Đang tải...
Ngày đăng: 11/08/2017
Hiện mô hình này đã giúp nhiều hộ vượt qua đói nghèo, điển hình như gia đình anh Đỗ Hữu Thanh thu nhập khoảng 100 triệu/năm; anh Đỗ Hữu Hân thu nhập khoảng 400 triệu/năm; anh Đỗ Hữu Nhung thu nhập khoảng 700 triệu/năm.
Xã Thiệu Hợp là địa phương thuần nông, diện tích đất sản xuất nông nghiệp khiêm tốn, bình quân mỗi khẩu chỉ canh tác trên diện tích gần 1 sào, do đó muốn phát triển kinh tế người dân địa phương phải luôn tìm tòi, học hỏi và tìm việc làm mới.
Ngoài các nghề chính như chăn nuôi nông hộ, trồng lúa, hoa màu, nhiều gia đình ở địa phương còn đi làm ăn buôn bán khắp nơi. Trong hành trình mưu sinh ấy, nhiều nghề mới được các gia đình trong xã học hỏi, để mang về áp dụng tại địa phương, cụ thể như mô hình nuôi ba ba gai và rùa câm đã giúp nhiều hộ dân vươn lên làm giàu.
Trong một lần về thăm cơ sở chăn nuôi của gia đình anh Đỗ Hữu Thanh, thôn Nam Bằng 2, xã Thiệu Hợp, chúng tôi được anh chia sẻ về quá trình lập nghiệp đầy khó khăn, vất vả khi gắn bó với nghề. Tuy không phải là hộ nuôi nhiều ở xã do diện tích hạn hẹp, nhưng anh lại là một trong những hộ đầu tư hiệu quả.
Cách đây gần 10 năm, khi đi mua phế liệu giáp biên giới Lào, anh đã tình cờ mua được mấy kg ba ba, đưa về xuôi bán kiếm đồng lời, những con còn nhỏ, khách hàng loại ra anh đem nuôi lại trong ao nhà chờ khi được giá lại xuất ra bán.
Tại thời điểm này, giá ba ba gai trên thị trường đang cực kỳ khan hiếm, đắt đỏ nên một vài gia đình có điều kiện ở xã đã mua con giống về nuôi, chăm sóc cho sinh sản để bán kiếm lời, và anh Thanh cũng bắt đầu nghề nuôi ba ba đầy duyên nợ này.
Ban đầu, không có điều kiện nuôi thương phẩm nên gia đình anh Thanh chỉ nuôi sinh sản, anh lý giải cho các ô chuồng nhỏ để thuần con bố mẹ sẽ tốt hơn vì mỗi con như vậy có giá trị lớn hơn 10 triệu đồng, hơn nữa chỉ cần môi trường nhỏ như vậy để vừa dễ quản lý, theo dõi, ô chuồng nhỏ, có mái che còn ấm về mùa đông và mát về mùa hè.
Anh bắt đầu khởi nghiệp khi chỉ có 5 con giống ban đầu với tổng trọng lượng chưa đầy 1,5 kg, sau 2 năm chăm sóc, từ những con nhỏ, đàn ba ba của anh dần lớn lên khoảng 2 kg mỗi con và bắt đầu cho sinh sản.
Cùng với ba ba, anh Thanh còn nuôi thêm con rùa câm, mỗi ô chuồng được anh cho xây ngăn với nhau bằng gạch có diện tích mỗi ô là 6 m2 để nuôi 5 con giống bố mẹ. Tại các ô chuồng, anh Thanh ngăn thành 2 khu vực, một bên khoảng 1 m2 có nền cao hơn đổ cát và để khô ráo là nơi ba ba lên đẻ trứng, bên còn lại là phần sinh sống chủ yếu của ba ba được đổ cát dày 20 cm và ngập nước từ 30 đến 50 cm.
Nhờ sự kiên trì, chịu khó trong chăn nuôi, số lượng con ba ba và rùa câm ngày một tăng lên với hơn 30 đôi ba ba bố mẹ có trọng lượng từ 3,5 đến 7 kg mỗi con, 23 đôi rùa giống bố mẹ, mỗi năm anh thu nhập khoảng 100 triệu.
Anh Thanh cho biết, bình thường con ba ba ẩn mình dưới lớp cát hay ngâm mình trong nước, thường ra kiếm ăn vào chiều tối, vì vậy đây cũng là thời gian cho ăn. Thức ăn chủ yếu của chúng là các loại cá biển nhỏ, giun đất với khẩu phần tùy thuộc vào trọng lượng mỗi con. Cách chăm sóc rất đơn giản, cứ 2 ngày cho ăn một lần, mỗi con có trọng lượng 5 kg cho ăn khoảng 1 lạng cá mồi/lần. Về vệ sinh chuồng trại cứ mỗi tháng ông lại xới lớp cát trong mỗi ô chuồng và thay nước cho đến khi hết những chất thải mà con nuôi bài tiết ra.
Nói về sự sinh sản và hiệu quả khi thực hiện mô hình nuôi con ba ba, kết hợp rùa câm, anh Thanh phân tích, vào đầu mùa hạ là ba ba bắt đầu sinh sản và chúng biết tự trườn mình lên phần cát khô đã được xây ngăn cách trong bể để sinh sản bởi loại vật nuôi này là động vật hoang dã nên chúng không biết ấp trứng mà chỉ dùng chân vùi dưới cát rồi để cho phát triển tự nhiên. Chính vì điều này nên ngoài tự nhiên số lượng con giống không nhiều.
Anh Thanh và các hộ nuôi tại đây đã có nhiều kinh nghiệm trong việc cho ba ba sinh sản nên ngay sau khi chúng đẻ trứng đã được đưa ra một chậu cát khô và để trong nhà luôn duy trì ở nhiệt độ vừa phải khoảng 28 đến 35 độ là tốt nhất.
Gần đến thời gian trứng nở khoảng 50 ngày thì đặt một bát nước ngay với mặt cát để khi nở là con non sẽ bò xuống nước ngay tránh bị chết vì thiếu nước. Nhờ thực hiện thành công mô hình nuôi ba ba và rùa câm này, anh Thanh đã có đủ điều kiện để lo cho gia đình, cuộc sống nay đã no ấm hơn, thu nhập của anh mỗi năm từ nuôi con ba ba khoảng 100 triệu.
Bên cạnh đó, phương pháp nuôi ba ba, rùa câm với thương phẩm thì hiệu quả và quy mô nhất là gia đình anh Đỗ Hữu Nhung. Khởi đầu khó khăn khi không có nhiều vốn mua con giống, nhưng nhờ sự kiên trì trong công việc, chuồng nuôi của anh Nhung dân mở rộng với nhiều lứa baba, rùa câm ra đời và xuất bán ra thị trường.
Hiện với gần 500 con bố mẹ, hàng ngàn con thương phẩm mỗi năm đang đem về cho gia đình anh nguồn thu 700 triệu đồng, ngoài ra anh còn là đầu mối cung cấp giống cho người nuôi khắp nơi và thu mua lại hàng thương phẩm của bà con trong vùng. Hay gia đình anh Đỗ Hữu Hân với 300 con giống bố mẹ, trên 1.000 con thương phẩm mỗi năm lãi gần 400 triệu đồng...
Ông Trịnh Đình Tình, Chủ Tịch Hội nông dân xã Thiệu Hợp, huyện Thiệu Hóa cho biết: “Mô hình nuôi ba ba gai và rùa câm đang là con nuôi đặc sản đem lại thu nhập cao cho người dân trong xã, hiện cả xã có 176 hộ đang nuôi với hàng vạn con. Đây là loại động vật hoang dã quý hiếm nên chúng tôi thường xuyên theo dõi việc phát triển đàn con nuôi này, đồng thời phối hợp với cán bộ nghiệp vụ để hướng dẫn bà con đăng ký với cơ quan quản lý nhà nước nuôi hợp lệ".
Cùng với đó, Hội nông dân xã luôn làm tốt việc khai thác các nguồn vốn từ tín chấp, ủy thác và nguồn Quỹ hỗ trợ nông dân để bà con vay trên 11,5 tỷ đồng để có nguồn lực đầu tư. Hàng năm, Hội nông dân xã tổ chức 8 lớp tập huấn chuyển giao tiến bộ khoa học kỹ thuật cho trên 100 lượt hội viên, nông dân và liên hệ để các hộ chăn nuôi tham quan học tập trao đổi kinh nghiệm, trao đổi hàng hóa với nhiều địa phương trong cả nước./.