Đang tải...
Ngày đăng: 08/11/2019
Men theo con đường ngoằn ngoèo rồi xuống cầu phao qua sông Bôi theo chân ông Nguyễn Huy Đoàn – Chủ tịch UBND xã Xích Thổ, chúng tôi mới có mặt tại thôn Quyết Thắng, xã Xích Thổ. Toàn xã có 10 thôn, thì có đến 9 thôn có nước sạch, duy nhất thôn Quyết Thắng bị chia cắt bởi dòng sông Bôi là chưa có nước sạch để sử dụng.
Bà Bùi Thị Thuý, ở thôn Quyết Thắng cho biết: Đã từ rất lâu cả trăm hộ dân nơi đây đều phải sử dụng nước mưa, hoặc nước giếng đào để phục vụ cho ăn uống và sinh hoạt.
Thế nhưng, nước mưa thì vào những đợt nắng nóng, hạn hán thì cũng không đủ mà dùng, nước giếng đào thì nhiều giếng có mùi khó chịu, hiện đã không thể sử dụng được.
Để đảm bảo vệ sinh, người dân phải mua các máy lọc nước về sử dụng nhưng cũng chỉ đủ dùng cho ăn uống vì công suất rất nhỏ. Có nhiều người ở thôn sống quá nửa đời người nhưng vẫn không thôi mong ngóng được nhìn thấy, được sử dụng nguồn nước sạch sinh hoạt.
Thôn Quyết Thắng có tới 139 hộ dân bị chia cắt bởi sông Bôi, nơi đây thường được gọi là “ốc đảo” bởi vì nằm sát sông nên năm nào vào mùa mưa lũ cũng bị ngập và bị cô lập bởi nước sông dâng cao, nhẹ thì 1 – 2 lần, mà năm nào thời tiết thất thường thì 3 – 4 lần ngập.
Cứ sau mỗi trận lụt là tất cả các nước giếng đào đều bị ô nhiễm bởi bùn đất, rác, đó là chưa kể đến chất lượng nước càng ngày càng kém đi nên có nước sạch sinh hoạt là nguyện vọng và là sự mong mỏi lớn nhất của tất cả các hộ dân ở “ốc đảo” này, ông Đinh Văn Phong, Phó thôn Quyết Thắng chia sẻ thêm.
Cùng chung cảnh ngộ đó là thôn Cao Thắng, xã Đức Long, đây là thôn ngoại đê sông Hoàng Long, có tới 241 hộ, 950 khẩu cũng chưa có nước sạch để sử dụng.
Ông Bùi Quang Hoè - Chủ tịch UBND xã Đức Long cho biết: Đây là một trong những thôn đặc biệt khó khăn của tỉnh và cũng là thôn xa trung tâm xã nhất. Mỗi năm bị ngập lụt vài lần, nước giếng đào, giếng khoan sau mỗi trận lụt người dân phải dùng phèn, cloramin khử trùng nhưng cũng chỉ là biện pháp tạm thời.
Ông Bùi Đình Kiểu đang kiểm tra tại Trạm cấp nước sinh hoạt xã Xích Thổ |
Nhiều lúc để có nước sạch sử dụng bà con phải đi vào các thôn trong đê để xin nước về sử dụng vì nguồn nước không đảm bảo. Việc này xã cũng nhiều lần đề nghị đơn vị vận hành nhà máy nước xây dựng đường ống cung cấp nước sạch cho thôn nhưng đến nay vẫn chưa thấy đơn vị tiến hành lắp đặt.
Theo ông Vũ Lâm Trường – Trưởng phòng NN&PTNT huyện Nho Quan thì toàn huyện có 20 nhà máy nước sạch, trong đó có 4 trạm đã xuống cấp, còn lại 16 nhà máy nước đang hoạt động rất hiệu quả, bà con, nhân dân rất phấn khởi vì được sử dụng nước sạch.
Bên cạnh đó, vẫn còn nhiều xã “trống” nước sạch như xã Phú Sơn, xã Sơn Lai, hay xã Kỳ Phú có một trạm nước sạch được đầu tư theo nguồn vốn 135 nhưng hiện xuống cấp không đủ cung cấp cho nhu cầu người dân.
Hầu hết, bà con đang phải dùng nước giếng khoan, xây bể trữ nước mưa, thế nhưng nhiều khu vực nước giếng khoan cũng bị nhiễm phèn nên cũng không thể sử dụng được. Huyện Nho Quan có 5 xã với 24 thôn, bản đặc biệt khó khăn, trong đó có nhiều thôn ngoài đê hoặc trên địa hình núi cao người dân chưa được sử dụng nước sạch.
Hơn lúc nào, Nho Quan nói chung và các thôn, bản "khát" nước sạch ở đây nói riêng đang rất cần sự quan tâm, hỗ trợ hơn nữa từ các cấp, ngành của tỉnh Ninh Bình và sự vào cuộc của Công ty cấp thoát nước Ninh Bình. Đặc biệt là người dân ở những "ốc đảo" luôn khao khát và rất mong mỏi được tiếp cận, sử dụng nguồn nước sạch để bảo vệ sức khoẻ và nâng cao chất lượng cuộc sống.