Đang tải...
Ngày đăng: 12/08/2019
Trong những năm qua, các cấp, các ngành và địa phương trên địa bàn tỉnh Quảng Bình đã triển khai nhiều hoạt động bảo vệ môi trường trong sản xuất nông nghiệp, nông thôn nhằm kiểm soát và hạn chế ô nhiễm; đồng thời tổ chức các hình thức tuyên truyền phong phú, ý nghĩa, thiết thực, thu hút được đông đảo tầng lớp Nhân dân tham gia, mang lại hiệu quả cao trong việc nâng cao nhận thức về bảo vệ môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu, bảo tồn đa dạng sinh học... Đến nay, toàn tỉnh có 97/136 xã đạt tiêu chí môi trường và an toàn thực phẩm trong xây dựng nông thôn mới, chiếm 71,3% (trong đó 62 xã được công nhận đạt nông thôn mới).
Bên cạnh đó, các địa phương đã chú trọng triển khai công tác vệ sinh môi trường đường làng, ngõ xóm, nhiều xã ban hành quy chế bảo vệ môi trường, trong đó phân công cụ thể trách nhiệm cho các hội, đoàn thể, thôn trong xã thực hiện công tác vệ sinh môi trường định kỳ. Mặt khác, công tác thu gom các loại vỏ bao bì hóa chất bảo vệ thực vật tại khu vực đồng ruộng được cải thiện đáng kể, nhiều xã đã đầu tư thùng chứa vỏ bao bì hóa chất bảo vệ thực vật đặt xen kẽ tại các cánh đồng canh tác nhằm hạn chế tình trạng vứt rác bừa bãi dọc tuyến kênh mương, ven đường nội đồng. Phụ phẩm trong nông nghiệp được thu gom, tận dụng làm thức ăn gia súc đệm lót sinh học hoặc bán cho các cơ sở sản xuất thức ăn chăn nuôi…
Theo báo cáo, toàn tỉnh hiện có 90,2% hộ nông thôn được sử dụng nước hợp vệ sinh và nước sạch theo quy định; 98% cơ sở sản xuất - kinh doanh, nuôi trồng thủy sản, làng nghề đảm bảo quy định về bảo vệ môi trường; 98% hộ gia đình cơ sở sản xuất - kinh doanh thực phẩm tuân thủ quy định về đảm bảo an toàn thực phẩm; 71,3% hộ có nhà tiêu, nhà tắm, bể chứa nước sinh hoạt hợp vệ sinh và đảm bảo 3 sạch. Tỷ lệ thu gom, xử lý rác thải bình quân chung của tỉnh đạt khoảng 77,4%, trong đó thành phố Đồng Hới đạt khoảng 94,2%, huyện Lệ Thủy đạt khoảng 81,8%, huyện Quảng Ninh đạt khoảng 75%, huyện Bố Trạch đạt khoảng 67,7%, thị xã Ba Đồn đạt khoảng 82%, huyện Quảng Trạch đạt khoảng 72,7% huyện Tuyên Hóa đạt khoảng 67,5% và huyện Minh Hóa đạt khoảng 59,3%.
Tuy nhiên, công tác xã hội hóa trong thực hiện tiêu chí môi trường ở một số địa phương hiệu quả không cao, chưa huy động được nguồn lực và sự tham gia tích cực của người dân. Nhiều địa phương vẫn đang thụ động trong việc quản lý, xử lý các vấn đề môi trường phát sinh trên địa bàn, chưa chú trọng thanh tra, kiểm tra, xử lý vi phạm theo thẩm quyền. Công tác quản lý chất thải rắn còn bất cập, đặc biệt là khu vực nông thôn, miền núi. Việc bố trí nguồn lực cho hoạt động thu gom, xử lý rác thải còn hạn chế nên tỷ lệ thu gom xử lý rác thải tại nhiều địa phương còn thấp. Hạ tầng môi trường (xử lý nước thải, rác thải sinh hoạt) đã được quan tâm đầu tư nhưng chưa đáp ứng được yêu cầu. Kinh phí đầu tư cho công tác khắc phục ô nhiễm, cải thiện môi trường ít, một số cơ sở sản xuất vận hành công trình xử lý môi trường còn mang tính chất đối phó…
Để nâng cao hiệu quả thực hiện tiêu chí môi trường và an toàn thực phẩm trong xây dựng nông thôn mới trên địa bàn tỉnh, trong những năm tới, các cấp, các ngành và địa phương tập trung triển khai tốt công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật, vận động Nhân dân, cơ sở sản xuất kinh doanh, dịch vụ nâng cao nhận thức về bảo vệ môi trường, chấp hành nghiêm quy định của pháp luật về bảo vệ môi trường trong sản xuất nông nghiệp, chăn nuôi, sản xuất, kinh doanh tại các làng nghề...; phát động phong trào bảo vệ môi trường và tích cực tham gia vào hoạt động phòng ngừa, đấu tranh với những vi phạm pháp luật về bảo vệ môi trường. Các địa phương chú trọng xây dựng và thực hiện quy ước, hương ước, cam kết về bảo vệ môi trường, các mô hình tự quản về môi trường của cộng đồng dân cư, nhất là ở khu vực nông thôn; phát triển phong trào quần chúng ở nông thôn, vận động Nhân dân tích cực tham gia bảo vệ môi trường.
Các sở, ngành và địa phương tăng cường công tác quản lý Nhà nước về bảo vệ môi trường; rà soát quy định hiện hành để bổ sung, sửa đổi, khắc phục các thiếu sót, tồn tại, bất cập trong bảo vệ môi trường nông thôn, trong đó tập trung đối với nhóm quy định về bảo vệ môi trường làng nghề, quản lý hóa chất bảo vệ thực vật, phân bón, chất kích thích sinh trưởng, hóa chất sử dụng trong chăn nuôi; đầu tư hệ thống thu gom, xử lý chất thải rắn, chất thải sinh hoạt nông thôn; giải quyết triệt để tình trạng ô nhiễm môi trường do hóa chất bảo vệ thực vật tại các điểm tồn lưu hóa chất bảo vệ thực vật ở khu vực nông thôn.
Ngoài ra, các cấp, các ngành và địa phương chú trọng công tác quy hoạch phát triển các khu, cụm, điểm công nghiệp, làng nghề tại khu vực nông thôn, bảo đảm tính khoa học cao, trên cơ sở tính toán kỹ lưỡng, toàn diện xu thế phát triển để có chính sách phù hợp, tránh tình trạng quy hoạch tràn lan, thiếu đồng bộ, chồng chéo; xử lý triệt để chất thải rắn, nước thải chăn nuôi, nuôi trồng thủy sản từ hộ chăn nuôi cá thể, trang trại chăn nuôi, nuôi trồng thủy sản tại khu vực nông thôn bằng mô hình xử lý sinh học kết hợp sử dụng khí sinh học trong sinh hoạt.