Đang tải...
Ngày đăng: 08/10/2024
Theo thống kê của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, trên địa bàn tỉnh có 554 công trình cấp nước sạch tập trung hoạt động ổn định với tổng công suất thiết kế khoảng 180.000 - 200.000m3/ngày đêm. Các công trình cấp nước tập trung quy mô lớn của các xã, liên xã được quan tâm, đầu tư kinh phí lớn, bố trí nhân lực quản lý hằng ngày nên hoạt động khá hiệu quả.
Còn tại nhiều địa phương miền núi, các công trình cấp nước tuy nhiều nhưng quy mô lại khá nhỏ, công nghệ đơn giản và chỉ có tổ quản lý vận hành. Tuy nhiên, thành viên của các tổ này chưa được đào tạo quản lý bài bản nên các công trình không đem lại hiệu quả cao, nhiều công trình xuống cấp nhưng không có kinh phí để duy tu bảo dưỡng.
Để đáp ứng nhu cầu dùng nước của người dân, tỉnh đã triển khai nhiều dự án phát triển hệ thống cấp nước sạch, đặc biệt là hệ thống cấp nước cho các vùng đô thị và nông thôn. Một số dự án đáng chú ý bao gồm việc xây dựng các công trình cấp nước sạch dọc Quốc lộ 47 và các khu vực lân cận, cùng với sự đầu tư đến từ các tổ chức và cá nhân nhằm tăng cường cung cấp nước sạch cho Nhân dân. Sau đầu tư, các công trình cấp nước tập trung ở nông thôn được giao cho các tổ chức quản lý, vận hành, khai thác dịch vụ cấp nước sạch. Qua rà soát, trên địa bàn tỉnh có 3 dạng mô hình quản lý, sử dụng và khai thác công trình cấp nước sinh hoạt nông thôn đó là: đơn vị sự nghiệp công lập quản lý; doanh nghiệp Nhà nước hoặc công ty cổ phần có vốn Nhà nước quản lý và cộng đồng, HTX quản lý. Trong đó, mô hình doanh nghiệp Nhà nước và công ty cổ phần có vốn Nhà nước được đánh giá là hoạt động hiệu quả nhất, do có nguồn lực và khả năng vận hành chuyên nghiệp. Điều này giúp bảo đảm tính bền vững và liên tục trong việc cung cấp nước sạch. Các mô hình này đều đang hoạt động có hiệu quả, góp phần nâng cao chất lượng cuộc sống cho người dân, giảm dần khoảng cách giữa nông thôn với đô thị.
Hiện, các công trình cấp nước do Trung tâm Nước sinh hoạt và Vệ sinh môi trường nông thôn (NSH&VSMTNT) quản lý, vận hành đã và đang đáp ứng tốt nhu cầu sử dụng cho người dân. Góp phần nâng tỷ lệ dân số nông thôn được sử dụng nước hợp vệ sinh là 97,5%; trong đó, tỷ lệ người dân sử dụng nước hợp vệ sinh từ công trình cấp nước tập trung là 32,4%; 65,1% dân số sử dụng nước hợp vệ sinh từ công trình cấp nước nhỏ lẻ.
Phó giám đốc Trung tâm NSH&VSMTNT Lê Văn Nghĩa cho biết: Để nâng cao hiệu quả quản lý, vận hành, khai thác, sử dụng bền vững các công trình cấp nước sạch tập trung, trung tâm chú trọng đến đào tạo chuyên môn, kỹ thuật cho đội ngũ cán bộ quản lý; đồng thời, xây dựng vững chắc “nền móng” hệ thống quy chế chặt chẽ từ chức năng, nhiệm vụ đến kế hoạch vận hành nhà máy sao cho đúng lộ trình, tránh thất thu và thất thoát nguồn nước sạch. Trung tâm cũng chủ động phối hợp với các đơn vị liên quan để xây dựng cơ chế nhằm hỗ trợ ban quản lý, vận hành công trình nguồn kinh phí thực hiện bảo dưỡng, sửa chữa và quản lý vận hành công trình. Chú trọng sử dụng nguồn vốn ngân sách vào các công trình bị hư hỏng tại địa bàn miền núi để đầu tư, nâng cấp, sửa chữa, góp phần nâng cao chất lượng đời sống và đáp ứng nhu cầu của người dân.