Đang tải...

lang-vi
lang-en

Trung tâm quốc gia nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn

National center for rural water supply and environmental sanitation

Thu nhập cao từ nuôi cá chạch sụn

Ngày đăng: 20/09/2017

Năm 2016, huyện ủy Yên Mô đã ban hành Nghị quyết số 06-NQ/HU về phát triển nông nghiệp toàn diện theo hướng sản xuất hàng hóa giai đoạn 2016 - 2020. Trên cơ sở triển khai Nghị quyết này, xã Yên Hòa đã xây dựng Đề án Tái cơ cấu ngành nông nghiệp trên địa bàn xã giai đoạn 2016 – 2020; trong đó, tập trung vào việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi. 
Nắm bắt chủ trương của địa phương, nhiều hộ nông dân ở Yên Hòa đã nghiên cứu, tìm hiểu, nắm bắt được nhu cầu của thị trường và quyết định lựa chọn đưa giống cá chạch sụn vào nuôi thử nghiệm nhằm đánh giá tính thích nghi, hiệu quả kinh tế để nhân rộng. Cá chạch sụn có nguồn gốc xuất xứ từ Đài Loan (Trung Quốc) được đưa về Việt Nam nhân giống. 
Hiện nay trên thị trường, cá chạch sụn được người tiêu dùng ưu chuộng vì đây là một loại cá có thịt thơm ngon, xương mềm và bổ dưỡng. Loại cá này chủ yếu được dùng để chế biến món ăn trong các nhà hàng, khách sạn. 
Trên diện tích gần 1 ha từ việc cải tạo đất nông nghiệp kém hiệu quả, tận dụng ao hồ bỏ không và cả xây dựng bể nuôi công nghiệp, 5 hộ đầu tiên ở xã Yên Hòa đã thử nghiệm loại cá chạch sụn được nhập từ Công ty Cổ phần Vinceo có địa chỉ ở thị trấn Quỹ Nhất, tỉnh Nam Định. 
Anh Hoàng Văn Cảnh, hộ nuôi chạch sụn ở xã Yên Hòa cho biết, cá chạch sụn tương đối dễ nuôi, kỹ thuật nuôi không quá khó. Giá nhập chạch sụn giống dao động từ 300 - 700 đồng/con. Về kỹ thuật, ngoài việc tự mày mò tìm hiểu, các hộ nuôi cá còn được công ty cung ứng nguồn giống và cán bộ Trung tâm khuyến nông tỉnh hướng dẫn trong vấn đề xử lý ao hồ, chăm sóc cá…Đồng thời, người nuôi cần chú ý tới vấn đề xử lý nguồn nước vì thông thường từ 10 – 15 ngày cần phải thay nước ở ao nuôi hoặc bể nuôi để phòng tránh dịch bệnh. 
“Ưu điểm lớn nhất của loại cá này là tăng trọng nhanh, chu kỳ nuôi ngắn, sức đề kháng cao, ít bệnh tật, thịt cá thơm, ngon, bổ dưỡng, giá bán cao, thị trường tiêu thụ thuận lợi”, anh Cảnh chia sẻ. 
 Khác với đặc tính của chạch ta là sinh sống dưới bùn, chạch sụn lại nổi lên mặt nước nên khá thuận lợi cho việc chăm sóc, vệ sinh ao nuôi và phòng trừ dịch bệnh. 
Tuy nhiên, chính vì đặc tính là loài cá da trơn, có tập tính ăn nổi, nên nước hồ nuôi phải sạch, thông thoáng mới đảm bảo để cá phát triển. 
Mật độ nuôi chạch sụn là 40 - 60 con/m2. Chạch sụn cho thu hoạch 2 vụ/năm, từ 4,5 – 5 tháng sẽ được thu hoạch với trọng lượng 20 - 25 con/kg. 
Sau vụ đầu tiên, các hộ nuôi ở xã Yên Hòa thu hoạch khoảng gần 10 tấn/ha với giá bán dao động từ 90.000 - 110.000 đồng/kg, do công ty Cổ phần Vinceo trực tiếp ký hợp đồng và thu mua, đem về thu nhập hàng chục đến hàng trăm triệu đồng/hộ/vụ. 
Gia đình ông Bùi Văn Trọng, xã Yên Hòa thả nuôi chạch sụn trên diện tích 4.000 m2 bao gồm 1.000 m2 ao của gia đình và 3.000 m2 ao thuê của các hộ gia đình trong xã. Vụ vừa qua, ông Trọng thu được khoảng 4 tấn cá chạch sụn. Đầu vào và đầu ra sản phẩm ổn định nên ông rất yên tâm sản xuất. 
Ông Trọng cho biết, đây là loại cá dễ nuôi, cá sinh trưởng, phát triển rất tốt, tỷ lệ sống cao, nhanh lớn và cho lợi nhuận cao gấp nhiều lần so với các loại cá khác. 
Ông Phạm Văn Ngân, Chủ tịch UBND xã Yên Hòa cho biết, xã Yên Hòa đã tập trung tuyên truyền vận động tạo điều kiện cho các hộ gia đình được chuyển nhượng, dồn đổi đất để tập trung ruộng đất xây dựng, phát triển các mô hình chăn nuôi điểm có hiệu quả để nhân rộng. 
Mô hình nuôi cá chạch sụn là một mô hình mới. Sau khi đưa vào thí điểm, mô hình này đã đem lại hiệu quả rất khả quan và cho thấy địa phương có nhiều tiềm năng để nhân rộng, phát triển và hi vọng mô hình sẽ tạo được bước đột phá mới trong nuôi thủy sản trên địa bàn xã nói riêng. 
Trong vụ tới, xã Yên Hòa sẽ mở rộng diện tích nuôi thêm 5 ha và tiến hành thành lập Tổ hợp tác chăn nuôi chạch sụn. Đồng thời, tăng cường tổ chức các lớp tập huấn khoa học kỹ thuật và chủ động nghiên cứu, cung ứng nguồn giống để thúc đẩy phong trào nuôi trồng ngày càng phát triển. 
Hiện nay, không chỉ xã Yên Hòa mà huyện Yên Mô cũng đã có chính sách hỗ trợ một phần vốn cho các hộ nông dân tham gia mô hình nuôi chạch sụn để mô hình được nhân rộng và phát triển. 
Giá trị kinh tế khá cao, được thị trường ưa chuộng, cá chạch sụn đamg là hướng đi mới trong phát triển kinh tế ở xã Yên Hòa nói riêng và toàn tỉnh nói chung. Một số hộ gia đình hạn chế quỹ đất cũng đã tiến hành xây dựng bể lót bạt, xi măng để nuôi chạch sụn theo hướng công nghiệp. 
Thành công bước đầu của mô hình góp phần tạo nên thành công của Đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp của địa phương, góp phần từng bước nâng cao đời sống của người dân./. 

message zalo