Đang tải...
Ngày đăng: 03/07/2024
Với địa hình tiếp giáp biển, huyện Trần Đề là một trong những địa phương thuộc “điểm nóng” về nhu cầu nước sạch sinh hoạt trong mùa khô hạn hằng năm. Trong đợt hạn, mặn lịch sử của mùa khô 2015 - 2016, toàn huyện có trên 2.000 hộ dân thiếu nước sạch sinh hoạt. Không để chuyện cũ lặp lại, ngay từ đầu mùa khô năm nay, Trung tâm Nước sạch và Vệ sinh môi trường nông thôn tỉnh đã phối hợp chặt chẽ với từng địa phương trên địa bàn huyện thực hiện rà soát, thống kê những khu vực còn bức xúc, khó khăn trong việc tiếp cận nguồn nước sạch hợp vệ sinh để triển khai phương án khắc phục. Nhờ vậy, trong giai đoạn hạn, mặn đang bước vào cao điểm, từng khối nước sạch vẫn được cấp kịp thời, đảm bảo phục vụ tốt nhu cầu dân sinh của bà con ở những khu vực dễ bị ảnh hưởng. Tính đến nay, toàn huyện Trần Đề có 26.195/32.187 hộ dân nông thôn được sử dụng nước sạch đạt chất lượng theo quy chuẩn từ hệ thống cấp nước tập trung, đạt tỷ lệ 81,4%. Đồng chí Hà Quốc Tuấn - Chủ tịch UBND xã Thạnh Thới Thuận, huyện Trần Đề cho biết thêm: “Về phía địa phương cũng phối hợp với Trạm cấp nước tập trung đặt tại Thạnh Ninh để đảm bảo cung cấp nguồn nước cho bà con. Về chất lượng nguồn nước như đã kiểm tra thì không bị vướng độ mặn, riêng độ kiềm, độ pH cũng ở mức cho phép, đảm bảo phục vụ tốt cho bà con trong đợt hạn mặn năm nay. Hướng tới chúng tôi cũng tiếp tục phối hợp với đơn vị tính toán lại thời gian cấp nước theo nhu cầu của bà con để đảm bảo phục vụ tốt hơn”.
Riêng tại thị xã Vĩnh Châu, trở ngại lớn nhất trong công tác cấp nước sạch sinh hoạt của địa phương hiện nay là đa số người dân sống rải rác ở nhiều khu vực khác nhau, việc đầu tư hạ tầng cấp nước cần nguồn kinh phí khá lớn. Hiện nay, trên địa bàn thị xã có 15 công trình cấp nước tập trung do Trung tâm Nước sạch và Vệ sinh môi trường quản lý, vận hành, với tổng công suất được cấp giấy phép là 14.390 m3/ngày đêm, tổng chiều dài tuyến ống là hơn 530 km, cung cấp nước sạch cho 18.650 hộ dân. Với số hộ dân tham gia đấu nối trên tuyến ống đã được đầu tư còn hạn chế, Trung tâm đã ưu tiên tiến hành lắp đặt, đấu nối đồng hồ nước hoàn toàn miễn phí, giải quyết kịp thời khó khăn trước mắt cho các gia đình không có điều kiện, đảm bảo không để xảy ra tình trạng thiếu nước sạch sinh hoạt tại các khu vực cách xa khu dân cư tập trung, dễ bị ảnh hưởng do mặn xâm nhập. Ông Lý Chươl - khóm Bưng Tum, phường Khánh Hòa, thị xã Vĩnh Châu phấn khởi cho biết: “Mấy năm trước khi nước mặn vô rồi là khó khăn lắm, muốn kiếm nước một lần không dễ, phải đi bơm, đi gánh, đi mua lại của người ta. Giờ được Nhà nước cấp nước sạch cho xài rất là thoải mái, nước rất sạch, rất vệ sinh chứ không như hồi đó. Bà con ở đây ai cũng phấn khởi hết”.
Để đảm bảo cung cấp kịp thời nguồn nước sạch sinh hoạt cho người dân, từ đầu mùa khô, Trung tâm Nước sạch và Vệ sinh môi trường nông thôn tỉnh còn tăng cường đấu nối hòa mạng giữa các trạm cấp nước để điều hòa áp lực nước, đáp ứng nhu cầu tăng cao của người dân, đặc biệt là trong các tháng cao điểm mùa khô. Duy trì thực hiện lấy mẫu, lưu mẫu nước hằng ngày tại trạm. Đình kỳ hằng tuần, thực hiện xét nghiệm nhanh tại các trạm cấp nước. Qua đó, kịp thời xác định nguyên nhân và khắc phục đối với các mẫu nước chưa đạt để đảm bảo chất lượng nước cấp...
Bằng mọi biện pháp có thể như: Xác định địa bàn bức thiết để ưu tiên đầu tư, vận dụng sức dân để giảm chi phí..., Sóc Trăng đang đồng hành rất tốt để cùng người dân nông thôn giải quyết ổn thỏa bài toán khó về nước sạch sinh hoạt.
Chưa vội để khẳng định rằng, người dân Sóc Trăng không thiếu nước sạch sử dụng, bởi hạn, mặn năm nay được dự báo sẽ còn tiếp tục kéo dài. Dù vậy, có thể thấy, đến thời điểm này, tỉnh Sóc Trăng đang thực hiện rất tốt việc đáp ứng nhu cầu nước sinh hoạt của người dân trong giai đoạn cao điểm mùa khô. Đồng chí Nguyễn Thành Dũng - Giám đốc Trung tâm Nước sạch và Vệ sinh môi trường nông thôn tỉnh thông tin thêm: “Trước tình hình diễn biến phức tạp của hạn hán và xâm nhập mặn, chúng tôi vẫn tiếp tục tăng cường theo dõi tình hình để có các giải pháp thích ứng kịp thời, nhằm đảm bảo duy trì cấp nước an toàn và bền vững cho người dân. Cụ thể là chúng tôi tiếp tục giám sát việc khai thác nước qua hệ thống giám sát online, giám sát hoạt động cấp nước của các trạm thông qua hệ thống camera truyền dữ liệu về Văn phòng giám sát điều hành của Trung tâm, từ đó có giải pháp điều hòa kịp thời tại các trạm có nguy cơ xảy ra tình trạng thiếu nước do hạn hán, xâm nhập mặn. Bên cạnh đó, khẩn trương triển khai thực hiện Quyết định số 14/QĐ-UBND ngày 23/1/2024 của UBND tỉnh về triển khai Đề án cấp nước sạch nông thôn trên địa bàn toàn tỉnh giai đoạn 2023 - 2030. Cụ thể là triển khai nâng cấp, mở rộng 258.000 m đường ống trên địa bàn toàn tỉnh để phục vụ cho 10.000 hộ tăng thêm trong giai đoạn này. Triển khai xây dựng 4 trạm cấp nước thuộc Dự án cấp nước ở các vùng khan hiếm nước trên địa bàn tỉnh. Ngoài ra, chúng tôi cũng sẽ phối hợp với chính quyền các địa phương tiếp tục vận động người dân tham gia công trình xã hội hóa, cụ thể là đối với các cụm tuyến dân cư có chiều dài đường ống dưới 1.500 m, chúng tôi sẽ vận động người dân thực hiện phương châm Nhà nước và nhân dân cùng làm, để sớm bao phủ mạng lưới cấp nước ở các địa bàn vùng sâu, vùng xa”.
Là địa bàn thuộc vùng duyên hải, trong đó có hơn 80% dân số sinh sống ở khu vực nhiễm mặn, rốn phèn, nhiễm mặn theo mùa nên việc sử dụng nước mặt tại Sóc Trăng là rất hạn chế, phần lớn hộ dân đều phải sử dụng nước ngầm. Do vậy, những giải pháp đồng bộ mà tỉnh Sóc Trăng đã và đang triển khai trong công tác cấp nước sạch sinh hoạt là vô cùng cần thiết, nhằm hạn chế tình trạng khai thác tài nguyên nước ngầm quá mức, đặc biệt là trong điều kiện hạn hán, xâm nhập mặn kéo dài.