Đang tải...
Ngày đăng: 30/05/2017
Ngày 29/5, đoàn công tác của Cơ quan Phát triển Quốc tế Thụy Điển, Đại sứ quán Thụy Điển tại Thái Lan và tổ chức Oxfam đã có buổi làm việc với tỉnh Sóc Trăng để thảo luận với các bên liên quan và người hưởng lợi về quá trình triển khai dự án và tác động mà dự án mang lại.
Trong chuỗi giá trị tôm, nếu như nam giới giữ vị trí quan trọng tại khâu nuôi tôm thương phẩm thì vai trò của phụ nữ lại được thể hiện ở khâu chế biến và marketing. Trước đây, vai trò của phụ nữ trong chuỗi giá trị và lợi ích vẫn còn hạn chế.
Từ tháng 4/2015, Dự án tăng cường bình đẳng giới trong chuỗi giá trị tôm tỉnh Sóc Trăng được triển khai thí điểm tại huyện Mỹ Xuyên trên 187 hộ nuôi, 14 tổ hợp tác và hợp tác xã.
Kết quả bước đầu, Dự án đã xây dựng năng lực và liên kết thị trường cho các nhân tố của chuỗi giá trị tôm để thực hiện có hiệu quả các chuỗi giá trị về giới. Tăng cường năng lực áp dụng các quy trình thực hành nuôi bền vững và có trách nhiệm như ASC, VietGAP, SAIP,… với nhóm sản xuất quy mô nhỏ và cộng đồng xung quanh, thông qua đó vai trò của phụ nữ được công nhận.
Ông Đinh Xuân Lập, Phó Giám đốc Trung tâm Hợp tác quốc tế Nuôi trồng và Khai thác thủy sản bền vững cho biết, Sóc Trăng đang đi đầu trong việc thực hiện dự án với 22 hợp đồng liên kết chuỗi trong cung ứng đầu vào và đầu ra đã được ký kết.
Giá bán tôm của các thành viên tổ hợp tác, hợp tác xã cao hơn giá trị thị trường từ 5.000 – 7.000 đồng/kg. Phụ nữ được tham gia và nâng cao tiếng nói, có những đóng góp quý báu trong chuỗi giá trị tôm.
Trong chuỗi giá trị gạo, dự án Tăng cường bình đẳng giới và đầu tư kinh doanh nông nghiệp có trách nhiệm trong chuỗi giá trị lúa gạo được triển khai tại tỉnh Sóc Trăng từ đầu năm 2017 tại huyện Kế Sách.
Dự án nhằm xây dựng vùng sản xuất lúa gạo theo tiêu chuẩn SRP, gắn kết mối quan hệ của doanh nghiệp và nông dân; cải thiện về sinh kế cho nông dân thông qua phát triển chuỗi giá trị trách nhiệm và toàn diện, nơi phụ nữ được trao quyền trong phát triển kinh tế.
Tại buổi làm việc, đại diện các bên đã đi sâu phân tích dự án, quá trình thực hiện cũng như kết quả bước đầu dự án mang lại.
Theo ông Lương Minh Quyết, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Sóc Trăng, dự án này đã tạo ra mối liên kết giữa các nông hộ và các doanh nghiệp trong tiêu thụ sản phẩm và liên kết đầu vào; góp phần thực hiện đề án Tái cơ cấu ngành nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững, gắn với xây dựng nông thôn mới.
Nông dân đã có kiến thức sản xuất an toàn, tạo sản phẩm sạch, chất lượng cao đủ sức cạnh tranh trên thị trường thế giới. Giá trị nông, thủy sản được nâng cao. Thông qua dự án, người phụ nữ dần tham gia quyết định sản xuất; đây là một hướng đi mới phù hợp với xu hướng hiện nay.
Phát biểu tại buổi làm việc, bà Nguyễn Thị Lê Hoa, Phó Giám đốc Quốc gia Tổ chức Oxfam Việt Nam cho rằng, m ối liên hệ đa bên sẽ tiếp tục được duy trì và đẩy mạnh để dự án được thành công như mong đợi vào năm 2018, cải thiện sinh kế cho người dân và nâng cao vai trò của phụ nữ trong các chuỗi giá trị. Sau buổi làm việc, đoàn công tác đi thăm ruộng lúa và tham gia lớp tập huấn GALS, thảo luận với người dân tại huyện Kế Sách và thăm trang trại nuôi tôm, gặp gỡ người dân, đối tác tại huyện Mỹ Xuyên đến hết ngày 30/5/2017./.