Đang tải...
Ngày đăng: 06/11/2017
Vườn cao su rộng 1 ha, trồng được 10 năm tuổi của bà Dương Thị Đức, thôn Ea Đin, xã Ea Bar, huyện Sông Hinh, trước khi cơn bão số 12 càn quét vẫn cho thu hoạch mỗi lần cạo không dưới 120 kg mủ. Với giá bán 12.000 đồng/kg, sau khi trừ hết chi phí mỗi tháng thu được 15 triệu đồng. Nhưng chỉ sau vài tiếng đồng hồ cơn bão số 12 đi qua đã làm cho hàng trăm cây cao su bị gãy ngang thân, bật gốc hoặc ngả nghiêng tả tơi.
Cách đó không xa, vườn cao su của ông Lê Hoài Sơn, thôn Ea MKeng, xã Ea Bar cũng bị tan hoang bởi cơn bão số 12. Hàng dãy cao su đường kính từ 50 đến 60 cm bị gãy ngang thân. Những cây không bị gãy đổ thì cũng bị tróc gốc, bung rễ, không thể phục hồi.
Ông Lê Hoài Sơn bày tỏ, hiện chỉ phục hồi được một số cây còn đứng, số cây nghiêng long gốc rất nhiều không còn cho đủ lượng mủ và một số cây ngã đổ hoàn toàn thì không thể phục hồi.
Xã Ea Bar là địa phương đầu tiên của huyện Sông Hinh phát triển cây cao su với diện tích 1.800 ha, chiếm 50% diện tích cao su toàn huyện. Những năm qua, cây cao su ở Ea Bar trở thành cây trồng chủ lực, giúp người dân vượt qua đói nghèo và vươn lên làm giàu. Nhưng lần này cơn bão số 12 với sức gió giật quá mạnh khiến người trồng cao su bị thiệt hại nặng. Theo UBND xã Ea Bar, 70% số vườn cao su của bà con nơi đây đều bị thiệt hại; nhiều diện tích mất trắng, nhẹ nhất thì cũng khoảng 20% số cây cao su bị ngã đổ, bật gốc, gãy thân…
Ông Ksor Hec, Chủ tịch UBND xã Ea Bar, huyện Sông Hinh cho biết, cây cao su của xã Ea Bar năm nay thiệt hại rất nặng với trên 70%, có một số cây đổ ngã, một số cây trốc gốc, còn lại bị nghiêng.
Những vườn cao su bị thiệt hại, phần lớn diện tích rơi vào những vườn đã thu hoạch nhiều năm, cây đang sung sức, cao lớn, cành lá sum xuê. Theo người dân địa phương, những diện tích bị ảnh hưởng dưới 30% thì có thể phục hồi, nhưng năng suất không thể bằng như cũ, còn với những vườn bị ảnh hưởng trên 30% trở lên, cây cao su sẽ không còn hiệu quả về kinh tế nếu tiếp tục đầu tư.
Ông Vũ Đức Phong là một trong những người trồng cao su sớm nhất tại địa bàn xã Ea Bar cho biết, đây là trận bão lớn nhất từ trước đến nay vùng cao su ở xã Ea Bar gặp phải, ảnh hưởng rất lớn đến sản xuất, đời sống thu nhập của người dân trong thời gian sắp tới. Đặc biệt, là lựa chọn cây trồng nào lúc này để thay thế là bài toán rất khó cho người dân trong thời điểm hiện nay./.