Đang tải...
Ngày đăng: 12/06/2019
Trên quan điểm phòng ngừa và giảm thiểu mối nguy hại sẽ hiệu quả hơn xử lý sự cố; năm 2009, Tổ chức Y tế thế giới đã khởi xướng việc chuyển đổi cách tiếp cận quản lý chất lượng nước từ kiểm soát đầu ra bằng kiểm soát toàn bộ quy trình dựa trên nguyên tắc sử dụng nhiều lớp rào cản để ngăn ngừa rủi ro trong tất cả các khâu của toàn bộ hệ thống cấp nước (được gọi là đảm bảo cấp nước an toàn).
Ngày 9/8/2016, Chương trình Quốc gia đảm bảo cấp nước an toàn giai đoạn 2016 - 2025 đã được Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 1566/QĐ-TTg với quan điểm nước sạch là một loại hàng hóa đặc biệt phục vụ nhu cầu thiết yếu của cuộc sống và phát triển kinh tế - xã hội, góp phần đảm bảo sức khỏe người dân, tiết kiệm tài nguyên nước, bảo vệ môi trường và hướng tới phát triển bền vững.
Trải qua 3 năm thực hiện, Chương trình Quốc gia đảm bảo cấp nước an toàn giai đoạn 2016 - 2025 vẫn còn nhiều khó khăn, thách thức, đặc biệt là khu vực nông thôn với đặc thù là đa số công trình cấp nước có quy mô nhỏ và tồn tại nhiều mô hình quản lý như mô hình tư nhân, doanh nghiệp, cộng đồng quản lý, Trung tâm nước quản lý.
Tài liệu “Hướng dẫn thực hiện Chương trình Quốc gia bảo đảm cấp nước an toàn khu vực nông thôn” được ban hành sẽ giúp các đơn vị cấp nước triển khai và thực hiện Kế hoạch đảm bảo cấp nước an toàn thông qua việc cung cấp các hướng dẫn về việc áp dụng các hành động quản lý hiệu quả và khuyến khích cộng đồng sử dụng nước sạch, cải thiện hành vi vệ sinh môi trường và vệ sinh cá nhân.
Theo đó, quy trình đảm bảo cấp nước an toàn cho vùng nông thôn sẽ gồm 6 bước:
Bước 1: Huy động cộng đồng và thành lập nhóm cấp nước an toàn
Bước 2: Mô tả hệ thống cấp nước
Bước 3: Xác định và đánh giá các mối nguy hại và các biện pháp kiểm soát hiện hành
Bước 4: Xây dựng và thực hiện kế hoạch cải thiện theo lộ trình
Bước 5: Giám sát các biện pháp kiểm soát và thẩm định tính hiệu quả của kế hoạch
Bước 6: Rà soát và cập nhật dữ liệu kế hoạch cấp nước an toàn.