Thanh Hóa: Phát triển chăn nuôi theo hướng sản xuất hàng hóa
Ngày đăng: 29/03/2017
(Mard-29/03/2017) - Thực hiện các nhiệm vụ tái cơ cấu ngành chăn nuôi đến năm 2020, định hướng đến năm 2025 theo hướng nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả, khả năng cạnh tranh và phát triển bền vững, UBND tỉnh Thanh Hóa đang tập trung nhiều giải pháp nhằm phát triển chăn nuôi theo hướng sản xuất hàng hóa…
Theo đó, thời gian tới UBND tỉnh Thanh Hóa chỉ đạo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh tiếp tục đẩy mạnh tái cơ cấu đàn vật nuôi, tập trung vào các sản phẩm có lợi thế của từng vùng, địa phương gắn với nhu cầu của thị trường. Mặt khác, phấn đấu nâng quy mô đàn lợn hướng nạc lên 360.000 con, gà lông màu 6 triệu con, con nuôi đặc sản: lợn sữa xuất khẩu 275.000 con, lợn mán, lợn rừng 12.750 con, gà ri 454.000, vịt 50.000 con.
Ngoài ra, tỉnh khuyến khích các địa phương chuyển đổi từ chăn nuôi nông hộ nhỏ lẻ, phân tán sang chăn nuôi theo mô hình trang trại, gia trại ứng dụng khoa học kỹ thuật, công nghệ cao đảm bảo an toàn dịch bệnh và thực phẩm. Tỉnh Thanh Hóa tiếp tục tạo điều kiện và khuyến khích các doanh nghiệp đầu tư chăn nuôi theo chuỗi khép kín, liên kết giữa các khâu trong chuỗi giá trị để cắt giảm chi phí, tăng hiệu quả chăn nuôi. Đồng thời phối hợp với các địa phương rà soát và lập quy hoạch vùng chăn nuôi gia súc, gia cầm tập trung theo hướng hiệu quả, an toàn, bền vững...
Đẩy mạnh phát triển các dự án, trang trại chăn nuôi cũng là một trong những nhiệm vụ trọng tâm tỉnh Thanh Hóa sẽ thực hiện nhằm hỗ trợ, khuyến khích các doanh nghiệp đầu tư các dự án về chăn nuôi trên địa bàn tỉnh. Theo đó, tỉnh chỉ đạo Sở Nông Nghiệp và Phát triển nông thôn tiếp tục kết nối với Công ty Cổ phần sữa Việt Nam (Vinamilk) đẩy nhanh tiến độ xây dựng trung tâm các trang trại bò sữa quy mô 16.000 con tại thị trấn Thống Nhất, huyện Yên Định.
Đặc biệt, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tiếp tục đấu mối với Công ty Cổ phần sữa TH True Milk đầu tư phát triển đàn bò sữa vào Thanh Hóa với quy mô cam kết thực hiện 20.000 con, trên cơ sở quy hoạch đã được phê duyệt tại 3 huyện Như Thanh, Như Xuân, Nông Cống. Sở tiếp tục phối hợp với Công ty cổ phần Thức ăn chăn nuôi Thái Dương triển khai Dự án đầu tư Liên hợp sản xuất thức ăn chăn nuôi, chăn nuôi lợn và chế biến nông sản tại xã Minh Tiến, huyện Ngọc Lặc với quy mô 70.00 con lợn và nhà máy sản xuất thức ăn công nghiệp công suất 100.000 tấn/năm.
Ông Mai Thế Sang, Trưởng phòng Chăn nuôi, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Thanh Hóa cho biết, thực hiện các nhiệm vụ nhằm từng bước tái cơ cấu trong phát triển nông nghiệp nói chung và trong lĩnh vực chăn nuôi nói riêng, năm 2016, giá trị sản xuất ngành chăn nuôi ước đạt 5.732 tỷ đồng, tăng 2,6% so với kế hoạch, tăng 4,1% so với cùng kỳ. Tỷ trọng ngành chăn nuôi năm 2016 trong giá trị sản xuất nông nghiệp chiếm 29%. Ngoài ra, tỉnh cũng đã triển khai được 4 trang trại chăn nuôi tập trung, trong đó huyện Vĩnh Lộc đã hoàn thành 2 khu trang trại tập trung tại xã Vĩnh Phúc; huyện Yên Định cũng đưa vào sử dụng 2 khu trang trại tại xã Định Hòa và Yên Lâm….
Các chính sách phát triển chăn nuôi như chính sách hỗ trợ sản xuất giống cây trồng, vật nuôi, chính sách hỗ trợ nâng cao hiệu quả chăn nuôi nông hộ được tỉnh quan tâm thực hiện. Việc quản lý và thanh tra, kiểm tra chất lượng vật tư nông nghiệp, chất cấm trong chăn nuôi được thực hiện thường xuyên, liên tục tại 27 huyện, thị trong tỉnh… Qua báo cáo không phát hiện cơ sở chăn nuôi, kinh doanh thức ăn chăn nuôi, thuốc thu y sử dụng chất cấm trong chăn nuôi…/.