Đang tải...

lang-vi
lang-en

Trung tâm quốc gia nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn

National center for rural water supply and environmental sanitation

Quảng Ngãi triển khai các giải pháp mang nước sạch đến cho đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi

Ngày đăng: 11/10/2024

Tại các huyện miền núi như Trà Bồng và Sơn Hà, đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) và miền núi nhiều năm trong tình trạng thiếu nước sạch, bởi những khó khăn về điều kiện tự nhiên và hạ tầng. Mùa khô kéo dài và nắng nóng gay gắt, nguồn nước sinh hoạt trở nên khan hiếm, trong khi mùa mưa lại mang đến lũ lụt, sạt lở đất và nứt núi, gây thiệt lại nặng nề. Với Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi, giai đoạn 2021-2025 (Chương trình), tỉnh Quảng Ngãi đã tập trung thực hiện Dự án 1, đầu tư hạ tầng cung cấp nước sạch cho đồng bào.

 

Quảng Ngãi nỗ lực mang nước sạch đến vùng đồng bào DTTS

 

Huyện Trà Bồng, nơi sinh sống của nhiều dân tộc như Kinh, Co, Hre, Ca Dong, Hoa và Mường, là một trong những khu vực chịu ảnh hưởng nặng nề nhất. Thiếu nước sinh hoạt trở thành vấn đề cấp bách đối với hàng nghìn hộ dân, trong đó có 1.321 hộ đồng bào DTTS số đang cần được hỗ trợ. Người dân nhiều nơi phải đi xa để lấy nước từ các dòng suối đang dần cạn kiệt, thậm chí phải đợi cả đêm để có nước dùng. Việc sử dụng nước suối không qua xử lý cũng đặt ra nhiều vấn đề về vệ sinh và sức khỏe.

Tại huyện Sơn Hà, tình trạng tương tự cũng xảy ra, khi người dân ở thôn Làng Rí phải đi xa hàng cây số để lấy nước mỗi khi nắng nóng kéo dài. Cuộc sống của đồng bào DTTS tại đây vẫn còn gặp nhiều khó khăn, với mong muốn có được nguồn nước sạch và hợp vệ sinh để sử dụng trong sinh hoạt hàng ngày.

Nhằm nâng cao đời sống và giải quyết vấn đề thiếu nước sinh hoạt cho đồng bào DTTS và miền núi, ngày 01/02/2024, Ủy ban nhân dân tỉnh Quảng Ngãi đã ban hành Kế hoạch số 24/KH-UBND về việc triển khai thực hiện Chương trình năm 2024. Kế hoạch tập trung vào việc nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân. Trong năm 2024, một trong những chỉ tiêu chủ yếu của Kế hoạch là xây dựng hai công trình nước sinh hoạt tập trung tại các khu vực miền núi. Bên cạnh đó, tỉnh Quảng Ngãi hỗ trợ 2.360 hộ DTTS đang thiếu nước sinh hoạt tiếp cận được nguồn nước phân tán, giúp cải thiện đáng kể tình trạng khan hiếm nước, đặc biệt trong những mùa khô hạn kéo dài.

Để thực hiện hiệu quả Kế hoạch, UBND tỉnh chỉ đạo các sở, ban, ngành liên quan có sự phối hợp chặt chẽ. Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chủ trì khảo sát, lập kế hoạch chi tiết cho việc xây dựng các công trình nước sinh hoạt. Sở Kế hoạch và Đầu tư cùng Sở Tài chính sẽ đảm bảo nguồn vốn và theo dõi quá trình giải ngân để hoàn thành đúng tiến độ.

Bên cạnh đó, Mặt trận Tổ quốc (MTTQ) tỉnh Quảng Ngãi và các tổ chức đoàn thể đóng vai trò quan trọng trong việc tuyên truyền, vận động người dân hiểu rõ chính sách hỗ trợ và cách bảo vệ, sử dụng nguồn nước hiệu quả. Đồng thời, MTTQ tham gia vào công tác giám sát và phản biện xã hội, đảm bảo tính minh bạch trong quá trình thực hiện, phát hiện và kiến nghị những vấn đề bất cập để đảm bảo chính sách được thực hiện công bằng và đúng đối tượng. Vai trò giám sát của MTTQ không chỉ góp phần nâng cao hiệu quả của Chương trình, mà còn tạo sự đồng thuận trong xã hội,để các công trình nước sinh hoạt và nguồn lực hỗ trợ thực sự mang lại lợi ích thiết thực cho đồng bào DTTS, giúp cải thiện đáng kể chất lượng cuộc sống của người dân.

Từ nguồn vốn của Chương trình, tỉnh Quảng Ngãi đã đầu tư xây dựng 45 công trình nước sinh hoạt tập trung, mang lại lợi ích cho hơn 3.226 hộ dân; đồng thời hỗ trợ nước sinh hoạt phân tán cho 2.875 hộ đồng bào DTTS. Việc đầu tư này đã phần nào giải quyết được tình trạng khan hiếm nước, đặc biệt là ở các khu vực miền núi có địa hình phức tạp.

Trong những năm qua, huyện Trà Bồng đã tận dụng nhiều nguồn lực từ các chính sách dân tộc do Thủ tướng Chính phủ ban hành để từng bước cải thiện tình trạng thiếu nước sinh hoạt cho đồng bào. Đặc biệt, trong giai đoạn 2021 - 2025, huyện kỳ vọng sẽ giải quyết triệt để vấn đề này với sự đầu tư của Dự án 1 thuộc Chương trình. Tại các Quyết định số 5191/QĐ-UBND và Quyết định số 5192/QĐ-UBND của UBND huyện ban hành ngày 10/11/2023, Chủ tịch UBND huyện Trà Bồng đã phê duyệt phương thức và dự toán hỗ trợ nước sinh hoạt phân tán cho hai xã Trà Thanh và Trà Phong.

Theo Quyết định này, xã Trà Thanh mua bồn chứa nước Inox dung tích 700 lít để cung cấp cho 215 hộ gia đình tại các thôn Môn, Vuông, Cát, và Gỗ, với tổng kinh phí thực hiện là 642 triệu đồng. Tại xã Trà Phong, 49 hộ gia đình ở các thôn Trà Nga, Trà Niu, Trà Bung, Hà Riềng, và Gò Rô sẽ được cung cấp bồn chứa nước và 825m ống dẫn nước, với kinh phí thực hiện là 147 triệu đồng. UBND huyện Trà Bồng yêu cầu các xã tổ chức thực hiện các dự án một cách tiết kiệm, hiệu quả và tuân thủ theo quy định của Bộ Tài chính để đảm bảo chất lượng công trình.

Tại huyện Sơn Hà, trên 15,4 tỷ đồng đã được phân bổ để xây dựng các công trình nước sinh hoạt tập trung ở 7 xã vùng cao, nhằm khắc phục tình trạng thiếu nước sinh hoạt. Các công trình này đã được giao cho UBND các xã quản lý và vận hành một cách hiệu quả. Trong khi đó, huyện Sơn Tây đã phân bổ 9 tỷ đồng cho các công trình nước sinh hoạt phân tán tại xã Sơn Liên và Sơn Tân. Xã Sơn Liên được đầu tư xây dựng 38 giếng nước, cung cấp nước sinh hoạt cho 92 hộ dân và các cơ quan, tổ chức tại trung tâm xã. Xã Sơn Tân cũng đã xây dựng 11 giếng nước, giúp 62 hộ đồng bào DTTS tiếp cận được nguồn nước sạch.

Riêng xã Sơn Giang, huyện Sơn Hà, việc cung cấp nước sạch đến tận nhà đã cải thiện đáng kể đời sống sinh hoạt của người dân. Nhiều gia đình đã đầu tư bồn chứa nước để dự trữ và sử dụng hàng ngày, giảm bớt tình trạng khan hiếm nước, đặc biệt trong mùa khô. Tại xã Sơn Giang, nhờ có hệ thống nước sạch, tình trạng học sinh tắm sông, suối đã giảm đáng kể, góp phần hạn chế nguy cơ đuối nước. Địa phương cũng đang lên kế hoạch tiếp tục đầu tư các công trình nước ở những vùng khô hạn, đảm bảo mọi người dân được sử dụng nước sạch và hợp vệ sinh.

Huyện Ba Tơ được phân bổ trên 18,6 tỷ đồng để đầu tư 9 công trình nước sinh hoạt tập trung tại 8 xã đặc biệt khó khăn, phục vụ hơn 750 hộ dân. Các công trình này đã được bàn giao cho địa phương để vận hành và đưa vào sử dụng. Huyện Ba Tơ hiện đang xây dựng quy chế quản lý và vận hành các công trình nước nhằm đảm bảo sử dụng lâu dài và hiệu quả.

Mặc dù Quảng Ngãi đã đạt nhiều kết quả trong việc cung cấp nước sinh hoạt cho đồng bào DTTS, nhưng vẫn còn gặp nhiều khó khăn. Tình trạng thiếu nước vào mùa nắng kéo dài, cùng với nước giếng khoan thường xuyên bị nhiễm phèn và mặn, làm cho việc tiếp cận nguồn nước sạch trở nên khó khăn. Ngoài ra, hạ tầng cấp nước tại các khu vực miền núi vẫn chưa đáp ứng đủ nhu cầu, nhận thức của một số hộ dân về tầm quan trọng của nước sạch còn hạn chế.

Trong thời gian tới, Ban Dân tộc tỉnh Quảng Ngãi yêu cầu đẩy mạnh công tác tuyên truyền, huy động sự tham gia của các sở, ban, ngành, hội đoàn thể và UBND các huyện trong việc thực hiện các chính sách dân tộc, đặc biệt là Chương trình. Bên cạnh đó, các huyện chỉ đạo các đơn vị được giao vốn đẩy nhanh tiến độ thực hiện các chương trình và chính sách dân tộc, tập trung vào những vấn đề cấp bách như hỗ trợ nước sinh hoạt cho đồng bào DTTS. Các phòng Dân tộc tại các huyện được giao nhiệm vụ tích cực tham mưu cho UBND huyện trong việc triển khai hiệu quả các chính sách. Đồng thời, các địa phương cần thường xuyên phối hợp với các phòng chuyên môn của Ban Dân tộc tỉnh và các sở, ban, ngành chủ trì để đảm bảo tiến độ và chất lượng công việc, hoàn thành tốt kế hoạch vốn năm 2024 đã được UBND tỉnh giao.

 

Nguồn: Tạp chí mặt trận

message zalo