Đang tải...
Ngày đăng: 17/03/2017
(Mard-17/03/2017) - Ngày 17/3, tại Hà Nội, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã tổ chức Hội nghị tham vấn ý kiến về dự thảo kế hoạch cơ cấu lại ngành nông nghiệp giai đoạn 2016-2020. Nhiều đại biểu đã đóng góp những ý kiến quan trọng mà ngành cần phải sửa đổi và thực hiện trong thời gian tới như vấn đề đất đai, tín dụng, cơ chế chính sách, phương thức sản xuất… cho phù hợp với tình hình hiện tại cũng như hội nhập quốc tế.
Ông Nguyễn Xuân Dương, Phó Cục trưởng Cục Chăn nuôi cho rằng, điểm quan trọng nhất mà ngành nông nghiệp cần triển khai trong thời gian tới là xác định rõ thị trường và chế biến sâu cho sản phẩm nông nghiệp, đây là hai khâu yếu nhất hiện nay. Bên cạnh đó, vấn đề chất lượng của nông sản cần phải kiểm soát chặt, nếu không sẽ mất hết thị trường cả trong và ngoài nước.
Liên quan đến vấn đề đất đai, ông Dương cho rằng, nếu các doanh nghiệp lớn đầu tư vào nông nghiệp thì đã thấy rõ hiệu quả kinh tế nhưng liệu nông dân nằm trọng dự án đó có việc làm hay không? Thực tế, đã có nhiều dự án sau khi triển khai thì nông dân không có việc làm. Do đó, theo ông Dương cần áp dụng tích tụ ruộng đất “mềm”, tức là doanh nghiệp nhận nông dân vào làm công nhân tại các dự án đó. Thực tế, tỉnh Hà Nam đã và đang triển khai rất tốt cách làm này.
Đối với lĩnh vực chăn nuôi, ông Dương nhấn mạnh, cần xác định rõ phân khúc của thị trường để từ đó tái cơ cấu lại vật nuôi. Hiện nay, vật nuôi quan trọng nhất vẫn là lợn và gia cầm. Đối với vùng nuôi cần chú ý và phát triển tại các vùng đất rộng, có tiềm năng như khu vực Tây Nguyên, miền núi phía Bắc, Duyên hải miền Trung. Đây là những vùng lâu nay chưa được chú trọng…
Nhìn từ thực tế địa phương, ông Bùi Như Ý, Phó giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Vĩnh Phúc cho rằng, cần có cơ chế đột phá trong lĩnh vực đất đai thì mới tái cơ cấu được. Hiện nay, diện tích đất nông nghiệp tại Vĩnh Phúc chỉ chiếm 10%, nhưng kết quả thực hiện tái cơ cấu thời gian qua thì chưa rõ rệt. Thực tế, nhiều nông dân đã mạnh dạn chuyển đổi cây trồng trên đất lúa kém hiệu quả lâu nay nhưng cơ chế chính sách thì vẫn chưa có.
Do đó, ông Ý cho rằng dự thảo cần ghi rõ “chuyển mạnh diện tích trồng lúa kém hiệu quả sang cây trồng khác” chứ không phải rà soát như hiện nay. Đồng thời, cần ghi rõ mục tiêu giảm diện tích trồng lúa là bao nhiêu…
Theo dự thảo kế hoạch cơ cấu lại ngành nông nghiệp giai đoạn 2016-2020, mục tiêu đến năm 2020, xây dựng nền nông nghiệp phát triển toàn diện theo hướng hiện đại, bền vững, sản xuất hàng hóa lớn trên cơ sở phát huy các lợi thế so sánh và tổ chức lại sản xuất.
Bên cạnh đó, áp dụng khoa học công nghệ để tăng năng suất, chất lượng, hiệu quả và khả năng cạnh tranh cao, đảm bảo vững chắc an ninh lương thực quốc gia cả trước mắt và lâu dài, đáp ứng nhu cầu đa dạng trong nước và xuất khẩu. Đồng thời, nâng cao thu nhập và đời sống của dân cư nông thôn; bảo vệ và sử dụng hiệu quả, bền vững các nguồn tài nguyên thiên nhiên và môi trường.
Mục tiêu cụ thể, đến năm 2020 tốc độ tăng GDP toàn ngành đạt tối thiểu 3%; tốc độ tăng năng suất lao động nông lâm thủy sản bình quân hàng năm đạt trên 3,5%. Tỷ trọng lao động nông nghiệp giảm xuống dưới 40%, tỷ lệ nông dân được đào tạo nghề nông đạt trên 35%...
Theo bà Nguyễn Thị Hồng, Vụ trưởng Vụ Kế hoạch, Ban soạn thảo sẽ tiếp thu những đóng góp của các đại biểu cho dự thảo. Sau đó, sẽ lấy ý kiến rộng rãi của các bộ, ngành để hoàn chỉnh dự thảo trình Thủ tướng Chính phủ./.