Đang tải...

lang-vi
lang-en

Trung tâm quốc gia nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn

National center for rural water supply and environmental sanitation

Thanh Hóa: Khắc phục khó khăn, cấp nước sạch cho Nhân dân trong mùa nắng nóng

Ngày đăng: 29/07/2024

 

Thực hiện ý kiến chỉ đạo của UBND tỉnh Thanh Hóa, các năm vừa qua, nhà máy đã phối hợp với một số xã của huyện Hậu Lộc, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc để hoàn thành cấp nước bảo đảm chất lượng, tiến độ, phục vụ XDNTM. Nhờ sự phối hợp đồng bộ, hiệu quả từ các ngành liên quan cấp tỉnh, huyện Hậu Lộc, Nhà máy nước sạch Hậu Lộc và sự nỗ lực quyết tâm của cấp ủy, chính quyền, sự đồng tình ủng hộ của người dân, huyện Hậu Lộc đã hoàn thành 9/9 tiêu chí huyện NTM. Ngày 19/6/2024, Hội đồng thẩm định Trung ương đã họp, bỏ phiếu thống nhất công nhận huyện Hậu Lộc đạt chuẩn NTM.

Thực hiện các thông tư của Bộ Y tế, quy định việc kiểm tra giám sát chất lượng nước sạch sử dụng cho mục đích sinh hoạt, chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường công tác quản lý hoạt động sản xuất, kinh doanh (SXKD) nước sạch, bảo đảm cấp nước an toàn, liên tục, kế hoạch của Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa về tăng cường công tác quản lý hoạt động SXKD nước sạch, bảo đảm cấp nước an toàn, liên tục, Nhà máy nước sạch Hậu Lộc theo định kỳ đã gửi mẫu xét nghiệm chất lượng nước, kiểm tra mức độ an toàn lao động, vệ sinh ngoại cảnh, vệ sinh nguồn nước đầu vào để kịp thời ngăn ngừa và loại trừ những nguyên nhân ảnh hưởng đến chất lượng nguồn nước...

Trao đổi với chúng tôi, bà Trịnh Thị Hoa, Giám đốc Nhà máy nước sạch Hậu Lộc, cho biết: Xác định đáp ứng nhu cầu sử dụng nước sạch phục vụ phát triển kinh tế, dân sinh và XDNTM là nhiệm vụ quan trọng của nhà máy, các năm vừa qua, Nhà máy nước sạch Hậu Lộc đã huy động các nguồn lực tài chính, máy móc, thiết bị chuyên dùng, kỹ sư, công nhân khắc phục khó khăn, hoàn thành thi công mở rộng mạng lưới; đấu nối đường ống cấp nước sạch đảm bảo tiến độ và chất lượng. Nhà máy đã triển khai giải pháp để đảm bảo người dân được sử dụng nước sạch theo tiêu chí an toàn bền vững nhất. Cụ thể, đơn vị đã xây dựng kế hoạch cấp nước an toàn, lên kịch bản cho những sự cố, chủ động nguồn nước thô để dự phòng cho những tình huống nguồn nước nguồn gặp vấn đề. Đầu tư công nghệ lắng lọc Lamella. Kết quả, chất lượng nước sinh hoạt đảm bảo theo quy định của UBND tỉnh Thanh Hóa. Nhà máy đã lấy mẫu làm xét nghiệm 99 chỉ tiêu nước sạch, được Sở Y tế Thanh Hóa tiếp nhận hồ sơ công bố hợp quy sản phẩm nước sạch sử dụng cho mục đích sinh hoạt. Các chỉ tiêu phân tích đạt tiêu chuẩn theo quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về chất lượng nước. Để đảm bảo chất lượng nước sạch phục vụ người dân và các đơn vị trên địa bàn, nhà máy đã tiến hành theo dõi kiểm soát chất lượng nước cấp hàng ngày và ký hợp đồng với Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Thanh Hóa để thực hiện công tác xét nghiệm, giám sát chất lượng nước sạch 1 tháng/1 lần xét nghiệm các chỉ tiêu nhóm A; 6 tháng/1 lần xét nghiệm các chỉ tiêu nhóm B; 3 năm 1 lần xét nghiệm toàn bộ 99 chỉ tiêu. Ngoài ra, đơn vị cũng đang tiến hành cải tạo, nâng cấp công suất nhà máy kịp thời đáp ứng sự phát triển kinh tế - xã hội địa phương và góp phần nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân. Trong quá trình cấp nước luôn tiến hành kiểm tra, ghi nhận các ý kiến của khách hàng, xử lý kịp thời những sự cố nhằm đảm bảo cấp nước liên tục, đặc biệt trong mùa nắng nóng.

Khó khăn trong SXKD của nhà máy hiện nay là tỷ lệ dùng nước sạch do nhà máy cung cấp đạt thấp. Nguyên nhân dẫn đến việc người dân trên địa bàn huyện ít sử dụng nước sạch trước hết là do nhận thức của người dân về vai trò của nước sạch đối với đời sống, sức khỏe còn hạn chế. Do cuộc sống của người dân vùng nông thôn còn khó khăn, nhiều hộ có người đi làm ăn xa nên người ở nhà tiêu thụ ít; phần lớn các hộ dân vẫn duy trì thói quen sử dụng nước giếng khoan và nước mưa trong sinh hoạt hàng ngày... Các nguồn nước nói trên mới chỉ đạt yêu cầu nước hợp vệ sinh, chưa đạt yêu cầu về nước sạch theo tiêu chuẩn của Bộ Y tế, đồng nghĩa với việc chưa đảm bảo an toàn về chất lượng nguồn nước cũng như vấn đề sức khỏe của cộng đồng. Mặc dù đầu tư nguồn vốn lớn để cải tạo, nâng cấp nhà máy nước sạch và đường ống dẫn nước sạch đến các xã, nhưng lượng nước bán đến các hộ dân ít, gây nhiều khó khăn cho SXKD của nhà máy. Cụ thể, tháng 7/2024, tiêu thụ của nhà máy mới chỉ đạt gần 2.650m3/ngày đêm (năng lực hiện có là 5.000m3/ngày đêm); lượng khách đạt khoảng 6.000 hộ. Trong đó, hơn 30% số hộ đã đấu nối lắp đặt nước sạch nhưng chưa sử dụng; khoảng 25% số hộ đấu nối lắp đặt dùng nước dưới 4m3/tháng... Doanh thu mỗi tháng của Nhà máy nước sạch Hậu Lộc chỉ đạt khoảng hơn 500 triệu đồng...

Vì thế, nhà máy kiến nghị các cấp, các ngành chức năng trên địa bàn huyện Hậu Lộc cần tăng cường công tác tuyên truyền nâng cao nhận thức của người dân nông thôn về sử dụng nước sạch nhằm cải thiện chất lượng cuộc sống và bảo vệ sức khỏe con người. Tạo thói quen sử dụng nước tiết kiệm. Đẩy mạnh công tác xã hội hóa đầu tư, nâng cấp, sửa chữa các công trình nước sạch ở nông thôn, đáp ứng nhu cầu nước sạch phục vụ phát triển kinh tế - xã hội địa phương.

 

message zalo