Đang tải...

lang-vi
lang-en

Trung tâm quốc gia nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn

National center for rural water supply and environmental sanitation

Ninh Bình: Xây dựng nông thôn mới gắn với công tác bảo vệ môi trường để phát triển bền vững

Ngày đăng: 11/11/2019

 

Ông Lê Hùng Thắng, Phó Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường cho biết: Là cơ quan được giao hướng dẫn, đôn đốc, giám sát và công nhận thực hiện tiêu chí môi trường trong xây dựng nông thôn mới, Sở Tài nguyên và Môi trường đã ban hành văn bản hướng dẫn thực hiện tiêu chí môi trường trong xây dựng nông thôn mới đến các huyện, thành phố trong tỉnh để có căn cứ thực hiện.

Phối hợp chặt chẽ với các tổ chức chính trị - xã hội như Đoàn Thanh niên, Hội Phụ nữ, Hội Nông dân, Mặt trận Tổ quốc và các địa phương tuyên truyền các văn bản hướng dẫn của Trung ương, các bộ, ngành, tỉnh, các văn bản pháp luật về tài nguyên và bảo vệ môi trường liên quan đến trách nhiệm của địa phương, cơ sở và cộng đồng dân cư. Các đợt tuyên truyền cao điểm tập trung vào dịp tổ chức Tuần lễ Quốc gia về cung cấp nước sạch và vệ sinh môi trường từ ngày 29/4-6/5; Ngày Quốc tế đa dạng sinh học 22/5; Chiến dịch làm cho thế giới sạch hơn; Ngày đất ngập nước; Ngày môi trường thế giới 5/6...

Trung bình mỗi năm tổ chức 2 lớp tập huấn cho đối tượng là hội viên hội nông dân, hội phụ nữ, nhân dân các làng nghề tại các xã trên địa bàn tỉnh về thu gom rác thải sinh hoạt tại nông thôn, xử lý chất thải chăn nuôi và bảo vệ môi trường trong sản xuất nông nghiệp… Lĩnh vực công nghiệp được phát triển theo hướng hiện đại, thân thiện với môi trường.

Các doanh nghiệp có nguy cơ gây ô nhiễm môi trường đều được di dời vào các khu công nghiệp, cụm công nghiệp và làng nghề, đồng thời đầu tư thay đổi công nghệ tiên tiến, ít ảnh hưởng đến môi trường nông thôn.

Các cơ sở sản xuất, kinh doanh trên địa bàn đã cơ bản ý thức được công tác bảo vệ môi trường trong quá trình hoạt động của mình như: lập các thủ tục pháp lý về bảo vệ môi trường trình cấp có thẩm quyền phê duyệt; đầu tư kinh phí xây dựng hệ thống xử lý chất thải, thu gom, xử lý rác thải đúng quy định…

Các gia trại, trang trại chăn nuôi đã đầu tư xây dựng hệ thống biogas để xử lý chất thải phát sinh trong quá trình chăn nuôi.

Việc xã hội hóa nguồn lực trong công tác bảo vệ môi trường tại Ninh Bình đã được triển khai tại nhiều địa phương. Đã có 105/121 xã có mô hình thu gom rác thải, 6/6 huyện đã thành lập và đưa Trung tâm vệ sinh môi trường huyện hoạt động hiệu quả.

Một số xã đã xây dựng Đề án thu gom, xử lý rác thải và thành lập các tổ thu gom rác, việc thu gom, xử lý rác được giao cho hợp tác xã thu gom hoạt động hiệu quả, trong đó điển hình có mô hình tại huyện Yên Khánh: Mô hình Hợp tác xã điện nước, môi trường Khánh Phú (tỷ lệ thu gom rác thải đạt 95%); Mô hình hợp tác xã nông nghiệp thu gom, xử lý rác thải tại xã Khánh Nhạc (tỷ lệ thu gom đạt 90%); các cá nhân tại xã Khánh Vân, Khánh Mậu tự đứng ra thu gom, xử lý rác thải (tỷ lệ thu gom đạt 90%).

Huyện Hoa Lư có mô hình phân loại rác tại hộ gia đình và phương pháp xử lý rác hữu cơ làm phân bón cho cây trồng bằng công nghệ vi sinh tại xã Ninh Khang, Ninh Mỹ.

Môi trường là một trong những tiêu chí động trong Bộ tiêu chí Quốc gia xây dựng nông thôn mới, nên khó thực hiện và duy trì bền vững, nhất là đối với các xã đặc biệt khó khăn, xã bãi ngang ven biển, xã miền núi có xuất phát điểm thấp, điều kiện kinh tế - xã hội còn nhiều khó khăn. Mặt khác, ý thức của người dân tại một số nơi chưa cao, vẫn còn tùy tiện xả rác thải ra kênh mương, làm chuồng trại gia súc gần nơi ở.

Trung tâm vệ sinh môi trường cấp huyện thiếu kinh phí, thiếu nhân lực, thiếu phương tiện vận chuyển, thu gom rác thải, bãi chôn lấp rác hợp vệ sinh không đảm bảo quy định. Việc thu gom xử lý nước thải tại các khu dân cư tập trung ở nông thôn còn hạn chế, mới xử lý qua bể tự hoại rồi thải ra ngoài môi trường…

Do vậy, để đạt được và duy trì bền vững các tiêu chí về môi trường trong xây dựng nông thôn mới cần: Tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức của người dân, cấp ủy, chính quyền và các đoàn thể trong việc bảo vệ môi trường ngay ở gia đình mình và cộng đồng dân cư.

Lồng ghép nội dung cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hoá ở khu dân cư” với thực hiện hương ước, quy ước trong giữ gìn vệ sinh môi trường nông thôn; xây dựng nếp sống văn minh, xây dựng gia đình văn hóa; khuyến khích phát triển sản xuất, chăn nuôi gắn với bảo vệ môi trường (tiêu biểu như làm bể biogas để xử lý chất thải chăn nuôi); đẩy mạnh công tác trồng, chăm sóc và bảo vệ rừng, tạo môi trường trong lành và cảnh quan xanh - sạch - đẹp; phát động các phong trào chỉnh trang đường làng ngõ xóm, khuôn viên gia đình và xây dựng các công trình vệ sinh kiên cố, đạt chuẩn.

Phát triển kinh tế nông thôn phải gắn với công tác bảo vệ môi trường, chú trọng đến hướng sản xuất nông nghiệp công nghệ cao, phát triển dịch vụ môi trường...và có kế hoạch di dời các làng nghề vào khu công nghiệp, cụm công nghiệp sản xuất tập trung để có phương án xử lý môi trường triệt để.

 

message zalo