Đang tải...
Ngày đăng: 22/04/2020
Ngày 22/4, ông Nguyễn Thiện Pháp, Trưởng Chi cục Thủy lợi và Phòng chống lụt bão, Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Tiền Giang cho biết, tỉnh đã đề xuất Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn trình Chính phủ hỗ trợ đầu tư dự án hồ chứa nước ngọt kênh Nguyễn Tấn Thành qua hai huyện Châu Thành và Tân Phước.
"Mùa mặn năm nay, nhờ kịp thời đắp đập tạm trên kênh Nguyễn Tấn Thành đầu giáp sông Tiền ngăn mặn, mới có đủ lượng nước ngọt cung cấp cho nhiều diện tích cây trồng lẫn sinh hoạt của người dân", ông Nguyễn Thiện Pháp nói.
Hồ chứa nước theo thiết kế sẽ bao gồm toàn bộ kênh Nguyễn Tấn Thành, dài 19 km, rộng 65 m, được xây hệ thống cống đóng mở hai đầu, một đầu giáp với sông Tiền, đầu còn lại giáp kênh Nguyễn Văn Tiếp (Tân Phước).
Dự kiến, thời gian hoàn thành hồ trữ ngọt khoảng 2 năm, tổng kinh phí 400 tỷ đồng, là một trong hai hồ trữ ngọt lớn nhất miền Tây.
Hai năm trước, tỉnh này cũng đã từng đề xuất ngăn sông Cửa Trung dài khoảng 20 km, là một nhánh sông chia cắt huyện Tân Phú Đông, nằm giữa sông Cửa Đại và Cửa Tiểu - hai nhánh chính của sông Mekong.
Hồ chứa rộng 200-400 m, dài hơn 14 km, hai đầu sẽ đặt hai cống đập Cửa Trung Thượng và Cửa Trung Hạ với tổng kinh phí dự kiến gần 900 tỷ đồng. Hồ sẽ đảm bảo nước ngọt phục vụ sản xuất nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản và nước cho sinh hoạt hơn 44.000 dân huyện Tân Phú Đông vào mùa hạn mặn. Đến nay, dự án vẫn chưa được duyệt.
Mùa hạn mặn năm nay được đánh giá sớm, sâu bất thường và kéo dài khiến 6 tỉnh gồm Tiền Giang, Bến Tre, Long An, Kiên Giang, Cà Mau và Sóc Trăng phải công bố tình huống hạn mặn khẩn cấp. Hạn mặn gây thiệt hại 43.000 ha lúa, 80.000 hộ dân gặp khó khăn về nước sinh hoạt. Chính phủ đã chi 530 tỷ đồng cho 8 tỉnh chống hạn mặn.
Kênh Nguyễn Tấn Thành (đường màu xám) được đề xuất làm hồ nước ngọt. Ảnh: Google maps