Đang tải...

lang-vi
lang-en

Trung tâm quốc gia nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn

National center for rural water supply and environmental sanitation

Tây Ninh: Nước sạch cho khu vực nông thôn - Nhu cầu còn rất lớn

Ngày đăng: 26/02/2024

Những năm qua, trên địa bàn tỉnh Tây Ninh, nhiều công trình cấp nước sạch nông thôn tập trung được đầu tư xây dựng, nâng cấp, sửa chữa- nhất là ở vùng sâu, vùng xa, vùng có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn.

Bên cạnh đó, chính sách hỗ trợ hệ thống xử lý nước sinh hoạt hộ gia đình cũng đã tạo điều kiện cho người dân khu vực nông thôn được tiếp cận với nước sạch, bảo đảm chất lượng, vệ sinh, tạo sự công bằng giữa hộ dân nông thôn trong và ngoài vùng quy hoạch cấp nước của hệ thống cấp nước tập trung. Nhờ đó, tỷ lệ người dân vùng nông thôn trên địa bàn tỉnh được sử dụng nguồn nước hợp vệ sinh ngày càng được nâng lên, góp phần bảo đảm sức khoẻ, đời sống cho người dân.

Trên 68% người dân khu vực nông thôn được sử dụng nước sạch

Theo báo cáo của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT), trên địa bàn tỉnh hiện có 79 công trình cấp nước, trong đó, 73 công trình do Trung tâm Nước sạch và Vệ sinh môi trường nông thôn (thuộc Sở NN&PTNT) quản lý, 5 công trình do UBND cấp xã quản lý và 1 công trình do hợp tác xã quản lý.

Tính đến cuối năm 2023, tỷ lệ dân cư nông thôn sử dụng nước hợp vệ sinh đạt 99,6%, trong đó, tỷ lệ dân cư nông thôn sử dụng nước sạch theo quy chuẩn đạt 68%, tại các xã nông thôn mới bảo đảm đạt từ 65% trở lên.

Trong năm 2023, Trung tâm Nước sạch và Vệ sinh môi trường nông thôn tiếp nhận vận hành, đưa vào khai thác 3 công trình cấp nước, gồm: Hệ thống cấp nước Khu đô thị Mộc Bài với công suất thiết kế 7.000m3/ngày.đêm, cấp nước cho 3.000 hộ dân khu vực xã An Thạnh thuộc huyện Bến Cầu và xã Phước Chỉ, Phước Bình thuộc thị xã Trảng Bàng;

trình cấp nước ấp Trảng Trai với công suất thiết kế 168m3/ngày.đêm, cấp nước cho 100 hộ dân khu vực ấp Trảng Trai, xã Tân Hoà, huyện Tân Châu; Công trình cấp nước Khu dân cư Cầu Sài Gòn 2 (ấp Cây Khế) với công suất thiết kế 2.300m3/ngày.đêm, cấp nước cho 2.685 hộ dân khu vực 4 ấp: Cây Khế, Cây Cầy, Con Trăn, Tân Thuận thuộc xã Tân Hoà, huyện Tân Châu.

Thực hiện chính sách hỗ trợ hệ thống xử lý nước hộ gia đình nông thôn theo Quyết định số 05/2018/QĐ-UBND ngày 21.3.2018 của UBND tỉnh, các huyện, thị xã và thành phố cũng đã hỗ trợ lắp đặt 6.452 hệ thống xử lý nước hộ gia đình nông thôn, đạt 40,75% so với mục tiêu đề ra. Tổng kinh phí thực hiện là 38,712 tỷ đồng, trong đó, ngân sách Nhà nước hỗ trợ hơn 36,55 tỷ đồng (chiếm 94,42%).

Việc hỗ trợ này giúp người dân khu vực nông thôn được tiếp cận và sử dụng nguồn nước bảo đảm chất lượng, an toàn, vệ sinh, góp phần thực hiện tiêu chí 17.1 trong Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới.

Chưa đáp ứng được nhu cầu của người dân

Ông Nguyễn Đình Xuân- Giám đốc Sở NN&PTNT cho biết, mặc dù các trạm cung cấp nước sạch đã được bao phủ rộng khắp các vùng nông thôn, nhưng nhìn chung, số hộ dân nông thôn sử dụng nước từ nguồn cung cấp này vẫn hạn chế.

Riêng huyện Gò Dầu, đến nay vẫn chưa có công trình cấp nước tập trung khu vực nông thôn. Bên cạnh đó, các khu vực như xã Trà Vong, huyện Tân Biên; Long Thuận, Long Chữ, Long Khánh, huyện Bến Cầu vẫn còn xảy ra tình trạng thiếu nước vào mùa khô.

Ông Nguyễn Đình Xuân thông tin, trên địa bàn tỉnh hiện có 3 công trình cấp nước không hoạt động. Thứ nhất, công trình cấp nước ấp Tân Lâm, xã Tân Hà, huyện Tân Châu với mục tiêu cấp nước cho khoảng 370 hộ ở khu dân cư ấp Tân Lâm, xã Tân Hà, do địa phương chưa bố trí, sắp xếp dân tái định cư.

Thứ hai, công trình cấp nước ấp Tân Hoà, xã Tân Bình, thành phố Tây Ninh đã bàn giao vùng cấp nước cho Công ty cổ phần cấp thoát nước tỉnh Tây Ninh phục vụ người dân, đang trong quá trình thực hiện thanh lý theo quy định.

Cuối cùng là công trình cấp nước Khu công nghiệp Chà Là, xã Chà Là, huyện Dương Minh Châu được bàn giao từ năm 2018 cho Trung tâm Nước sạch và Vệ sinh môi trường nông thôn quản lý vận hành. Tuy nhiên, khi đưa vào hoạt động, công trình chỉ cấp nước cho khoảng 10 hộ dân trên phạm vi tuyến ống dẫn đến hiệu quả hoạt động kém.

Ngoài ra, vẫn còn một số công trình cấp nước hoạt động kém bền vững hoặc không hoạt động do khu vực nông thôn dân cư thưa thớt, chi phí đầu tư đấu nối tuyến ống tương đối cao, tỷ lệ người dân sử dụng chưa bảo đảm tỷ lệ đấu nối đạt tối thiểu 60% dẫn đến nguồn thu tiền nước không bảo đảm bù đắp các khoản chi phí vận hành, bảo trì công trình cấp nước.

Số hộ dân sử dụng nước từ công trình cấp nước sạch nông thôn đạt 89,87% số hộ thiết kế.

Theo ông Nguyễn Đình Xuân, đa số các công trình cấp nước hiện có trên địa bàn tỉnh được đầu tư xây dựng từ rất lâu (khoảng những năm 2000), có công nghệ xử lý nước đơn giản, quy mô, công suất nhỏ (từ 50 đến 500m3/ngày.đêm, cấp nước cho khu vực dân cư tập trung từ 50-500 hộ dân); công nghệ lạc hậu, trang thiết bị xuống cấp theo thời gian, thường xuyên xảy ra hư hỏng.

Trên thực tế, có một số hạng mục công trình, thiết bị đã xuống cấp dẫn đến tình trạng thất thoát, thất thu nước sạch; đặc biệt ảnh hưởng biến đổi khí hậu, mực nước ngầm hạ thấp dẫn đến thiếu nguồn nước cung cấp đầu vào; chưa đáp ứng nhu cầu sử dụng nước sạch ngày càng tăng cao của người dân.

Nhiều chính sách khuyến khích, hỗ trợ người dân được sử dụng nước sạch

Theo Giám đốc Sở NN&PTNT, để bảo đảm cấp nước an toàn cho khu vực nông thôn trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2024-2028, ngày 12.12.2023, UBND tỉnh đã ban hành Kế hoạch số 4064/KH-UBND, trong đó, mục tiêu cụ thể đến năm 2025: 100% dân số nông thôn trên địa bàn tỉnh được sử dụng nước hợp vệ sinh; tỷ lệ hộ dân nông thôn được sử dụng nước sạch theo quy chuẩn đạt 72% và giảm tỷ lệ thất thoát, thất thu nước sạch tại các công trình cấp nước nông thôn còn 15%.

Để đạt được mục tiêu đề ra, cũng như khắc phục những khó khăn, tồn tại, ông Nguyễn Đình Xuân cho biết, trong giai đoạn tới, Sở sẽ tiếp tục rà soát, đề xuất sửa chữa, nâng cấp, hoàn thiện các công trình cấp nước theo hướng hiện đại, đồng bộ, gắn với hệ thống giám sát vận hành công trình.

Bên cạnh đó, Sở tham mưu UBND tỉnh, đề xuất đầu tư xây mới các công trình cấp nước có quy mô lớn, mang tính đồng bộ, liên xã, liên huyện, kết nối với các công trình cấp nước hiện hữu để công trình hoạt động hiệu quả, bền vững.

Trong đó, ưu tiên đầu tư các công trình cấp nước, tạo nguồn cấp nước tại các khu vực nhiễm phèn, khan hiếm nguồn nước sạch, vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn tỉnh và tăng cường ứng dụng khoa học công nghệ vào công tác quản lý, nhất là quản lý mạng lưới cấp nước trên cơ sở ứng dụng hệ thống thông tin địa lý.

Để thực hiện tốt tiêu chí về nước sạch trong xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021-2025, Sở NN&PTNT đã tham mưu UBND tỉnh trình HĐND tỉnh ban hành Nghị quyết số 56/2023/NQ-HĐND về chính sách hỗ trợ hệ thống xử lý nước sinh hoạt hộ gia đình nông thôn trên địa bàn tỉnh, với mục tiêu hỗ trợ hệ thống xử lý nước sinh hoạt hộ gia đình cho khoảng 6.684 hộ dân nông thôn thuộc các đối tượng nằm ngoài phạm vi cấp nước của các công trình cấp nước tập trung, với tổng kinh phí 40.104 triệu đồng.

Song song đó, Nghị quyết số 64/2023/NQ-HĐND quy định chính sách hỗ trợ giá nước sạch sinh hoạt khu vực nông thôn trên địa bàn tỉnh đến năm 2025 (áp dụng từ ngày 1.1.2024) sẽ giúp các đối tượng thuộc gia đình có công với cách mạng; hộ đồng bào dân tộc thiểu số; hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ nông nghiệp, lâm nghiệp, ngư nghiệp có mức sống trung bình trên địa bàn tỉnh được hỗ trợ 4.000 đồng/m3. Hộ gia đình thuộc khu vực nông thôn còn lại không thuộc đối tượng nêu trên là 3.000 đồng/m3. Định mức hỗ trợ không quá 10m3/hộ/tháng.

 

message zalo