Đang tải...
Ngày đăng: 13/06/2019
Mặc dù gặp nhiều khó khăn, đặc biệt là nguồn vốn hạn hẹp nhưng những năm qua Quàng Trị đã có nhiều giải pháp cụ thể để từng bước tăng tỷ lệ người dân nông thôn được sử dụng nước sạch. Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Quảng Trị, đến hết tháng 6 năm 2019, dự kiến tỷ lệ người dân nông thôn trên địa bàn được sử dụng nước hợp vệ sinh đạt 93,44%, trong đó tỷ lệ người dân được sử dụng nước sạch đạt hơn 51%. Có thể nói, việc đưa nước hợp vệ sinh về vùng nông thôn đã làm thay đổi bộ mặt ở nhiều vùng quê trên địa bàn tỉnh Quảng Trị. Trong đó, xã Cam Hiếu huyện Cam Lộ là một ví dụ điển hình. Trước đây, nước sạch sinh hoạt là một trong những vấn đề bức xúc của người dân địa phương. Đa số bà con vẫn đang dùng nước giếng khơi nhiễm phèn, nhiễm mặn nặng. Để giải quyết vấn đề này, trong quá trình xây dựng nông thôn mới, được sự hỗ trợ của huyện, Cam Hiếu đã huy động, lồng ghép nhiều nguồn lực đầu tư xây dựng các công trình nước sạch. Chỉ tính trong năm 2018, đã xây dựng được 2 công trình ở Hiếu Bắc và Hiếu Nam theo phương châm “Nhà nước và nhân dân cùng làm” với tổng kinh phí khoảng 7,5 tỷ đồng, tạo điều kiện cho khoảng 700 hộ dân có nguồn nước sạch sinh hoạt. Cùng với việc lồng ghép các nguồn vốn khác nhau và từ Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, mục tiêu về nước sạch và môi trường nông thôn ở xã Cam Hiếu đã có nhiều chuyển biến tích cực. Đến nay 60% người dân được sử dụng nước sạch, góp phần nâng cao sức khỏe của nhân dân trên địa bàn.
Tuy nhiên, việc đưa nước sạch về vùng nông thôn ở Quảng Trị cũng đang gặp nhiều khó khăn do các công trình cấp nước tập trung vùng nông thôn chủ yếu là công trình có quy mô nhỏ, hiệu quả khai thác không cao, số hộ dân tham gia sử dụng ít, chi phí quản lý, vận hành cao. Bên cạnh đó, các công trình chủ yếu tập trung ở vùng núi, vùng biên giới nên ảnh hưởng đến công tác quản lý, duy tu, bảo dưỡng công trình. Trên địa bàn thường xuyên xảy ra bão, lũ làm hư hỏng, cuốn trôi các hạng mục công trình cấp nước tự chảy ở miền núi như đập dâng, đường ống dẫn nước nhưng việc khắc phục chưa kịp thời và khó khăn về tài chính dẫn đến công trình bị hỏng hoặc ngừng hoạt động. Hay phần lớn các công trình tự chảy ở khu vực miền núi không thu tiền sử dụng nước hoặc có thu nhưng không đủ chi các khoản như lương công nhân, tiền mua hóa chất xử lý nước, tiền điện…do đó không có kinh phí để bảo dưỡng khiến công trình xuống cấp nhanh và hư hỏng.
Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Quảng Trị, nhằm nâng cao tỷ lệ người dân vùng nông thôn được tiếp cận nguồn nước hợp vệ sinh UBND tỉnh cần ban hành các cơ chế khuyến khích đầu tư, hỗ trợ đầu tư, tạo điều kiện thuận lợi thu hút các thành phần kinh tế tham gia trong lĩnh vực cấp nước nông thôn. Bên cạnh đó, thời gian tới sở sẽ tiến hành kiểm tra, rà soát, bổ sung, điều chỉnh quy hoạch cấp nước nông thôn phù hợp với đời sống, nhận thức, nhu cầu nước sạch của người dân và sự biến đổi khí hậu trong giai đoạn hiện nay. Ngoài ra, cần ưu tiên xây dựng các nhà máy cấp nước liên khu vực và có công suất lớn hơn 500 m3/ngày, đêm để thuận tiện cho việc kiểm soát chất lượng nước cũng như thuận lợi cho công tác quản lý, vận hành, giảm giá thành nước thành phẩm; hạn chế tối đa xây dựng mới các công trình cấp nước tập trung có quy mô nhỏ dưới 50 m3/ngày, đêm. Mặt khác, đối với các công trình có công suất nhỏ sau khi xây dựng hoàn thành bàn giao cho địa phương quản lý, khai thác; đối với công trình có công suất lớn hơn 500 m3/ngày, đêm sau khi hoàn thành cần bàn giao cho các đơn vị có chuyên môn để quản lý, khai thác nhằm đảm bảo tính hiệu quả và bền vững của công trình; có cơ chế lồng ghép các nguồn vốn nhà nước, đầu tư của các tổ chức kinh tế và đóng góp của nhân dân để xây dựng các công trình cấp nước tập trung liên xã có công suất lớn, chất lượng nước đạt tiêu chuẩn.