Đang tải...
Ngày đăng: 17/06/2019
Chính quyền các địa phương đã thực hiện nhiều giải pháp đồng bộ nhằm đối phó với hạn hán song nhiều hồ đập đã cạn. Nếu không có mưa trong khoảng 10 ngày tới thì nguy cơ mất trắng những diện tích sản xuất nông nghiệp là rất cao và người dân sẽ thiếu nước sinh hoạt trầm trọng.
Huyện Quảng Trạch là một trong những địa phương chịu ảnh hưởng nặng của tình trạng hạn hán.
Theo ông Nguyễn Xuân Đạt, Chủ tịch UBND huyện Quảng Trạch, tình hình hạn hán xảy ra trên địa bàn huyện khiến hàng trăm hecta lúa và hoa màu có nguy cơ mất trắng. UBND huyện cũng đã bố trí 14 trạm bơm từ các hồ, đập để cứu lúa, tuy nhiên, với hiện các hồ đập cũng đang cạn dần và thời tiết nắng nóng dự báo còn kéo dài.
Trong thời tiết bình thường, qua cân đối, lượng nước đủ đảm bảo cho sản xuất vụ Đông Xuân, còn vụ Hè Thu 2019 dự kiến không phục vụ được trên 2.630 ha. Đến thời điểm tháng 6/2019, do thời tiết nắng nóng, khô hạn nên có nhiều hồ đập mực nước đã xuống mức thấp nhất, không thể phục vụ tưới tiêu.
Từ đầu vụ Hè Thu đến nay, Công ty đã triển khai việc chống hạn khẩn trương và gấp rút cho các diện tích lúa có nguy cơ hạn hán. Tại các huyện phía Bắc của tỉnh Quảng Bình, công ty đã triển khai 7 cụm bơm (12 máy bơm) dã chiến để đưa nước rào nhỏ vào hệ thống kênh chính dẫn về ruộng để phục vụ tưới tiêu cho ruồng đồng.
Còn tại huyện Quảng Ninh, do nắng hạn, không đủ nước tưới tiêu nên địa phương này đã chủ động chuyển đổi cơ cấu cây trồng cho hơn 15ha sang cây hoa màu. Tuy nhiên, cánh đồng lúa chuyển đổi sang trồng rau, dưa…do không có nước tưới nên khô cháy.
Khô khát vì nắng hạn, thiếu nước sạch sinh hoạt trầm trọng, người dân vùng cát Quảng Bình đang phải đối mặt với nhiều nguy cơ bệnh tật xảy ra trong hè, đói trong mùa tiếp theo. Quảng Bình nghèo, nên các bộ, ngành Trung ương cần có những biện pháp hỗ trợ như; xây dựng các chương trình nước sạch, hỗ trợ thuốc men, lương thực… giúp người dân ở khúc ruột miền Trung này qua mùa nắng hạn.