Đang tải...
Ngày đăng: 14/12/2023
Hội nghị được đồng chủ trì bởi ông Nguyễn Thành Luân - Phó giám đốc phụ trách Trung tâm Quốc gia nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn (Giám đốc BQL dự án) và ông Muthu Maharajan – Trưởng phòng Sự sống còn và Phát triển của Trẻ em và Môi trường, Tổ chức Unicef. Hội nghị có sự tham dự của nhà tài trợ Unicef, các cơ quan thực hiện dự án Trung ương và địa phương gồm Hội liên hiệp phụ nữ Việt Nam, Văn phòng đối tác cấp nước và vệ sinh nông thôn, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Sở y tế, Sở giáo dục và đào tạo các tỉnh Điện Biên, Quảng Trị, Cà Mau, Bạc Liêu, Sóc Trăng và Thái Nguyên.
Phát biểu tại Hội nghị, ông Muthu cho biết, trong hai năm 2022-2023, Dự án đã đạt được những thành tựu quan trọng góp phần cải thiện đáng kể việc cung cấp các dịch vụ nước sạch và vệ sinh an toàn cho 20.000 người; gần 1,6 triệu hội viên Hội Phụ nữ được hưởng lợi gián tiếp từ dự án. Ngoài ra, Unicef đã huy động được 1,2 triệu USD, vượt 41% mục tiêu ban đầu là 850.000 USD. Dự án cũng đã thực hiện thành công 40 nhóm hoạt động, hướng tới xây dựng, tham vấn chính sách, nâng cao năng lực cho cán bộ nước sạch và vệ sinh ở cấp quốc gia và địa phương; áp dụng công nghệ mới có khả năng chống chịu khí hậu nhằm tăng khả năng tiếp cận nước sạch cho cộng đồng và trẻ em, cải thiện cơ sở vệ sinh ở trường học, và thúc đẩy thay đổi hành vi để thực hành vệ sinh tốt hơn.
Bên cạnh các kết quả đạt được, Hội nghị cũng chia sẻ các thách thức và bài học kinh nghiệm trong triển khai thực hiện Dự án và thảo luận để đưa ra các định hướng, mục tiêu và giải pháp thực hiện cho giai đoạn 2024-2025 với tổng ngân sách dự kiến khoảng 1.431.000 USD. Hội nghị đãthống nhất tiếp tục tập trung vào các hoạt động hỗ trợ chính sách; ứng dụng công nghệ, sáng kiến thông minh thích ứng biến đổi khí hậu và thực hiện các hoạt động truyền thông và nâng cao năng lực.
Kết thúc hội nghị. Ông Nguyễn Thành Luân và ông Muthu Maharajan cùng đánh giá cao và ghi nhận những kết quả đạt được trong hai năm qua và thừa nhận nhiều thách thức đang ở phía trước như còn hơn 30 triệu người dân nông thôn Việt Nam chưa được tiếp cận nước sạch;14 triệu người thiếu nhà tiêu hợp vệ sinh. Trong khi biến đổi khí hậu, tăng trưởng dân số, hạn chế về nguồn lực và các yêu cầu quản lý nguồn vốn ODA mới đã và đang đặt ra những rào cản phức tạp đòi hỏi phải có các giải pháp đổi mới. Hai bên tin tưởng rằng, với nỗ lực hợp tác, tận dụng kiến thức, chuyên môn, NCERWASS và Unicef sẽ cùng nhau thực hiện các giải pháp bền vững và thực hiện tốt kế hoạch 2024-2025 của Dự án để đảm bảo không ai bị bỏ lại phía sau trong quá trình theo đuổi khả năng tiếp cận các dịch vụ nước sạch và vệ sinh ở Việt Nam.