Đang tải...
Ngày đăng: 31/05/2017
(Mard-31/05/2017) - Ông Trần Văn Khởi, quyền Giám đốc Trung tâm Khuyến nông Quốc gia cho biết, trong thời gian qua hệ thống khuyến nông đã thực hiện một số dự án điển hình sản xuất nông nghiệp thích ứng biến đổi khí hậu. Như dự án xây dựng mô hình cánh đồng mẫu lớn tại các vùng trồng lúa chủ yếu. Dự án đã giúp nông dân sản xuất nông nghiệp bền vững, ổn định thu nhập, thích ứng với biến đổi khí hậu.
“Qua cánh đồng lớn, giúp nông dân thay đổi nhận thức, tập quán sản xuất cũ không còn phù hợp dần được thay bằng nhữn ứng dụng khoa học, kỹ thuật mới. Đó là thay đổi giống lúa mới chất lượng cao, ứng dụng giảm mật độ gieo sạ bằng phương pháp sạ hàng, sạ thưa; cân đối sử dụng phân bón, thuốc bảo vệ thực vật khi thực sự cần thiết và sử dụng theo nguyên tắc được khuyến cáo”, ông Khởi cho hay
Cũng theo ông Khởi, dự án xây dựng và nhân rộng mô hình giảm lượng hạt giống gieo sạ trong sản xuất lúa tại Đồng bằng sông Cửu Long cho thấy, hiệu quả kinh tế ruộng mô hình cao hơn ruộng ngoài mô hình từ 3 triệu đến 6,5 triệu đồng/ha, tương ứng cao hơn từ 15,6% đến 28,6%.
Theo đánh giá Trung tâm Khuyến nông Quốc gia, bước đầu người nông dân tham gia dự án nắm bắt được giải pháp kỹ thuật cần thiết để thực hiện thành công giảm giống và chi phí khác trong sản xuất lúa thích ứng biến đổi khí hậu. Việc giảm lượng hạt giống gieo sạ cũng là cơ sở, tiến đề để giảm những chi phí khác không cần thiết như việc bón thừa phân đạp, áp lực sâu bệnh cũng giảm so với canh tác bình thường. Mô hình đã góp phần nâng cao hiệu quả kinh tế trong sản xuất lúa, tác động tích cực, hiệu quả về mặt xã hội và môi trường.
Ngoài ra dự án áp dụng “3 giảm, 3 tăng” nhằm nâng cao hiệu quả và góp phần giảm phát thải khí nhà kính trong sản xuất lúa cũng đã hướng dẫn nông dân áp dụng đồng bộ các biện pháp kỹ thuật sản xuất lúa theo hướng tiên tiến, giảm sâu bệnh, giảm ngộ độc hữu cơ, góp phần giảm phát thải khí nhà kính trong sản xuất lúa, nâng cao trình độ sản xuất lúa cho nông dân, hướng tới sản xuất lúa bền vững dưới tác động biến đổi khí hậu.
Theo ông Lê Văn Đời, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Hậu Giang, hiện nay ngành nông nghiệp tỉnh đang chủ động xây dựng nhiều mô hình canh tác lúa ứng phó biến đổi khí hậu. Chẳng hạn như xây dựng 6 mô hình cánh đồng mẫu lớn, mỗi mô hình từ 300 – 500 ha áp dụng tiến bộ kỹ thuật “3 giảm, 3 tăng”, “1 phải, 5 giảm”, ứng dụng nấm xanh trong quản lý rầy nâu, ứng dụng công nghệ sinh thái trong quản lý dịch hại tổng hợp.
Xây dựng nhiều mô hình tưới nước tiết kiệm theo kỹ thuật tưới ngập – khô xen kẽ, kết hợp trữ nước ngọt cho các kênh mương nội đồng. Đồng thời xây dựng các trạm bơm tập trung để chủ động được nguồn nước. Xây dựng các mô hình canh tác lúa nhằm giảm phát thải khí nhà kính, khuyến cáo người dân không đốt đồng để xử lý rơm rạ sau thu hoạch.
Bên cạnh đó ngành nông nghiệp Hậu Giang còn chú trọng đến công tác thủy lợi như nạo vét kênh mương, xây dựng các cống đập thời vụ, xây dựng các đê bao ngăn mặn, trang bị các thiết bị đo độ mặn đến các xã nhằm đối phó kịp thời với tình hình mặn hiện nay.
Do ảnh hưởng của hạn hán và xâm nhập mặn nên nhiều diện tích lúa tại huyện Long Mỹ, tỉnh Hậu Giang không sản xuất được thường xuyên và liên tục như trước đây, từ 2 hoặc 3 vụ/năm thì nay chỉ còn 1 vụ/năm.
Gia đình ông Nguyễn Văn Rạng ở ấp 6, xã Lương Nghĩa, huyện Long Mỹ, tỉnh Hậu Giang có 3 ha đất ruộng đã mạnh dạn chuyển sang luân canh một vụ lúa và một vụ tôm với hình thức nuôi quảng canh. Ông Rạng chia sẻ, chỉ xuống giống vụ Đông Xuân vào tháng 10 âm lịch nhằm tránh ảnh hưởng xâm nhập mặn vào cuối vụ. Việc xuống giống tôm với mật độ 2 – 4 con/m2 khi nước có độ mặn từ 6 phần nghìn đến 15 phần nghìn với hình thức nuôi quảng canh. Với mô hình một vụ lúa và một vụ tôm quảng canh đem lại lợi nhuận cho gia đình ông hơn 100 triệu đồng/3ha/năm.
Ngoài ra mô hình một vụ lúa – một vụ tôm quảng canh còn tận dụng được chất hữu cơ từ thức ăn và phé thải của tôm giúp cho lúa phát triển tốt mà không cần sử dụng nhiều phân hóa học và thuốc bảo vệ thực vật, đảm bảo duy trì năng suất bền vững và cân bằng hệ sinh thái đồng ruộng. Từ đó giảm thiểu tác động môi trường trong điều kiện biến đổi khí hậu, tạo tiền đề trồng lúa hữu cơ, nền nông nghiệp sạch thích ứng biến đổi khí hậu trong tương lai.
Ông Nguyễn Trọng Nhất ở ấp 2, xã Vị Tân, thành phố Vị Thanh, tỉnh Hậu Giang có 13 ha trồng cam xoàn. Ông Nhất đã lắp đặt hệ thống tưới nhỏ giọt và tưới phun cho vườn cam để giảm chi phí, tiết kiệm nước tưới trong điều kiện biến đổi khí hậu và xâm nhập mặn đã ảnh hưởng nhiều diện tích cây ăn trái nơi đây.
Theo ông Nhất, với hệ thống tưới nhỏ giọt thì chỉ cần mở van là hệ thống tự động tưới cho 13ha cam, không tốn tiền thuê nhân công và mỗi lần tưới chỉ khoảng nữa ngày là xong. Tưới nhỏ giọt sẽ nhanh hơn tưới tràn, vì khi tưới tràn thì mỗi người phải cầm một vòi bơm kéo dịch chuyển từ cây này sang cây khác. Hơn nữa tưới nhỏ giọt thì độ ngấm nước có thể đạt 30cm, sâu hơn cả việc cầm vòi tưới tràn mà lại tiết kiệm được nước tưới nhiều hơn.
Theo đánh giá của các chuyên gia, với hệ thống tưới phun mưa tự động, chỉ cần một người bấm nút điều khiển từ xa để vận hành hệ thống tưới với thời gian khoảng 15 – 20 phút/lần, tiêu hao điện năng dưới 1kW là đã cung cấp đủ lượng nước cho 13ha cam xoàn.
Theo nhiều chuyên gia, nhà nghiên cứu, mặc dù Đồng bằng sông Cửu Long đang có những bước đi đúng hướng và người dân thích nghi dần với biến đổi khí hậu, nhất là trong sản xuất nông nghiệp nhưng về lâu dài nơi đây đang rất cần các nhóm giải pháp căn cơ hơn.
Cụ thể như cần tiếp tục đầu tư các hệ thống đê bao, xây dựng hệ thống tưới tiêu hợp lý; tăng cường năng lực cho hệ thống cảnh báo và dự báo thời tiết, khí hậu, thủy hải văn và nông nghiệp; xác định, xây dựng các mô hình giống cây trồng thích ứng điều kiện bất lợi của môi trường… nhằm tạo nên sự thống nhất trong quản lý, thực hiện, sự chủ động và hưởng lợi của cư dân mới có thể tạo nên sự thích ứng hiệu quả nhất với biến đổi khí hậu, nhất là trong sản xuất nông nghiệp của vùng châu thổ Đồng bằng sông Cửu Long này./.