Đang tải...
Ngày đăng: 11/06/2018
Tham dự hội thảo có hơn 90 đại biểu đến từ Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Y tế, Bộ giáo dục và đào tạo; Trung tâm Quốc gia Nước sạch và Vệ sinh môi trường nông thôn và các sở, ban ngành gồm Sở nông nghiệp và phát triển nông thôn, Sở Y tế, sở Giáo dục và Đào tạo, Trung tâm nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn và Chi cục thủy lợi của 14 tỉnh miền núi phía Bắc thực hiện chương trình.
Tập huấn hướng dẫn thực hiện Chương trình mở rộng quy mô vệ sinh và nước sạch nông thôn dựa trên kết quả đầu ra tập trung vào các nội dung: (i) Hướng dẫn thực hiện tham vấn và tham gia của người dân tộc thiểu số và lồng ghép giới trong các hoạt động của Chương trình; (ii)Trình bày và thảo luận các mối liên hệ giữa dinh dưỡng với nước sạch và vệ sinh; (iii) Cập nhật các thay đổi về sổ tay hướng dẫn thực hiện Chương trình.
Với vai trò là đơn vị hỗ trợ kỹ thuật hợp phần cấp nước và truyền thông, Trung tâm Quốc gia nước sạch và Vệ sinh môi trường nông thôn đã tham gia giải đáp các thắc mắc của địa phương về những thay đổi trong sổ tay hướng dẫn thực hiện dự án và các vấn đề liên quan đến công tác báo cáo thực hiện Chương trình.
Theo kế hoạch, sau lớp tập huấn tại Sapa, một lớp tập huấn tương tự sẽ được tổ chức từ ngày 11 đến ngày 12/6 tại thành phố Buôn Ma Thuật cho 7 tỉnh còn lại thực hiện Chương trình thuộc khu vực Tây Nguyên và Nam Trung Bộ.
Chương trình Mở rộng quy mô vệ sinh và nước sạch nông thôn dựa trên kết quả đầu ra, vay vốn Ngân hàng thế giới (RB-SupRSWS) được triển khai tại 21 tỉnh miền núi phía Bắc, Tây Nguyên và Nam Trung Bộ theo Quyết định phê duyệt số1415/QĐ-TTg của Thủ tướng chính phủ và Quyết định phê duyệt Văn kiện Chương trình số 3606/QĐ-BNN-HTQT của Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn.
Chương trình được thiết kế gồm có 03 Hợp phần: Hợp phần 1. Cấp nước nông thôn; Hợp phần 2. Vệ sinh nông thôn; Hợp phần 3. Nâng cao năng lực truyền thông, giám sát, đánh giá với mục tiêu cung cấp 255.000 đấu nối nước hoạt động; 680 xã đạt vệ sinh toàn xã; 400.000 nhà tiêu hợp vệ sinh hộ gia đình được xây mới hoặc cải tạo; 2650 công trình vệ sinh công cộng được xây mới hoặc cải tạo; giảm mạnh phóng uế bừa bãi và tăng mạnh tỷ lệ dân số thường xuyên thực hành hành vi vệ sinh tốt.
Ước tính số người hưởng lợi từ Chương trình là 5.300.000 người hưởng lợi từ Vệ sinh toàn xã; 255.000 hộ gia đình hưởng lợi từ cấp nước được cải thiện; 2.650 trường học và trạm y tế hưởng lợi từ công trình cấp nước và vệ sinh; 3.000 cán bộ/người dân ở tất cả các cấp hưởng lợi từ nâng cao năng lực.
Đây là Chương trình giải ngân dựa trên kết quả đạt được, do vậy các tỉnh sẽ được ứng tối đa 25% tổng kinh phí để triển khai các hoạt động và chỉ được giải ngân tiếp sau khi hoàn thành các chỉ số kiểm đếm.