Đang tải...

lang-vi
lang-en

Trung tâm quốc gia nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn

National center for rural water supply and environmental sanitation

Quyết tâm thay đổi diện mạo vùng nông thôn

Ngày đăng: 11/11/2019

Bên cạnh việc ghi nhận sự nỗ lực và những kết quả tích cực của lĩnh vực nông nghiệp và phát triển nông thôn, các đại biểu chỉ rõ những vấn đề cần quan tâm trong thời gian tới.

Tại phiên chất vấn Bộ trưởng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Nguyễn Xuân Cường, đã có 43 đại biểu đặt câu hỏi và 14 đại biểu tranh luận về các nội dung trong lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn. Nhiều vấn đề cốt lõi, quan trọng đã được nêu lên trong nghị trường, như: công tác tổ chức sản xuất gắn với thị trường tiêu thụ; ứng dụng khoa học - công nghệ trong nông nghiệp; mở cửa, phát triển thị trường nông sản, thủy sản; khai thác, bảo vệ và phát triển nguồn lợi thủy sản… Trong đó, việc thực hiện chương trình Quốc gia về xây dựng nông thôn mới (NTM) đã thu hút sự quan tâm không chỉ của đại biểu QH mà còn là mong mỏi, nguyện vọng của cử tri cả nước.

Nông thôn Việt Nam là khu vực rộng lớn và đông dân nhất, đa dạng về thành phần dân tộc, về văn hóa, là nơi bảo tồn, lưu giữ các phong tục, tập quán của cộng đồng, là nơi sản xuất quan trọng, làm ra các sản phẩm cần thiết cho cuộc sống con người. Trong xu thế phát triển hiện nay, xây dựng NTM vừa là mục tiêu, vừa là yêu cầu của phát triển bền vững, vừa là nhiệm vụ cấp bách, vừa là chủ trương có tầm chiến lược đặc biệt quan trọng. Vì vậy, xây dựng NTM là một cuộc cách mạng to lớn, lâu dài, thể hiện sự quan tâm sâu sắc của Đảng, Nhà nước đối với nông nghiệp, nông dân và nông thôn.

Chúng ta đã đạt được những thành tựu toàn diện, bứt phá trong chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng NTM, góp phần hình thành kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội hiện đại; cơ cấu kinh tế và các hình thức tổ chức sản xuất hợp lý; giúp nông dân đẩy nhanh việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng vật nuôi, ứng dụng khoa học kỹ thuật, công nghệ cao, xây dựng các chuỗi liên kết trong sản xuất, chế biến và tiêu thụ sản phẩm; dân trí được nâng cao… Tính đến tháng 10-2019, cả nước đã có 4.665 xã (chiếm 52,4%) được công nhận đạt chuẩn NTM, tăng 35,3% so với cuối năm 2015 và hoàn thành vượt 2,4% so với mục tiêu 10 năm (2010-2020) của Đảng, Quốc hội và Chính phủ giao. Đồng thời, có 63 xã đạt chuẩn NTM nâng cao và đã có xã đạt chuẩn NTM kiểu mẫu theo quy định của Thủ tướng Chính phủ. Điều này đã đem lại sự khởi sắc cho vùng nông thôn.

Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được trong quá trình xây dựng NTM, các đại biểu QH bày tỏ những lo lắng về những bất cập, hạn chế, trong đó có những việc đã diễn ra lâu năm, được đề cập nhiều lần nhưng chuyển biến chưa tích cực. Đáng chú ý là: xây dựng NTM chưa thật sự làm chuyển biến, nâng cao hiệu quả trong sản xuất, còn hạn chế về công tác bảo vệ môi trường và giải quyết việc làm, tăng thu nhập cho người dân; chất lượng của một số địa phương đạt chuẩn chưa cao, còn chạy theo thành tích. Cá biệt, có nơi đạt chuẩn nhưng có không ít tiêu chí lại không hơn số địa phương chưa đạt chuẩn, nhất là tiêu chí về môi trường nhà ở, thu nhập.

Một trong những yếu tố ảnh hưởng tiêu cực đến đời sống, bộ mặt của nông thôn nước ta là biến đổi khí hậu rất thất thường, nguy cơ sạt lở đê điều, đập hồ, thủy lợi luôn thường trực. Thế nhưng, thực tế hằng năm, kinh phí đầu tư lại chưa đáp ứng yêu cầu. Về vấn đề này, có đại biểu lo lắng: Nếu các bộ, ngành, địa phương không có giải pháp căn cơ, kịp thời thì những thành quả trong lĩnh vực NTM có những địa phương sẽ về “0” khi thời tiết không thuận lợi. Lo lắng, trăn trở của các đại biểu là hoàn toàn có cơ sở khi ba năm qua biến đổi thời tiết, khí hậu ngày càng cực đoan, tần suất cao hơn, ở tất cả các vùng, miền, trong đó miền trung là nơi bị ảnh hưởng nhiều nhất. Vì vậy, các bộ, ngành, địa phương cần có sự chuẩn bị kỹ lưỡng trong quá trình ứng phó biến đổi khí hậu, trong đó công tác dự báo cần sát hơn, kịp thời hơn, nhiều hơn; phương châm ứng phó cần tích cực, đồng bộ hơn. Có ý kiến cho rằng: thời gian tới, trong chương trình đầu tư nguồn lực trung hạn xây dựng NTM, việc đầu tư phát triển bền vững bằng các nguồn lực cho ứng phó biến đổi khí hậu phải được coi là một nhóm nguồn lực ưu tiên cao nhất.

Bên cạnh đó, nhiều đại biểu QH bày tỏ băn khoăn về việc thời gian đầu thực hiện mục tiêu xây dựng NTM, nhiều nơi thường tập trung vào những xã có điều kiện, dễ làm. Do đó, sự chênh lệch về kết quả xây dựng NTM giữa các vùng, miền còn thể hiện rõ, nhất là vùng đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi. Thêm vào đó, nhiều nơi đã đạt được các chỉ tiêu về NTM như: có trạm y tế xã đạt chuẩn và tỷ lệ bao phủ bảo hiểm y tế toàn dân, song chất lượng các dịch vụ y tế ở các vùng sâu, vùng xa vẫn chưa đáp ứng được nhu cầu của người dân… Điều này cho thấy sự phân bổ nguồn lực, phương thức chỉ đạo, cách thức huy động nguồn lực chưa phù hợp đặc điểm vùng, miền.

Tổ chức sản xuất nông nghiệp, nói rộng hơn là kinh tế nông thôn, chưa phát triển như mong muốn. Trong đó, bảo vệ môi trường là một trong những vấn đề “nóng” nhất, cần quan tâm xử lý cấp bách. Hiện nay, chỉ có 63,7% số xã được thu gom rác thải và mới được xử lý một phần. Có đại biểu chỉ ra: Ngoài lo lắng về xử lý rác thải, chúng ta đang phải đối mặt với những hạn chế trong bảo vệ môi trường sản xuất nông nghiệp, chăn nuôi, sử dụng hóa chất trong trồng trọt; hệ thống sông, suối đang bị ô nhiễm đe dọa chất lượng cuộc sống của người dân. Do đó, các đại biểu QH kiến nghị, cần quyết liệt hơn nữa trong đẩy mạnh cơ cấu lại nông nghiệp, tập trung phát triển sản xuất nông nghiệp theo hướng hàng hóa, quy mô lớn, ứng dụng công nghệ cao; sản xuất theo chuỗi giá trị, gắn sản xuất nguyên liệu với bảo quản, chế biến và tiêu thụ sản phẩm, nhằm nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững. Đồng thời tăng cường các hoạt động bảo vệ môi trường, hạn chế rác thải nhựa trên mọi lĩnh vực đời sống.

Nhiều đại biểu QH kiến nghị trong thời gian tới, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cần phối hợp các bộ, ngành liên quan triển khai đồng bộ các giải pháp, nguồn lực và nhất là chú trọng các xã an toàn khu, các xã vùng căn cứ kháng chiến, vùng sâu, vùng xa. Có các chính sách để khuyến khích doanh nghiệp quan tâm và tích cực đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn…

message zalo