tập trung được đầu tư với tổng công suất hơn 349.500 m3/ngày đêm. Trong đó, có 29 nhà máy đang hoạt động với công suất thiết kế hơn 187.500 m3/ngày đêm. Toàn tỉnh có 62 xã đã có đường ống từ hệ thống cấp nước sạch tập trung, đạt 60,7%; còn 40 xã chưa được cấp nước sạch tập trung.
Tỷ lệ hộ gia đình trên địa bàn tỉnh Vĩnh Phúc được sử dụng nước sạch đáp ứng tiêu chuẩn của Bộ Y tế đạt 81,3%. Nhưng tỷ lệ các hộ gia đình sử dụng nước sạch từ công trình cấp nước tập trung còn thấp, chỉ đạt 24,1% (so với mục tiêu tại Kế hoạch 258/KH-UBND, đến năm 2025 tỷ lệ hộ dân nông thôn được sử dụng nước sạch đạt 70%, trong đó tỷ lệ hộ dân nông thôn được sử dụng nước sạch từ công trình cấp nước tập trung đạt 51%).
Tỷ lệ các hộ gia đình ở khu vực nông thôn được sử dụng nước sạch còn thấp đã gây trở ngại lớn trong việc hoàn thành tiêu chí số 18 về chất lượng môi trường sống của các xã đang xây dựng xã nông thôn mới nâng cao, kiểu mẫu trên địa bàn tỉnh. Đồng thời cũng ảnh hưởng đến nỗ lực phấn đấu hoàn thành mục tiêu Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ XVII, nhiệm kỳ 2020-2025 đã đề ra đối với Chương trình mục tiêu Quốc gia xây dựng nông thôn mới.
Trao đổi với PV báo Kinh tế & Đô thị, nhiều doanh nghiệp triển khai các dự án nước sạch đều đồng tình trước những nỗ lực của lãnh đạo UBND tỉnh trong việc lắng nghe ý kiến từ doanh nghiệp, tích cực tháo gỡ khó khăn trong triển khai các dự án nước sạch, nâng tỷ lệ người dân nông thôn được tiếp cận và sử dụng nước sạch đảm bảo vệ sinh, an toàn sức khỏe.
Tuy nhiên, ý kiến từ các doanh nghiệp cũng bày tỏ lo ngại trước tình huống “trở tay không kịp”, rất khó nâng cao tỷ lệ người dân sử dụng nước sạch, khi mà mục tiêu Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ XVII, nhiệm kỳ 2020-2025 đã đề ra đối với Chương trình mục tiêu Quốc gia xây dựng nông thôn mới, hiện đang đi vào giai đoạn kết thúc.
“Mục tiêu của Nghị quyết đặt ra giai đoạn 2020-2025 tỷ lệ hộ dân nông thôn được sử dụng nước sạch đạt 70%, trong đó tỷ lệ hộ dân nông thôn được sử dụng nước sạch từ công trình cấp nước tập trung đạt 51%. Nhưng đến nay đã gần hết năm 2024 mà tỷ lệ các hộ gia đình sử dụng nước sạch từ công trình cấp nước tập trung còn thấp, chỉ đạt 24,1%. Vậy thì chỉ còn 1 năm nữa việc hoàn thành mục tiêu là rất khó khăn” - một lãnh đạo doanh nghiệp cung cấp nước sạch trên địa bàn tỉnh Vĩnh Phúc cho biết.
Một lý do nữa cũng khiến nhiều nhà đầu tư dự án nước sạch e ngại, là khi bỏ vốn đầu tư xây dựng công trình nhưng ở một số địa phương, người dân vẫn từ chối sử dụng nước sạch, dẫn đến hiệu quả đầu tư không đạt kỳ vọng.
Nguồn: Báo Kinh tế đô thị