Đang tải...

lang-vi
lang-en

Trung tâm quốc gia nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn

National center for rural water supply and environmental sanitation

Vật lộn kiếm tìm nước sạch sau vụ vỡ đập bùn thải ở Bắc Kạn

Ngày đăng: 28/10/2024

Gần 2 tháng sau vụ vỡ đạp bùn thải ở Bắc Kạn, nhiều hộ dân tại huyện Chiêm Hóa vẫn đang loay hoay, vật lộn kiếm tìm nước sạch.

Người dân xã Bình Phú (Chiêm Hóa) đối diện với nguy cơ thiếu nước sạch sau sự cố vỡ đập bùn thải ở Bắc Kạn

Gần 2 tháng từ khi dòng suối ở xã Bình Phú (Chiêm Hóa, Tuyên Quang) bị ô nhiễm do bùn thải vụ vỡ đập chì kẽm ở Bắc Kạn tràn vào, thầy trò Trường Tiểu học và THCS Bình Phú vẫn không dám sử dụng nguồn nước suối cho sinh hoạt.

Để có nước phục vụ sinh hoạt hàng ngày, thầy trò phải trông chờ vào nguồn nước đóng chai, bình lọc nước từ các đơn vị từ thiện cung cấp.

Ông Trần Hồng Ninh - Phó Hiệu trưởng Trường Tiểu học và THCS Bình Phú cho biết, nỗi lo thiếu nước ngày càng lớn dần kể từ sau khi Viện sức khỏe nghề nghiệp và môi trường (Bộ Y tế) thông tin kết quả xét nghiệm tất cả các mẫu nước trên địa bàn xã Bình Phú không đạt quy chuẩn cho sinh hoạt.

Ghi nhận vào tháng 10.2024, nơi xảy ra vụ vỡ đập quặng đuôi, nước thải vẫn tiếp tục tràn ra suối Bản Thi, chảy xuống hạ du

"Hiện nay nhà trường vẫn đang sử dụng nước từ các nhà hảo tâm hỗ trợ, tuy nhiên lượng nước hiện không đủ cho các em học sinh dùng cho sinh hoạt hàng ngày", ông Ninh lo lắng.

Trong khi đó, nhiều hộ dân ở xã Bình Phú cũng đang phải vật lộn từng ngày, tìm đủ mọi cách để có nước sinh hoạt cho gia đình bởi nước suối hay nước giếng khoan đều không đảm bảo.

Chị Ma Thị Cận, hộ dân gần suối ở xã Bình Phú cho biết, sau sự cố vỡ đập bùn thải, gia đình chị không dám sử dụng nước suối hay nước giếng do lo sợ ảnh hưởng tới sức khỏe, nhiễm độc chì.

"Nước giếng tại đây tôi không dám dùng nấu nướng, chỉ dùng để rửa bát, sau vẫn phải lấy nước sạch tráng lại.

Nhà tôi hiện vẫn dùng nước trợ cấp có sẵn và đi xin nước ở hộ dân có ống dẫn từ trên núi về, nhưng cũng không đủ đâu, chật vật lắm. Tôi mong vấn đề nguồn nước sớm được giải quyết để giúp người dân sớm ổn định đời sống", chị Cận cho hay.

Với hàng trăm hộ dân bị ảnh hưởng bởi vụ vỡ đập tại Bắc Kạn, việc sử dùng nước đóng chai hoặc dẫn ống nước từ trên núi chỉ là giải pháp tạm thời. Về lâu dài, nhất là sắp tới khi thời tiết khô hanh, nguồn nước cạn kiệt sẽ không còn nước để dùng.

Bùn thải không chỉ chảy vào suối mà còn tràn vào nhà, đất canh tác của người dân xã Bình Phú (Chiêm Hóa)

Bà Quan Thị Chiêu - Chủ tịch UBND xã Bình Phú cho biết, địa phương hiện vẫn đang cùng với Công ty TNHH MTV Kim loại màu Bắc Kạn tiến hành khảo sát các khu vực có khả năng có nguồn nước cho người dân.

"Qua rà soát thì các khe núi rất hiếm nước, đặc biệt vào mùa khô hanh. Giải pháp trước mắt thì vẫn hỗ trợ người dân nước, nguồn do các cơ quan, đơn vị, nhà hảo tâm tài trợ từ đợt cơn bão số 3 vừa qua.

Tuy nhiên để giải quyết bài toán nguồn nước về lâu dài thì đây là vấn đề khó khăn với địa phương. Chúng tôi sẽ cố gắng để sớm có giải pháp cho nhân dân", vị lãnh đạo xã thông tin.

Như Lao Động đã thông tin, ngày 9.9 tại xã Bản Thi (Chợ Đồn, Bắc Kạn) đã xảy ra vụ vỡ bờ đập bùn thải của Công ty TNHH MTV Kim loại màu Bắc Kạn khiến hơn 1.500 tấn chất thải tràn ra gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến môi trường.

Trước đó, ngày 2.10, Viện sức khỏe nghề nghiệp và môi trường (Bộ Y tế) có văn bản số 348 thông tin về kết quả xét nghiệm 10/10 mẫu nước được lấy trên địa bàn xã Bình Phú (Chiêm Hóa) đều không đạt quy chuẩn sử dụng cho sinh hoạt ở các thông số hóa lý và vi sinh.

Nguồn: Báo Lao động

 

message zalo