Đang tải...

lang-vi
lang-en

Trung tâm quốc gia nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn

National center for rural water supply and environmental sanitation

Nông nghiệp An Giang tìm hướng sản xuất thích ứng biến đổi khí hậu

Ngày đăng: 29/12/2017

 

Biến đổi khí hậu thời gian qua đã tác động tiêu cực đến sản xuất, khiến cây trồng giảm năng suất, thậm chí thất thu,.. thực tế này đòi hỏi ngành chức năng và nông dân phải có giải pháp canh tác mới, sao cho giảm thiểu thiệt hại và thích ứng với tình hình mới. 

* Hiệu quả từ mô hình 
Gần 4 năm nay, 15 hộ dân ở phường Châu Phú B, thành phố Châu Đốc, tỉnh An Giang, tham gia vào tổ hợp tác sản xuất rau an toàn phường Châu Phú B trên cơ sở cùng góp đất, góp vốn xây dựng mô hình đa canh ứng dụng công nghệ cao trên diện tích 1,9 ha kết hợp trồng rau màu, cây ăn trái và hoa cảnh. Hầu hết các loại rau như dưa bao tử, rau cải, cà chua; dư lê, dưa lưới… đều cho thu hoạch với năng suất và chất lượng rất cao, hiện không đủ để bán cho khách hàng. 
Tham quan thực tế mô hình trồng dưa lưới, dưa lê và cà chua bi cao sản của gia đình ông Hồ Tấn Phong, tổ trưởng tổ hợp tác sản xuất rau an toàn phường Châu Phú B, thành phố Châu Đốc. Nhìn từ xa, khu nhà lưới khoác trên mình "chiếc áo" màu trắng lớn nổi bật giữa bạt ngàn màu xanh của xoài. Khu nhà lưới rộng 2.300 m2, kết cấu khung bằng vật liệu ống sắt không gỉ; xung quanh vây kín bằng lưới chống côn trùng cao khoảng 2m. Toàn bộ mái nhà lưới được lắp tấm nilông chịu nhiệt có độ bền cao. Đặc biệt, tại đây có hệ thống tưới nước tự động theo nhiều chế độ phun và nhỏ giọt để phục vụ sản xuất. Bởi vậy, mô hình rất thích hợp áp dụng quy trình sản xuất rau an toàn theo tiêu chuẩn VietGAP. 
Ông Hồ Tấn Phong, chủ khu nhà lưới vui vẻ cho biết, nhờ xây dựng nhà lưới nên gia đình tôi có thể trồng dưa lưới, dưa lê và cà chua quanh năm, không lo thất thu vì sâu bệnh hại mà vẫn bảo đảm an toàn. Hiện tại, có thể làm được 7 vụ/2 năm thay vì 3 vụ một năm như trước đây. Diện tích trong nhà lưới cũng được phân chia thành từng khu, như khu trồng dưa lưới, khu trồng dưa lê, khu trồng cà chua bi cao sản,…và cả khu ghép cây giống. 
Theo ông Phong, trồng trong nhà lưới nên các loại thuốc bảo vệ thực vật rất ít được sử dụng ở đây vì có hệ thống lưới bảo vệ tránh côn trùng xâm hại. Nếu có sử dụng thì đều là thuốc thảo mộc, không gây hại sức khỏe con người. 
Điển hình dễ thấy nhất là cây dưa lưới. Đây là cây khó trồng, dễ nhiễm sâu bệnh; nếu trồng thông thường (không áp dụng mô hình nhà lưới) thì thường xuyên phải dùng thuốc trừ sâu bệnh; còn khi trồng trong nhà lưới, không dùng thuốc song cây dưa lưới vẫn khỏe mạnh, cây phát triển tốt, cho quả to, đều và ngọt,… 
Ngoài ít sâu bệnh, người dân còn có thể trồng một số cây trái vụ khi có nhà màng như dưa leo baby, cà chua… Anh Nguyễn Thanh Long, kỹ thuật viên Trung tâm Công nghệ sinh học-Sở Khoa học Công nghệ tỉnh An Giang cho biết, việc ứng dụng công nghệ cao nhất đầu tư nhà lưới và hệ thống tưới nhỏ giọt sẽ giúp nông dân tiết kiệm phân bón, nước tưới, đồng thời tăng năng suất, chất lượng sản phẩm; chủ động được sản xuất, không phụ thuộc vào thời tiết, từ đó giúp tăng nguồn thu nhập trên cùng một đơn vị diện tích. 
Mặt khác, thực hiện mô hình này giúp nông dân cải thiện sức khỏe vì không phải tiếp xúc với thuốc bảo vệ thực vật, góp phần bảo vệ môi trường. 
Tuy nhiên, theo anh Long, mô hình sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao đòi hỏi vốn chi phí đầu tư lớn, trong khi đầu ra sản phẩm còn hạn chế. Thị trường rau màu an toàn tuy có nhưng chưa ổn định,… nên người dân chưa mạnh dạn đầu tư vào sản xuất quy mô lớn. 
* Tìm hướng đi mới 
Năm 2017, tổng diện tích cây rau màu và cây ăn trái toàn tỉnh An Giang là 31.800 ha (trong đó diện tích cây rau màu là 16.000 ha, diện tích cây ăn trái là 15.800 ha) tăng 19,2% so cùng kỳ; trong đó diện tích cây ăn trái tăng chủ yếu trên địa bàn huyện Chợ Mới với diện tích cây ăn trái đã cho thu hoạch sản phẩm chiếm trên 11.700 ha. 
Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh An Giang Trần Anh Thư cho biết, là một tỉnh có lợi thế về sản xuất lúa gạo, đứng đầu khu vực đồng bằng sông Cửu Long, tuy nhiên những năm gần đây sản xuất lúa gạo ở An Giang gặp nhiều khó khăn, do thâm canh tăng vụ, cũng như ảnh hưởng của biến đổi khí hậu đã làm ảnh hưởng đến quá trình sinh trưởng phát triển của cây lúa. Do đó, An Giang đã chuyển đổi mô hình từ trồng lúa sang trồng một số loại rau màu và trồng cây ăn trái khác cho năng suất và lợi nhuận cao hơn. Đặc biệt là những vùng có lợi thế về trồng rau màu như: huyện An Phú, huyện Tân Châu, huyện Chợ Mới… 
“Hiện tỉnh An Giang có khoảng hơn 260.000 ha đất trồng lúa. Theo Đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp của tỉnh, đến năm 2020 An Giang sẽ chuyển đổi 20% đất trồng lúa sang trồng màu và cây ăn trái, trong đó xây dựng 5 vùng chuyên canh sản xuất và cung ứng rau, màu cho các tỉnh phía Nam và hướng đến phục vụ xuất khẩu. Quy hoạch một số vùng chuyên canh sản xuất rau, màu theo hướng mô hình liên kết tiêu thụ và sản xuất theo hướng công nghệ cao với diện thích khoảng 7.500 ha”, ông Thư cho biết thêm. 
Tuy nhiên, để chuyển đổi trồng màu hay trồng cây ăn trái trên nền đất lúa là một vấn đề không chỉ đơn giản là thay đổi từ giống cây trồng này bằng một giống cây trồng khác; đặc biệt là trồng rau màu và cây ăn quả theo hướng an toàn thì càng khó khăn hơn. Bởi, liên quan đến quy trình này đòi hỏi nhiều yếu tố như: kỹ thuật canh tác, vốn cho đầu tư chuyển dịch; giao thông nội đồng, thủy lợi nội đồng… cùng với đó là phải có được các loại giống phù hợp với thổ nhưỡng từng loại đất, cho hiệu quả kinh tế cao đủ sức cạnh tranh trên thị thường,… 
Ông Cao Vĩnh Thông, Trưởng phòng Bảo vệ thực vật, Chi cục Bảo vệ thực vật tỉnh An Giang cho biết, cây rau màu và cây ăn trái là những cây có thế mạnh sau cây lúa của tỉnh An Giang. Nhưng khi cây lúa không hiệu quả, muốn chuyển sang cây màu, người nông dân sẽ cần có thêm các yếu tố để quy hoạch lại sản xuất. Đặc biệt là thị trường và đầu ra cho sản phẩm, do đó, cần phải có sự liên kết chặt chẽ giữa doanh nghiệp và nông dân. 
Theo Phó Chủ tịch UBND tỉnh An Giang Lâm Quang Thi, việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng, trọng tâm là cây màu nhằm nâng cao năng suất, hiệu quả, năng lực cạnh tranh gắn với cơ cấu lại nông nghiệp; đổi mới mô hình tăng trưởng nông nghiệp theo phương châm lấy tổ chức lại sản xuất làm cơ sở, lấy ứng dụng thành tựu khoa học - kỹ thuật, công nghệ làm khâu đột phá, lấy thị trường làm tiền đề và mục tiêu. 
“Việc chuyển đổi một phần diện tích lúa sang trồng màu, nhằm giảm áp lực cho cây lúa trong bối cảnh thị trường tiêu thụ khó khăn hiện nay là điều cần thiết phải làm. Tuy nhiên cần phải có giải pháp căn cơ, phải đảm bảo đầu ra cho sản phẩm, tránh tình trạng cây màu rồi cũng sẽ rơi vào vòng luẩn quẩn được mùa, rớt giá như bao cây trồng khác ở đồng bằng sông Cửu Long” ông Thi lưu ý./. 

message zalo