Đang tải...
Ngày đăng: 09/10/2017
Theo ông Trần Trung Hiền, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Trà Vinh, tình trạng sản xuất nông nghiệp nhỏ lẻ, manh mún trên địa bàn tỉnh thời gian qua bộc lộ nhiều hạn chế, khiến nông dân gặp trở ngại trong việc xây dựng thương hiệu sản phẩm, ứng dụng khoa học công nghệ vào sản xuất và tiếp cận các chính sách hỗ trợ của nhà nước... Ngành chuyên môn cũng rất khó quản lý chất lượng sản phẩm và làm cầu nối giữa nông dân với doanh nghiệp để giải quyết đầu ra sản phẩm.
Thực tế cho thấy các vùng chuyên canh sản xuất hàng hoá tập trung đa phần được doanh nghiệp bao tiêu sản phẩm. Cụ thể, Công ty Lương thực Trà Vinh liên kết sản xuất đầu tư vật tư đầu vào và bao tiêu sản phẩm với khoảng 1.000 hộ nông dân sản xuất lúa trong cánh đồng lớn trên tổng diện tích 1.000 ha, sản lượng 5.000 tấn lúa/vụ. Công ty cổ phần giống cây trồng miền Nam đầu tư sản xuất và bao tiêu 100 ha lúa giống; hợp tác xã sản xuất – kinh doanh lúa giống đầu tư sản xuất và bao tiêu 105 ha lúa giống.
Đối với cây màu, cây công nghiệp ngắn ngày cũng có 8 doanh nghiệp hợp đồng tiêu thụ một số sản phẩm, như: bao tiêu hơn 16.500 tấn ngô giống/năm; 340.000 tấn mía nguyên liệu/năm, hơn 2.000 tấn ớt/năm; 200 tấn rau, củ, quả/tháng; 20 tấn lạc/ngày trong mùa thu hoạch...
Trong chăn nuôi, toàn tỉnh có 10 mô hình liên kết sản xuất- tiêu thụ giữa Công ty cổ phần chăn nuôi C.P Việt Nam và nông dân với tổng đàn lợn 4.600 con và đàn gà 42.000 con.
Cũng theo ông Trần Trung Hiền, sản xuất hàng hoá tập trung mang lại rất nhiều lợi ích cho nông dân. Tuy nhiên, việc vận động nông dân thay đổi tập quán sản xuất để hình thành các vùng chuyên canh hiện nay gặp nhiều khó khăn do nông dân e ngại đầu tư vốn, giống, khoa học kỹ thuật... trong chuyển đổi. Do vậy, ngành nông nghiệp tỉnh sẽ tăng cường phối hợp với chính quyền địa phương khuyến cáo nông dân sản xuất theo quy hoạch. Bên cạnh đó, Trung ương cần sớm có chính sách tích tụ đất đai trong lĩnh vực nông nghiệp để khuyến khích nông dân chuyển đổi.
Tỉnh Trà Vinh hiện có 27 điểm sản xuất lúa theo mô hình cánh đồng lớn với tổng diện tích 4.330 ha trên địa bàn các huyện Càng Long, Cầu Kè, Tiểu Cần, Châu Thành, Trà Cú và Cầu Ngang.
Bên cạnh đó, tỉnh cũng có nhiều vùng chuyên canh các loại như 3.000 ha mía tập trung ở huyện Trà Cú, 2.000 ha lạc ở huyện Cầu Ngang, 2.000 ha ngô lai ở huyện Cầu Ngang, Trà Cú và Duyên Hải; vùng chuyên canh cây ăn trái tập trung ở huyện Cầu Kè... Hiện nay, toàn tỉnh có 54 trang trại nuôi thủy sản tập trung chủ yếu các huyện Cầu Ngang, Duyên Hải và thị xã Duyên Hải./.