Đang tải...
Ngày đăng: 28/11/2022
TẠO HÀNH LANG PHÁP LÝ ĐỒNG BỘ, THỐNG NHẤT
Dự thảo Luật Tài nguyên nước sửa đổi gồm 10 chương và 87 điều. Trong đó, giữ nguyên 19 điều, sửa đổi, bổ sung 55 điều, bổ sung mới 13 điều và bãi bỏ 05 điều so với Luật Tài nguyên nước năm 2012.
Mục tiêu của việc sửa đổi Luật Tài nguyên nước là tạo lập hành lang pháp lý đồng bộ, thống nhất, phù hợp với thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa; chú trọng phòng ngừa, kiểm soát và phục hồi các nguồn nước bị suy thoái, cạn kiệt và ô nhiễm.
Đồng thời, phân định rõ trách nhiệm quản lý nguồn nước và trách nhiệm quản lý công trình khai thác nước cả Trung ương và địa phương khắc phục các chồng chéo, xung đột pháp luật; đảm bảo an ninh tài nguyên nước quốc gia; chú trọng phòng ngừa, kiểm soát và phục hồi các nguồn nước bị suy thoái, cạn kiệt và ô nhiễm.
Dự thảo cũng tách bạch quản lý tổng hợp thống nhất về tài nguyên nước với quản lý, vận hành công trình khai thác, sử dụng nước (công trình thủy lợi, thủy điện, cấp nước đô thị, nông thôn...); chuyển dần từ quản lý bằng công cụ hành chính sang quản lý bằng công cụ kinh tế thông qua các quy định về giá nước, thuế, phí, lệ phí, tiền cấp quyền khai thác tài nguyên nước….
Dự Luật Tài nguyên nước được xây dựng trên quan điểm kế thừa các quy định của Luật Tài nguyên nước năm 2012 đang phát huy hiệu quả; bãi bỏ các quy định bất cập; cập nhật, sửa đổi, bổ sung các quy định hiện hành cho phù hợp với thực tiễn, các yêu cầu về bảo đảm an ninh tài nguyên nước, bảo vệ tài nguyên nước và các yêu cầu về tài nguyên nước trong tình hình mới.
Đồng thời, các quy định của Luật phải bảo đảm phù hợp với Hiến pháp, đồng bộ với các pháp luật chuyên ngành liên quan và phù hợp với các điều ước quốc tế có liên quan đến lĩnh vực tài nguyên nước mà Việt Nam đã ký kết hoặc tham gia;
Chương IV của Dự Luật gồm 23 điều, từ Điều 40 đến Điều 62 quy định về các nội dung điều hòa, phân phối và Khai thác, sử dụng tài nguyên nước, Khai thác và sử dụng tài nguyên nước cho sinh hoạt, cho thủy điện, nông nghiệp, khai thác thủy hải sản… Giám sát khai thác, sử dụng tài nguyên nước hiệu quả.
Tại Điều 59, Dự thảo Luật Tài nguyên nước quy định trách nhiệm của các Bộ, ngành địa phương trong việc quản lý khai thác, sử dụng nước cho sinh hoạt; trách nhiệm của Tổ chức/cá nhân đầu tư xây dựng, quản lý vận hành công trình cấp nước cho sinh hoạt (đơn vị cấp nước) theo hướng phải thực hiện quan trắc, giám sát nguồn nước, có phương án, phòng ngừa ứng phó sự cố khi nguồn nước không đảm bảo.
Đáng chú ý, Dự thảo Luật Tài nguyên nước sửa đổi quy định 5 điều tại chương VIII với các nội dung về trách nhiệm quản lý nhà nước về tài nguyên nước của Chính phủ, bộ, cơ quan ngang bộ, Uỷ ban nhân dân các cấp nhằm đảm bảo tránh chồng chéo, giao thoa trong quản lý về nguồn nước và khai thác, sử dụng, bảo vệ và phòng chống tác hại do nước gây ra.
Đến thời điểm hiện nay, Dự Luật Tài nguyên nước sửa đổi đang lấy ý kiến các bộ, ngành liên quan, các địa phương, các chuyên gia, các tổ chức, cá nhân. Sau khi tổng hợp ý kiến góp ý, ban soạn thảo sẽ tiếp thu, điều chỉnh và dự kiến trình Chính phủ vào tháng 1/ 2023.
BỔ SUNG TRÁCH NHIỆM CÁC BỘ, NGÀNH
Dự thảo Luật Tài nguyên nước sửa đổi có những điểm mới nào về bảo vệ nguồn nước sinh hoạt so với Luật cũ? Phóng viên VOV Giao thông đã có cuộc trao đổi với ông Ngô Mạnh Hà, Phó Cục trưởng Cục Tài nguyên nước, Bộ Tài Nguyên và Môi trường, thành viên Ban soạn thảo Dự án Luật Tài nguyên nước sửa đổi về nội dung này:
PV: Thưa ông, trong dự thảo Luật Tài nguyên nước sửa đổi, có những quy định mới như thế nào đối với việc bảo vệ nguồn nước sinh hoạt và khắc phục những sự cố ô nhiễm môi trường?
Ông Ngô Mạnh Hà: Trong dự thảo Luật lần này đã bổ sung các quy định về trách nhiệm của các bộ, ngành, địa phương đối với công tác này. Ví dụ như là Bộ Tài nguyên và Môi trường có trách nhiệm xác định các nguồn nước có chức năng cấp nước sinh hoạt, nguồn nước dự phòng cấp cho sinh hoạt trong trường hợp xảy ra hạn hán, thiếu nước trong quy hoạch về tài nguyên nước.
Ủy ban nhân dân các tỉnh có trách nhiệm chỉ đạo UBND các cấp thực hiện biện pháp theo dõi, giám sát, bảo vệ chất lượng nước có mục đích cấp sinh hoạt tại các địa phương.
Trong dự luật chúng tôi có một điều liên quan đến bảo vệ chất lượng sinh hoạt hoặc là liên quan đến vấn đề khai thác nước sinh hoạt, trong đó làm rõ trách nhiệm của các Bộ trong dòng chảy của nước (đường đi của nước gọi là từ nguồn đến vòi). Ví dụ như Bộ Tài nguyên Môi trường có trách nhiệm quản lý về nguồn để đảm bảo đủ nguồn nước để cấp cho các nhà máy nước. Khi nước đã vào bên trong hệ thống thì lúc đó sẽ là trách nhiệm của Bộ Xây dựng, Bộ Xây dựng sẽ có những quy định liên quan đến việc đảm bảo an toàn của hệ thống cấp nước.
Còn đối với đầu ra của nước, thuộc trách nhiệm của Bộ Y tế. Bộ y tế có những quy định để kiểm soát chất lượng nước, đặc biệt là chất lượng nước sinh hoạt trước khi đến tay của người dân. Luật trước đây chưa phân định rõ như vậy nhưng lần này sẽ phân định rất rõ. Trong lần này, cũng quy định rất chặt chẽ liên quan đến việc tổ chức các biện pháp theo dõi, giám sát ở địa phương.
PV: Dự thảo Luật Tài nguyên nước sửa đổi có những quy định nào về bảo vệ công trình cấp nước quan trọng thưa ông?
Ông Ngô Mạnh Hà: Ngoài việc chúng ta quản lý về khai thác, chúng ta phải có giải pháp bảo vệ các công trình, bảo vệ các nguồn nước cấp cho sinh hoạt. Không chỉ là trách nhiệm của cấp bộ mà theo tôi đánh giá là cái trách nhiệm của các địa phương là quan trọng nhất.
Bởi vì các địa phương mới có đủ nguồn lực cũng như là các công trình đặt ở các địa phương đó, các địa phương có hiểu biết rõ về cái sự phát triển đặc thù của khu vực đó, đồng thời là có hệ thống các cảnh sát, công an các địa phương phối hợp để có thể có những giải pháp bảo vệ các nguồn nước; phòng ngừa các đối tượng xả thải trái phép hoặc các đối tượng có mục đích gây ảnh hưởng xấu đến chất lượng sinh hoạt.
Đặc biệt, đối với công trình cấp nước quan trọng quy mô lớn như Nhà máy nước sông Đà , Dự Luật bổ sung quy định Bộ Xây dựng phải chủ trì, phối hợp với Bộ Tài nguyên và Môi trường và các Bộ khác xây dựng trình Chính phủ phê duyệt phương án bảo vệ công trình cấp nước sinh hoạt quan trọng đặc biệt, trong đó cả giải pháp về an ninh thì phải bảo vệ nghiêm ngặt.
PV: Vâng. Xin cảm ơn ông!
VAI TRÒ ĐỊA PHƯƠNG
Vai trò của chính quyền địa phương đối với bảo vệ nguồn nước đã được quy định như thế nào trong Dự thảo Luật tài nguyên nước sửa đổi? Phóng viên đã có cuộc trao đổi với TS. Hoàng Dương Tùng, Nguyên Phó Cục trưởng Tổng cục môi trường, Bộ tài nguyên và môi trường về vấn đề này:
PV: Dự thảo Luật Tài nguyên nước sửa đổi, có bổ sung thêm một số quy định về trách nhiệm của các cơ quan quản lý nhà nước về môi trường. Theo ông, điều này có khắc phục được những bất cập hiện nay trong việc đảm bảo trong việc đảm bảo an toàn cấp nước sinh hoạt cho người dân?
TS. Hoàng Dương Tùng: Tôi cho rằng, những quy định mới phần nào đã bịt được lỗ hổng trong tầm luật hiện nay, nhưng tôi vẫn còn một số băn khoăn. Ví dụ như yêu cầu là phải có thiết bị quan trắc tự động đối với tất cả các cơ sở sản xuất nước sinh hoạt.
Chúng ta cũng chỉ nên đưa ra nguyên tắc thôi, tại vì nó phụ thuộc vào công suất, công nghệ hiện tại vì có những cái hàng rào kỹ thuật chúng ta chưa vượt qua được, quan trắc tự động không phải là cái nào cũng được. Ví dụ như một số thông số cơ bản thôi còn lại những thông số khác chúng ta vẫn phải lấy mẫu, chúng ta vẫn phải quan trắc
Thứ hai, trong Dự luật, tôi cũng thấy giao trách nhiệm cho các đơn vị sản xuất kinh doanh nước sinh hoạt như thế thì nó có quá sức không? Bởi vì, việc bảo vệ hành lang an toàn, vùng bảo hộ, … không thể thiếu vắng sự chỉ đạo quyết liệt thực hiện của các chính quyền địa phương. Tôi nghĩ rằng, cũng phải dùng như thế nào để thấy rằng nổi bật vai trò của các chính quyền địa phương.
Thứ ba, cũng thấy một số thí điểm chi tiết trong luật; Ví dụ như yêu cầu là phải có các hồ chứa nước đảm bảo 3 ngày trong đề phòng sự cố. Tôi nghĩ rằng hiện nay thì cũng có rất nhiều những phương pháp, những biện pháp này thì có thể là đối với cơ sở mới không sao, nhưng cơ sở cũ thì như thế nào?.
PV: Theo ông, Dự thảo luật đã quy định đầy đủ trách nhiệm của các bên liên quan hay chưa và có cần bổ sung thêm các chế tài xử phạt đối với những trường hợp mà gây ô nhiễm nguồn nước?
TS. Hoàng Dương Tùng: Tôi đánh giá cao sự đồng bộ giữa dự thảo Luật tài nguyên nước với Luật bảo vệ môi trường năm 2020. Luật Tài nguyên nước, ngoài một số quy định tương đối đặc thù thì dự thảo cũng đã đề ra việc ứng phó sự cố khắc phục sự cố nguồn nước theo quy định của Luật bảo vệ môi trường năm 2020. Trách nhiệm của các cơ quan đầy đủ hơn, toàn diện hơn và rõ ràng và có những nhạc trưởng để chỉ đạo việc này.
Các quy định mức luật thì theo tôi đã đầy đủ, nhưng còn phải quy định dưới luật và trong quá trình thực hiện, đặc biệt là phải có trách nhiệm trong việc thực hiện. Tôi lấy ví dụ như thành phố Hòa Bình, người ta chôn rác giữ rừng, bao nhiêu nước rỉ rác xuống nước ngầm vào luôn cả sông Đà. Nhưng chúng tôi thấy rằng hình như họ có trách nhiệm gì ?
Tôi nghĩ rằn, cần phải có những cái quy định về trách nhiệm của các cấp nghiêm minh, rõ ràng, minh bạch hơn, không chỉ là trách nhiệm của Nhà nước ,của doanh nghiệp mà còn của nhân dân.
PV: Vâng. Xin cảm ơn ông!
Ở góc nhìn khác, PGS.TS Nguyễn Hồng Tiến, Nguyên Cục trưởng Cục hạ tầng kỹ thuật, Bộ Xây dựng cho rằng, Dự thảo Luật Tài Nguyên nước sửa đổi chỉ nên quy định về bảo vệ nguồn nước đầu nào:
Băng: Tôi cho rằng Luật tài nguyên nước không nên đề cập quá kỹ về sản xuất cung cấp và tiêu thụ nước sạch. Luật tài nguyên nước chỉ đề cập nước đầu vào và đề ra trong quá trình quản lý, vận hành được thì phải tuân thủ theo các quy định hiện nay.
Vừa qua, Chính phủ giao cho Bộ Xây dựng chủ trì trong việc xây dựng Luật về cấp thoát nước, trong đó có nội dung về cấp nước, họ sẽ làm chi tiết cụ thể hóa hơn, từ khâu quy hoạch đầu tư xây dựng đến quản lý, vận hành, khai thác các công trình cấp nước. Tôi cho rằng như thế thì nó đã phù hợp hơn là Dự luật này quy định quá chi tiết, cụ thể.
Tình trạng lũ lụt, hạn hán, xâm nhập mặn đe dọa đến chất lượng nguồn nước của nhiều địa phương. Bên cạnh đó, việc chồng chéo về trách nhiệm của các Bộ ngành và thiếu những quy định cụ thể về trách nhiệm của chính quyền địa phương đối với bảo vệ nguồn nước đầu vào của một số nhà máy dẫn đến sự lúng túng trong quản lý, chậm trễ trong khắc phục khi xảy ra sự cố liên quan đến nước sinh hoạt tại một số đô thị thời gian qua.