Đang tải...
Ngày đăng: 04/12/2019
Chuyện sau đầu tư
Tính đến tháng 9/2019, toàn tỉnh có 104 công trình cấp nước sinh hoạt, trong đó có 10 công trình cấp nước sinh hoạt đô thị; 94 công trình cấp nước sinh hoạt nông thôn, phục vụ cho trên 300.000 hộ dân ở 126 xã, phường, thị trấn. Theo thống kê của ngành chức năng, trong số 104 công trình cấp nước sạch trên địa bàn tỉnh, hiện có đến 21 công trình hoạt động kém hiệu quả, 7 công trình đang xây dựng dở dang chưa kịp bàn giao và 16 công trình ngừng hoạt động để hoà mạng với các công trình khác. 7 công trình đang xây dựng dở dang chưa kịp bàn giao thì nay đã xuống cấp, hư hỏng và bỏ hoang gây lãng phí ngân sách nhà nước hàng chục tỷ đồng, đó là công trình cấp nước xã Phú Long, Quỳnh Lưu, Gia Minh, Gia Phong, Gia Phương, Ninh Xuân, Khánh Nhạc. Mặc dù các công trình này đã được UBND tỉnh bàn giao cho các doanh nghiệp quản lý gắn với địa bàn theo phân vùng cấp nước, song các doanh nghiệp lại không có kế hoạch tiếp tục đầu tư để đưa vào sử dụng. Do vậy, người dân ở những địa phương này chưa có nước sạch sinh hoạt hoặc dùng nước sinh hoạt từ công trình nối mạng khác. Đặc biệt, tại xã Gia Minh (Gia Viễn), các hộ dân đã đóng góp để đơn vị thi công xây dựng đường ống, tuy nhiên đến nay đã dừng thi công nhiều năm, số tiền người dân đóng góp cũng không được đơn vị hoàn trả lại.
Do một số công trình cấp nước xuống cấp, công suất thấp dẫn đến người dân ở một số khu vực ven biển, các khu, cụm dân cư xa trung tâm không có nước sinh hoạt tập trung hoặc thiếu nước do không đảm bảo về áp lực, lưu lượng nước. Điển hình trong việc thiếu nước đó là nhân dân các thôn Khai Khẩn, Vân Du Thượng thuộc xã Yên Thắng (Yên Mô) phải mua nước với giá 50 - 70 nghìn đồng/m3 để dùng vì áp lực nước yếu không tới được các hộ ở cuối nguồn. Đến nay, toàn tỉnh vẫn còn 19 xã chưa được sử dụng nước máy, 11 xã tỷ lệ người dân sử dụng nước máy đạt dưới 30%.
Đáng chú ý là hiện nay, nước mặt vẫn là nguồn nước nguyên liệu chính được các nhà máy, trạm cấp nước sử dụng sản xuất, cung cấp cho người dân. Song do chất lượng nước mặt trên địa bàn tỉnh không ổn định và có nguy cơ ô nhiễm cao do ảnh hưởng từ sản xuất công nghiệp, nông nghiệp, biến đổi khí hậu, xả thải ra môi trường; do ý thức của người dân… khiến chi phí xử lý nước tăng lên, có thời điểm chất lượng nước nguồn tại một số địa phương không thể xử lý, phải tạm ngừng cấp nước để đảm bảo an toàn chất lượng nước. Tại các trạm cấp nước khu vực nông thôn, nhiều nơi chất lượng nước chưa đảm bảo, thiếu ổn định, nhất là các trạm nhỏ lẻ. Theo báo cáo của Sở Y tế: Năm 2018, qua kiểm tra, lấy 117 mẫu nước xét nghiệm của 67/92 trạm cấp nước sinh hoạt nông thôn, kết quả 20/117 mẫu nước không đạt theo QCVN 02:2009/BYT. Năm 2019, qua kiểm tra, lấy mẫu 114 mẫu nước xét nghiệm ở 61 trạm, kết quả 69/114 mẫu nước không đạt theo quy chuẩn. Các chỉ tiêu không đạt là hàm lượng clo dư, hàm lượng pecmanganat, độ đục. Tổng số trạm cấp nước có chất lượng nước không đạt là 26/61 trạm được kiểm định.
Đâu là giải pháp?
Không thể phủ nhận lợi ích mà các công trình cung cấp nước sinh hoạt trong thời gian qua đã đem lại, tuy nhiên những bất cập trong câu chuyện sau đầu tư đã làm ảnh hưởng đến chất lượng, hiệu quả các công trình, gây bức xúc trong nhân dân. Và mới đây, Thường trực HĐND tỉnh tổ chức phiên giải trình về việc quản lý các công trình cấp nước và quản lý chất lượng nước sinh hoạt trên địa bàn tỉnh. Đây được xem là một động thái quan trọng nhằm tạo điều kiện để các cơ quan, đơn vị được giải thích, làm rõ trách nhiệm của mình trong công tác quản lý các công trình cấp nước, quản lý chất lượng nước và biện pháp khắc phục trong thời gian tới.
Tại phiên giải trình, đại diện lãnh đạo các Sở: Nông nghiệp và PTNT, Y tế, Xây dựng và đại diện lãnh đạo các công ty cấp, thoát nước trên địa bàn tỉnh đã trực tiếp giải trình các nội dung thuộc trách nhiệm, thẩm quyền giải quyết. Nhìn chung, thủ trưởng các cơ quan, đơn vị đã nghiêm túc, thẳng thắn trả lời giải trình, đồng thời đưa ra phương hướng, giải pháp khắc phục những hạn chế, khó khăn trong thời gian tới.
Trong đó, ông Bùi Xuân Diệu, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và PTNT đã trả lời làm rõ hơn công tác tham mưu, chỉ đạo của Sở trong việc thực hiện chương trình nước sạch; chính sách khuyến khích thu hút đầu tư, xã hội hóa lĩnh vực kinh doanh và những giải pháp để nâng tỷ lệ địa bàn/người dân được sử dụng nước sạch. Ông Bùi Xuân Diệu cho biết: Những bất cập trong công tác quản lý công trình cấp nước trong thời gian qua còn những khó khăn nhất định và trách nhiệm không chỉ riêng Sở Nông nghiệp và PTNT mà còn cần có sự vào cuộc hơn nữa của các cấp chính quyền, chủ đầu tư và người dân. Tiếp thu ý kiến của các đại biểu trong phiên giải trình, thời gian tới, Sở Nông nghiệp và PTNT sẽ rà soát, đánh giá lại toàn bộ các công trình cấp nước đã được UBND tỉnh bàn giao cho các doanh nghiệp quản lý. Trên cơ sở đó, Sở sẽ kiến nghị UBND tỉnh thu hồi những công trình mà doanh nghiệp không thực hiện đúng cam kết như khi bàn giao để thực hiện đấu thầu cho những đơn vị có năng lực hơn tiếp nhận quản lý, đảm bảo hiệu quả các công trình.
Thực tiễn triển khai công tác quản lý công trình cấp nước và quản lý chất lượng nước sinh hoạt thời gian qua cho thấy sự chồng chéo giữa các sở, ban, ngành liên quan, nhất là sự phối hợp liên ngành và phối hợp với chính quyền địa phương trong quản lý đầu tư xây dựng cơ bản, quản lý chất lượng nước, xây dựng giá nước, hướng dẫn quản lý vận hành và đào tạo nhân lực. Do vậy, một giải pháp được các sở, ngành đưa ra kiến nghị, đó là UBND tỉnh cần sớm ban hành Quy chế phối hợp, phân công trách nhiệm cụ thể giữa các cơ quan trong chuỗi hoạt động sản xuất, cung ứng, đảm bảo chất lượng nước sinh hoạt cung cấp cho người dân; biện pháp ứng phó với trường hợp khẩn cấp xảy ra khi ô nhiễm nguồn nước; ban hành Quy chuẩn kỹ thuật nước sinh hoạt trong tỉnh. Chỉ đạo rà soát, điều chỉnh, bổ sung việc phân vùng, quy hoạch cấp nước phù hợp với thực tế và năng lực các đơn vị, doanh nghiệp cấp nước. Tiếp tục có cơ chế, chính sách kêu gọi, thu hút đầu tư phát triển chương trình nước sạch nông thôn...
Bên cạnh đó cũng cần phải thấy rõ trách nhiệm trong đầu tư, quản lý, vận hành hoạt động cung ứng nước sạch của doanh nghiệp, nhà máy, trạm cấp nước có mặt chưa nghiêm túc, chưa đúng quy trình; nhiều trạm chưa hiệu quả, tỷ lệ thất thoát nước còn cao. Do đó, các công ty chịu trách nhiệm cung ứng nước sạch cần phải thay đổi phương thức quản lý, thực hiện nghiêm quy trình vận hành, định mức kỹ thuật, đảm bảo cung cấp nước sạch cho người dân; đồng thời cần nêu cao trách nhiệm trong việc phối hợp với cơ quan chức năng trong việc bảo vệ nguồn nước nguyên liệu...
Những bất cập trong công tác quản lý công trình cấp nước và quản lý chất lượng nước sinh hoạt thời gian qua là khá rõ và để khắc phục tình trạng này, đòi hỏi không chỉ sự nỗ lực từ các chủ đầu tư mà cần sự vào cuộc tích cực hơn của các cấp, các ngành quản lý cho đến mỗi người dân. Đã đến lúc người dân cần phải nâng cao nhận thức, thay đổi hành vi, thói quen sử dụng nước không hợp vệ sinh, chung tay giám sát, bảo vệ nguồn nước mặt nguyên liệu. Có như vậy mới đảm bảo hiệu quả các công trình cấp nước sạch tập trung, vì mục tiêu nâng cao chất lượng đời sống nhân dân.