Đang tải...

lang-vi
lang-en

Trung tâm quốc gia nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn

National center for rural water supply and environmental sanitation

Thanh Hóa: Xã hội hóa đầu tư cấp nước sạch khu vực nông thôn

Ngày đăng: 14/01/2020

 

Để quản lý, vận hành các công trình cấp nước này, trên địa bàn tỉnh đã hình thành 4 mô hình tổ chức quản lý, vận hành các công trình cấp nước nông thôn, gồm: Doanh nghiệp, đơn vị sự nghiệp công lập, HTX và cộng đồng quản lý. Theo đó, đối với các công trình cấp nước bằng động lực, hiện trên địa bàn tỉnh có 8 công trình do Công ty CP Cấp nước Thanh Hóa quản lý, vận hành; 7 công trình do doanh nghiệp tư nhân quản lý, vận hành; 10 công trình do Trung tâm Nước sinh hoạt và Vệ sinh môi trường nông thôn quản lý và 3 công trình do UBND xã, HTX quản lý. Đối với các công trình cấp nước tập trung tự chảy, thì hầu hết được quản lý theo mô hình cộng đồng.

Theo đánh giá của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, các công trình do doanh nghiệp, Trung tâm Nước sinh hoạt và Vệ sinh môi trường nông thôn quản lý, khai thác, có đội ngũ quản lý, vận hành được đào tạo bài bản, có kỹ thuật và kiến thức về chuyên ngành, nên phát huy được hiệu quả. Đối với các công trình do cộng đồng quản lý thì chỉ phục vụ việc khai thác, không có duy tu, bảo dưỡng, sửa chữa kịp thời, nên nhiều công trình đang trong tình trạng xuống cấp nghiêm trọng, không phát huy hiệu quả.

Để phát huy hiệu quả của các công trình cấp nước sạch nông thôn; đồng thời, huy động nguồn lực đầu tư cho các công trình cấp nước, những năm gần đây, tỉnh Thanh Hóa đã và đang chú trọng thực hiện giải pháp cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư, xã hội hóa lĩnh vực đầu tư cấp nước sạch khu vực nông thôn, nhằm thu hút các nhà đầu tư. Theo đó, tỉnh ta đã thực hiện chính sách hỗ trợ công tác giải phóng mặt bằng, miễn tiền cho thuê đất để xây dựng công trình cấp nước, ưu đãi về thuế thu nhập doanh nghiệp đối với các dự án đầu tư của doanh nghiệp tư nhân theo hình thức xã hội hóa. Cùng với đó, rà soát lại các dự án cấp nước sạch nông thôn đã được chấp thuận chủ trương đầu tư. Đối với các dự án đã phê duyệt chủ trương nhưng không thực hiện theo đúng thời gian quy định cần thu hồi quyết định đầu tư để tạo điều kiện cho các doanh nghiệp thực sự có năng lực, tâm huyết đầu tư. Thực hiện tốt công tác quản lý khai thác nguồn nước, kiểm soát chất lượng nước sạch của các doanh nghiệp quản lý, khai thác công trình nước sạch nông thôn đảm bảo chất lượng để tạo niềm tin của nhân dân trong việc sử dụng nước sạch. Nâng cao trách nhiệm của chính quyền địa phương trong việc tham gia cùng doanh nghiệp để tuyên truyền cho nhân dân hiểu về tầm quan trọng của nước sạch. Từ đó tăng số hộ đấu nối, sử dụng nước sạch, nâng cao hiệu quả của công trình, tạo điều kiện thuận lợi thực hiện công tác xã hội hóa.

Sau thời gian đẩy mạnh thực hiện các giải pháp xã hội hóa đầu tư cấp nước sạch khu vực nông thôn, đến nay, trên địa bàn tỉnh đã có 4 nhà máy nước sạch do các doanh nghiệp tư nhân đầu tư, quản lý, khai thác đang hoạt động hiệu quả, đang mở rộng quy mô cấp nước, 1 nhà máy được giao cho tư nhân quản lý theo hình thức xã hội hóa cũng đang phát huy hiệu quả. Ngoài ra, có 10 dự án được Chủ tịch UBND tỉnh chấp thuận chủ trương đã và đang chuẩn bị được đầu tư. Các dự án được đầu tư chủ yếu là các công trình cấp nước có quy mô liên huyện, liên xã, với tổng số xã được hưởng nước sạch theo thiết kế của các dự án là 68 xã. Hệ thống cấp nước sạch từ công trình cấp nước đô thị của Công ty CP Cấp nước Thanh Hóa cũng được mở rộng cho các xã nông thôn lân cận.

 

message zalo