Đang tải...
Ngày đăng: 06/04/2024
Đây là địa phương đầu tiên công bố tình huống khẩn cấp trong mùa khô năm nay, sau khi hạn mặn khiến hàng chục nghìn hộ bị thiếu nước sinh hoạt nghiêm trọng suốt nửa tháng qua.
Huyện Tân Phú Đông có 44.000 người dân sử dụng nước máy với nhu cầu hơn 10.000 m3 một ngày đêm. Hiện, nước máy lẫn nguồn nước tự cung cấp của người dân chỉ khoảng 8.000 m3, còn thiếu khoảng 2.000 m3. Địa phương này đang đề xuất tỉnh vận chuyển nước ngọt thô bằng sà lan bơm vào các ao quy mô trên địa bàn để đáp ứng nhu cầu nước sinh hoạt cho người dân.
Theo Nghị định 66/2021 của Chính phủ, tình huống khẩn cấp về thiên tai là tình trạng thiên tai đã hoặc đang xảy ra gây nguy hại trực tiếp an toàn tính mạng, sức khỏe của nhiều người và các công trình cơ sở hạ tầng quan trọng đang sử dụng. Tình huống khẩn cấp được công bố bằng quyết định của người có thẩm quyền như Chủ tịch UBND cấp tỉnh, Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ.
Sau khi công bố tình huống khẩn cấp, các đơn vị liên quan phải triển khai ngay các biện pháp ứng phó cấp bách để ngăn chặn và khắc phục nhanh hậu quả. Nhu yếu phẩm, nước sạch sẽ được cấp phát miễn phí cho người dân ở khu vực bị ảnh hưởng.
Đến nay, Tiền Giang đã mở hơn 60 vòi công cộng cấp nước miễn phí. Nhiều tổ chức, cá nhân cũng dùng sà lan, xe bồn chở nước ngọt đến vùng khô hạn phát miễn phí cho người dân, song chỉ giải quyết tạm thời tình trạng thiếu nước ngọt.
Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn quốc gia nhận định xâm nhập mặn tại Đồng bằng sông Cửu Long năm nay ở mức cao hơn trung bình nhiều năm, nhưng không gay gắt như 2015-2016 và 2019-2020. Các đợt xâm nhập mặn sẽ đạt đỉnh trong tháng 4-5 (8-13/4, 22-28/4, 7-11/5).
Hạn mặn năm nay dự báo sẽ khiến 30.000 hộ dân thiếu nước sinh hoạt, 20.000 ha lúa đông xuân gieo sạ ngoài lịch khuyến cáo bị thiếu nước.
Xâm nhập mặn nồng độ 4 phần nghìn tính từ cửa biển ở các con sông lớn tại miền Tây thời điểm cuối tháng 3.
Đợt hạn mặn lịch sử năm 2016 (100 năm mới lặp lại), 10 trong số 13 tỉnh, thành Đồng bằng sông Cửu Long phải công bố thiên tai. Khô hạn đã khiến 160.000 ha đất bị nhiễm mặn, thiệt hại hơn 5.500 tỷ đồng. Hồi năm 2020, hạn mặn làm 43.000 ha lúa bị thiệt hại, 80.000 hộ thiếu nước sinh hoạt, 6 tỉnh phải công bố tình huống khẩn cấp. Chính phủ đã chi 530 tỷ đồng cho 8 tỉnh ở đây ứng phó.