Đang tải...
Ngày đăng: 28/03/2023
Hội nghị Nước Liên hợp quốc 2023 diễn ra từ ngày 22 đến 24/3 với 5 chủ đề đối thoại chính: Nước cho sức khỏe; Nước vì sự phát triển bền vững; Nước đối với khí hậu, phục hồi và môi trường; Nước đối với sự hợp tác; và Thập kỷ hành động nước. Các phiên thảo luận nhằm hướng tới việc nâng cao nhận thức về tầm quan trọng của nước, góp phần hoàn thành các mục tiêu phát triển bền vững trước năm 2030.
Với khoảng 6.500 khách mời tham dự, trong đó có hàng trăm bộ trưởng và hàng chục lãnh đạo nhà nước, tại hội nghị này, các chính phủ và doanh nghiệp nhà nước lẫn tư nhân đề xuất các chương trình bảo vệ nguồn nước nhằm đảo ngược xu hướng khan hiếm nước và giúp thế giới đạt được mục tiêu phát triển đã được đề ra vào năm 2015, trong đó bảo đảm “tiếp cận nước và hệ thống lọc nước cho tất cả mọi người vào năm 2030”.
Thực trạng đáng báo động
Thế giới đã trải qua nhiều thập kỷ quản lý sai và lạm dụng nguồn nước, khiến nước giờ đây trở thành một vấn đề cấp bách, đe dọa nhiều khía cạnh của cuộc sống và ảnh hưởng tới hàng tỷ người phụ thuộc vào nguồn tài nguyên quan trọng này.
Tình trạng biến đổi khí hậu toàn cầu càng khiến nước ảnh hưởng sâu sắc hơn đến các nền kinh tế-xã hội và môi trường trên thế giới. Một thực tế đáng lo ngại, hơn 80% nước thải ra môi trường không được xử lý hoặc tái sử dụng. Gần 3/4 số vụ thảm họa những năm gần đây liên quan đến nước, gây thiệt hại kinh tế gần 700 tỷ USD trong vòng 20 năm qua.
Đại dịch Covid-19 vừa qua càng phơi bày thêm những lỗ hổng chung của thế giới trong vấn đề khai thác, quản lý và sử dụng nguồn nước. Báo cáo của Liên hợp quốc cảnh báo rằng, nguồn nước của thế giới đang bị đe dọa nghiêm trọng do việc tiêu thụ nước vô tội vạ và phát triển quá mức.
Tổng Thư ký Liên hợp quốc Antonio Guterres (A.Gu-tê-rét) cho rằng, thế giới đang đi chệch hướng khi việc sử dụng nước không bền vững, tình trạng ô nhiễm và ấm lên của nhiệt độ toàn cầu ngoài tầm kiểm soát đang khiến nguồn nước trở nên cạn kiệt. Trong khi đó, tác giả của báo cáo - ông Richard Connor (R.Co-nơ) cho rằng, tác động của cuộc khủng hoảng nước thế giới là vấn đề về “các kịch bản”.
Thế giới đang đi chệch hướng khi việc sử dụng nước không bền vững, tình trạng ô nhiễm và ấm lên của nhiệt độ toàn cầu ngoài tầm kiểm soát đang khiến nguồn nước trở nên cạn kiệt. Tổng Thư ký Liên hợp quốc Antonio Guterres |
Theo ông Connor, nếu không có nỗ lực nào được thúc đẩy, khoảng 40-50% dân số thế giới sẽ không được tiếp cận với hệ thống vệ sinh và khoảng 20-25% dân số thế giới sẽ không được tiếp cận với nguồn cung cấp nước sạch. Ông Connor nhấn mạnh, dân số thế giới ngày càng tăng đồng nghĩa với việc ngày càng có nhiều người không được tiếp cận nguồn nước sạch. Tình trạng khan hiếm nước trở nên trầm trọng do ô nhiễm và lạm dụng, trong khi sự ấm lên toàn cầu làm gia tăng tình trạng thiếu nước theo mùa ở cả những khu vực có nhiều nước cũng như những khu vực vốn khô cạn.
Cuộc khủng hoảng nước hiện nay là mối đe dọa đối với tất cả các quốc gia. Khoảng 10% dân số thế giới đang sống tại các nước bị đe dọa về nguồn nước. Ít nhất 2 tỷ người trên toàn cầu sử dụng nguồn nước uống bị ô nhiễm, khiến gia tăng nguy cơ mắc bệnh tả, kiết lỵ, thương hàn và bại liệt, trong khi khoảng 3,6 tỷ người không được tiếp cận hệ thống lọc nước hiệu quả.
Con số này thậm chí còn chưa tính đến nguy cơ ô nhiễm nước do dược phẩm, hóa chất, thuốc trừ sâu, hạt vi nhựa và vật liệu nano. Người nghèo là đối tượng chịu ảnh hưởng nghiêm trọng nhất khi tình trạng mất an ninh nguồn nước đang làm suy yếu an ninh lương thực, an ninh y tế, an ninh năng lượng hoặc phát triển đô thị và các vấn đề xã hội.
Tính trên phạm vi toàn cầu, khoảng 600 triệu trẻ em chưa có được nguồn nước uống bảo đảm, hơn 1,1 tỷ người không được tiếp nhận điều kiện vệ sinh đầy đủ. Quỹ Nhi đồng Liên hợp quốc (UNICEF) mới đây công bố báo cáo cho thấy, khoảng 190 triệu trẻ em tại châu Phi đối mặt với ba nguy cơ cùng lúc liên quan đến nước gồm tiếp cận nguồn nước, vệ sinh môi trường và vệ sinh cá nhân (WASH). Theo Giám đốc Chương trình Nước sạch và vệ sinh của UNICEF, châu Phi đang đối mặt với một thảm họa về nước.
Các cú sốc liên quan đến khí hậu và nước ngày một leo thang trên toàn cầu, nhưng châu Phi là khu vực có nguy cơ cao và nghiêm trọng nhất với trẻ em. 10 nước châu Phi hội tụ cùng lúc ba nguy cơ nghiêm trọng nhất về WASH gồm Benin, Burkina Faso, Cameroon, Chad, Côte d’Ivoire, Guinea, Mali, Niger, Nigeria và Somalia. Thực tế này khiến vùng Tây và Trung Phi trở thành khu vực mất an toàn nhất về nước, cũng như chịu đựng mức tổn thất lớn nhất về biến đổi khí hậu. Trung bình có khoảng 1.000 trẻ em dưới 5 tuổi tử vong mỗi ngày do những bệnh liên quan đến các dịch vụ WASH, trong đó cứ 5 trẻ thì có 2 trẻ sống ở 10 quốc gia châu Phi nêu trên.
Cấp bách vấn đề quản lý nguồn nước
Theo Liên hợp quốc, nước đóng vai trò nòng cốt và vô cùng quan trọng đối với sự sống trên hành tinh, trong đó có sự phát triển bền vững hiện nay cũng như trong tương lai; tiếp cận nguồn nước sạch và an toàn là quyền cơ bản nhất của con người. Trong bối cảnh các hệ sinh thái nước ngọt, vốn cung cấp các nguồn lực kinh tế và tiết chế sự ấm lên của khí hậu trái đất, là một trong những nơi bị đe dọa nhất trên thế giới, nếu không khẩn trương hành động và có một chu trình quản lý nước hiệu quả ngay từ bây giờ, sức khỏe con người và môi trường thế giới sẽ đối mặt với khủng hoảng. Điều này khiến cho một tương lai bền vững, công bằng vẫn nằm ngoài tầm với.
Báo cáo về nước của Liên hợp quốc đã kết luận rằng, để bảo đảm khả năng tiếp cận nước uống an toàn cho tất cả mọi người vào năm 2030, mức đầu tư hiện tại sẽ phải tăng gấp 3 lần. Tuy nhiên, một số nhà quan sát bày tỏ lo ngại về quy mô của những cam kết này và khả năng tài trợ để hiện thực hóa cam kết.
Hội nghị Nước Liên hợp quốc năm 2023 là cơ hội để các quốc gia cùng thảo luận, đánh giá, chia sẻ kinh nghiệm, kết quả triển khai Thập kỷ Hành động “Nước vì phát triển bền vững”; tìm kiếm các sáng kiến mới, đưa ra những cam kết và các chương trình hành động toàn cầu.
Đây cũng là sự kiện đánh dấu sự thay đổi lớn, căn bản trong nhận thức của nhân loại về vai trò, tầm quan trọng của tài nguyên nước đối với các thế hệ hôm nay và mai sau.