Đang tải...

lang-vi
lang-en

Trung tâm quốc gia nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn

National center for rural water supply and environmental sanitation

Quảng Ninh: Hoàn thành mục tiêu nước sạch sinh hoạt cho người dân khu vực nông thôn

Ngày đăng: 17/11/2023

 

Năm 2019, khi đến xã vùng cao Quảng An (huyện Đầm Hà) với 1.427 hộ dân sinh sống, trong đó phần nhiều là đồng bào dân tộc Dao, phóng viên khá ngạc nhiên bởi sự vào cuộc của người dân trong việc cùng nhau vận động, quyên góp để xây dựng những công trình nước sạch trên địa bàn. Có những công trình, số tiền đóng góp của mỗi hộ lên đến gần chục triệu đồng, nhưng bà con vẫn tích cực hưởng ứng. Tính đến hết năm 2020, trên địa bàn xã có 7 công trình cấp nước tập trung, trong đó chỉ có 3 công trình do Nhà nước đầu tư; 4 công trình còn lại đều do người dân đóng góp kinh phí.

Ông La Bằng (người dân của thôn Làng Ngang, xã Quảng An), cho biết: Để khắc phục tình trạng thiếu nước sinh hoạt và muốn có nguồn nước đảm bảo, cuối năm 2017, bà con khu tôi đã cùng nhau họp bàn đóng góp xây dựng công trình nước sinh hoạt tập trung. Việc đóng góp hoàn toàn trên tinh thần tự nguyện của các hộ, nghĩa là hộ nào có nhu cầu dùng nước sinh hoạt thì tham gia chứ không bắt buộc. Do gắn với nhu cầu hằng ngày, nên nhiều hộ trong thôn đồng tình, mặc dù số đóng góp không hề nhỏ (mỗi hộ gần 7,3 triệu đồng). Hiện công trình của khu dân cư chúng tôi cung cấp nước sinh hoạt rất tốt cho 55 hộ dân. Bà con ai cũng hài lòng.

Không chỉ với Quảng An, một số xã trên địa bàn Quảng Ninh cũng có sự huy động sức dân trong xây dựng các công trình nước sinh hoạt trên địa bàn. Đến cuối năm 2022, toàn tỉnh có 209 công trình, hệ thống công trình tham gia cấp nước tập trung khu vực nông thôn; trong đó 196 công trình khai thác nguồn nước mặt (sông, hồ, khe, suối), 13 công trình khai thác nguồn nước ngầm. Trong số các công trình trên có 18 công trình do doanh nghiệp quản lý, 10 công trình do đơn vị sự nghiệp công lập quản lý, còn lại do UBND cấp xã (tổ quản lý, HTX) quản lý. Tỷ lệ dân cư nông thôn sử dụng nước hợp vệ sinh đạt 99,89%; tỷ lệ hộ gia đình khu vực nông thôn được sử dụng nước sạch đáp ứng QCVN-02:2009/BYT mới đạt 57,30%.

Để đảm bảo chất lượng nước sạch đáp ứng QCVN-02:2009/BYT đạt trên 70% theo Nghị quyết số 12-NQ/TU ngày 28/11/2022 của Tỉnh ủy; các ngành, địa phương rà soát lại hiện trạng cấp nước trên địa bàn; đề ra giải pháp nâng tỷ lệ cung cấp nước sinh hoạt đạt chuẩn.

Bên cạnh việc rà soát, thống kê hiện trạng cấp nước nông thôn, tổng hợp các hộ sử dụng nước, đánh giá những khu vực khó khăn về cung cấp nước; các ngành, địa phương còn khẩn trương đề xuất những công trình cấp nước nông thôn cần đầu tư trong các giai đoạn tiếp theo; giải pháp cấp nước đối với các hộ nhỏ lẻ, địa hình khó khăn; đẩy mạnh vận động trong xây dựng công trình nước tập trung để cung cấp cho người dân khu vực nông thôn, nhất là khu vực đồng bào DTTS, miền núi, biên giới, hải đảo. Sở Xây dựng cũng tham mưu xây dựng đề án cấp nước sạch nông thôn trên địa bàn tỉnh đến năm 2025.

Công ty CP Nước sạch Quảng Ninh đang tiếp nhận bàn giao một số hệ thống cấp nước nông thôn để quản lý vận hành hiệu quả, nâng cao chất lượng, đảm bảo người dân nông thôn được sử dụng nước sạch theo quy chuẩn. Công ty cũng đã xây dựng kế hoạch, triển khai thực hiện mở rộng mạng lưới cấp nước đô thị ra các vùng lân cận, những xã có điều kiện địa hình thuận lợi. Về phía các địa phương cũng đã lồng ghép nguồn vốn phát triển hạ tầng để đầu tư các công trình nước sinh hoạt trên địa bàn.

Nhờ đó, đến nay, trên địa bàn tỉnh đã có 221 công trình cấp nước sinh hoạt tập trung khu vực nông thôn đang hoạt động; qua đó đưa tỷ lệ hộ gia đình nông thôn sử dụng nước hợp vệ sinh đạt 99,96%, tăng 0,07% so với cuối năm 2022. Có 118.169 hộ dân khu vực nông thôn sử dụng nước sinh hoạt đạt QCVN-02:2009/BYT, chiếm 86,37% hộ dân khu vực nông thôn trên địa bàn tỉnh, vượt chỉ tiêu Nghị quyết 12-NQ/TU đề ra.

Nghị quyết số 10-NQ/TU ngày 26/9/2022 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với quản lý tài nguyên, bảo vệ môi trường, phòng tránh và giảm nhẹ thiên tai, ứng phó với biến đổi khí hậu, bảo đảm an ninh nguồn nước giai đoạn 2022-2023, đề ra mục tiêu đến năm 2025 có 80% hộ gia đình ở nông thôn được sử dụng nước sạch theo quy chuẩn… Theo định hướng Quy hoạch tỉnh đến năm 2025, dân số toàn tỉnh khoảng 1,97 triệu người, dân số thường trú khoảng 1,449 triệu người, trong đó dân số nông thôn khoảng 434.000 người.

Với quy mô dân số tăng nhanh, đòi hỏi chính quyền địa phương các cấp cần tiếp tục dành nguồn lực đầu tư xây dựng, sửa chữa, nâng cấp các công trình cấp nước tập trung; có giải pháp tích cực để hỗ trợ doanh nghiệp trong GPMB đầu tư công trình, đường ống cấp nước tập trung… Qua đó, đảm bảo duy trì và nâng tỷ lệ cấp nước sạch sinh hoạt, nước đạt quy chuẩn cho người dân trên địa bàn.

 

message zalo