Đang tải...
Ngày đăng: 09/04/2020
Đồng chí Nguyễn Cát Đằng, Chủ tịch UBND xã Gia Tân bắt đầu câu chuyện ô nhiễm môi trường nông thôn bằng việc nhắc lại “bãi rác ở xứ đồng thôn Vân Thị” từng gây nhức nhối trong dư luận, ảnh hưởng không nhỏ đến việc xét tiêu chí môi trường xây dựng nông thôn mới ở địa phương.
Từ năm 2018, chính quyền xã đã tập trung chỉ đạo giải quyết vấn nạn ô nhiễm môi trường trên địa bàn. Lượng rác mới của xã được vận chuyển đưa vào Nhà máy xử lý rác tại thành phố Tam Điệp để xử lý; phần chôn lấp từ những năm trước đây thì san gạt gọn vào một vị trí, lấp đất lên trên và trồng cây xanh tạo cảnh quan môi trường.
Tìm hiểu chúng tôi được biết, hiện nay xã Gia Tân có 2.946 hộ với 9.478 khẩu. Những năm qua, cùng với tốc độ phát triển kinh tế và sự tăng dân số tự nhiên (Gia Tân là một trong bốn xã nằm trong Khu công nghiệp Gián Khẩu) đã phát sinh lượng rác thải sinh hoạt của người dân ngày càng nhiều. Gia Tân hiện có 3 HTX nông nghiệp, 1 HTX nấm, 1 HTX nuôi trồng thủy sản.
Trước đây, thói quen xây dựng chuồng trại chăn nuôi tùy tiện, chăn thả gia súc, gia cầm tự do nên chất thải trong chăn nuôi cũng là nguyên nhân gây ô nhiễm môi trường trong xã. Việc xử lý thuốc bảo vệ thực vật thải ra một lượng đáng kể vỏ bao bì gồm túi ni-lông, chai lọ thủy tinh.
Bên cạnh đó, phần lớn các hộ kinh doanh hoạt động ở quy mô nhỏ lẻ, công nghệ sản xuất còn lạc hậu, vấn đề xử lý ô nhiễm môi trường, khối lượng chất thải thu gom đạt tỷ lệ thấp, gây nên tình trạng rác thải chất đống bừa bãi ven các trục đường giao thông, kênh mương, ao hồ…
Trước thực trạng này, vào trung tuần tháng 7/2019, các sáng lập viên thành lập HTX Môi trường Gia Tân với hình thức tổ chức kinh tế tập thể đồng sở hữu, với 15 thành viên tham gia.
Ông Lê Thanh Ngọc, Chủ tịch Hội đồng quản trị, kiêm Giám đốc HTX Môi trường Gia Tân chia sẻ: HTX có vốn điều lệ là 900 triệu đồng, hoạt động theo cơ chế tự chủ, tự chịu trách nhiệm, hoạt động ở các lĩnh vực như: sản xuất phương tiện vận tải, xe có động cơ, tái chế phế liệu và rác thải. HTX thành lập với mục đích hợp tác tạo sức mạnh về vốn, nhân lực, ứng dụng khoa học công nghệ vào trong sản xuất nhằm tăng năng suất lao động, nâng cao chất lượng sản phẩm, sử dụng chung nhãn hiệu hàng hóa để đủ điều kiện đưa sản phẩm ra thị trường.
Được biết, để đi vào hoạt động, HTX đã xây dựng quy chế hoạt động phân công nhiệm vụ cho các thành viên, xây dựng kế hoạch triển khai tới các ban, ngành, đoàn thể, các thôn, xóm trên địa bàn xã. Các thôn xóm, các tổ chức đoàn thể tổ chức hội nghị triển khai kế hoạch thực hiện đề án thu gom, vận chuyển rác thải của UBND xã đến toàn thể cán bộ, hội viên và nhân dân trong toàn xã. Rà soát số hộ, số khẩu thường trú thực tế ở địa phương, khảo sát, lựa chọn các điểm tập kết, trung chuyển rác thải và lựa chọn tổ thu gom rác thải của các thôn xóm. Bố trí nhân lực, phương tiện chở rác theo định kỳ, tránh ùn tắc, quá tải…
Cùng với đó, xây dựng phương án thu chi, cơ chế tài chính và nhu cầu đầu tư trang thiết bị đảm bảo công tác thu gom, vận chuyển rác tại các thôn, xóm và vận chuyển rác đến nơi xử lý tập trung ở thành phố Tam Điệp. Ngay sau khi thành lập, Ban quản trị HTX tiếp quản 52 xe đẩy của xã bàn giao, khảo sát, bố trí chọn các điểm đặt xe tập kết thu gom, giảm đáng kể công thu gom rác tại các khu dân cư.
Ban quản trị HTX đầu tư mua sắm xe chở rác chuyên dụng có tải trọng 5 tấn, có khả năng ép được khối lượng 10m3 bằng lượng rác của 30 xe gom đẩy rác. Nhờ có sự phân công lao động rõ ràng, chi tiết, bố trí nhịp nhàng về địa điểm và thời gian thu gom, vận chuyển rác nên tình trạng rác thải gây ô nhiễm môi trường đã được giải quyết triệt để. Bình quân mỗi khẩu đóng 7 nghìn đồng/tháng, các hộ sản xuất, kinh doanh, nhà hàng ăn uống phải đóng từ 50 - 200 nghìn đồng/tháng tiền phí vệ sinh môi trường.
Nhờ thực hiện tốt nhiệm vụ, HTX cũng đã tạo việc làm ổn định cho 15 lao động thành viên tham gia thu gom rác với mức thu nhập bình quân mỗi lao động đạt 2 triệu đồng/tháng.
Theo khảo sát kể từ khi thành lập HTX Môi trường xã Gia Tân, ý thức của người dân đã được nâng lên rõ rệt, thói quen vứt rác bừa bãi không còn nữa. Cảnh quan môi trường được tôn tạo, góp phần làm đẹp cho quê hương.